Nguyên tắc và hình thức tổ chức hội nghị cán bộ, công chức, viên chức

Nguyên tắc và hình thức tổ chức hội nghị cán bộ, công chức, viên chức
Lê Trương Quốc Đạt

Cho tôi hỏi nguyên tắc và hình thức tổ chức hội nghị cán bộ, công chức, viên chức? - Quốc Minh (Tiền Giang)

Nguyên tắc và hình thức tổ chức hội nghị cán bộ, công chức, viên chức

Nguyên tắc và hình thức tổ chức hội nghị cán bộ, công chức, viên chức (Hình từ Internet)

Về vấn đề này, LawNet giải đáp như sau:

1. Nguyên tắc tổ chức hội nghị cán bộ, công chức, viên chức

Nguyên tắc tổ chức hội nghị cán bộ, công chức, viên chức theo Điều 2 Thông tư 01/2016/TT-BNV như sau:

- Hội nghị cán bộ, công chức, viên chức (sau đây gọi tắt là hội nghị) là hình thức dân chủ trực tiếp để cán bộ, công chức, viên chức tham gia quản lý, xây dựng cơ quan, đơn vị trong sạch, vững mạnh.

- Hội nghị được tổ chức dân chủ, thiết thực, bảo đảm các nội dung quy định tại Điều 5 Nghị định 04/2015/NĐ-CP.

- Hội nghị được tổ chức hợp lệ khi có ít nhất 2/3 cán bộ, công chức, viên chức của cơ quan, đơn vị hoặc ít nhất 2/3 đại biểu được triệu tập có mặt dự hội nghị. Nghị quyết, quyết định của hội nghị được thông qua khi có trên 50% số người dự hội nghị tán thành và nội dung không trái với quy định của pháp luật.

2. Hình thức hội nghị cán bộ, công chức, viên chức

Hình thức hội nghị cán bộ, công chức, viên chức theo Điều 3 Thông tư 01/2016/TT-BNV như sau:

- Hội nghị thường kỳ: Tổ chức mỗi năm một lần vào cuối năm.

Đối với các cơ sở giáo dục đào tạo, có thể tổ chức hội nghị vào thời gian kết thúc năm học để phù hợp với đặc thù của ngành.

- Hội nghị bất thường: Tổ chức khi có 1/3 cán bộ, công chức, viên chức của cơ quan, đơn vị hoặc Ban chấp hành Công đoàn cơ quan, đơn vị yêu cầu hoặc người đứng đầu cơ quan, đơn vị thấy cần thiết.

3. Đại biểu đương nhiên và bầu đại biểu tham dự hội nghị cán bộ, công chức, viên chức

Theo Điều 5 Thông tư 01/2016/TT-BNV quy định về đại biểu đương nhiên và bầu đại biểu tham dự hội nghị cán bộ, công chức, viên chức như sau:

- Đại biểu đương nhiên là đại diện của cấp tổ chức hội nghị, gồm: Người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu, Bí thư cấp ủy, Chủ tịch Công đoàn, Trưởng ban Thanh tra nhân dân, Chủ tịch Hội cựu chiến binh (nếu có), Bí thư Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh (nếu có), Trưởng ban nữ công hoặc cán bộ phụ trách ban nữ công.

- Việc bầu đại biểu tham dự hội nghị được tiến hành tại hội nghị của các đơn vị thuộc cơ quan, đơn vị thông qua hình thức biểu quyết hoặc bỏ phiếu kín do hội nghị quyết định theo đa số. Người trúng cử phải được trên 50% tổng số người dự hội nghị bầu và lấy theo nguyên tắc từ cao xuống thấp cho đến khi đủ số đại biểu được phân bổ.

- Người đứng đầu cơ quan, đơn vị phối hợp với công đoàn cơ quan, đơn vị thống nhất, quyết định số lượng đại biểu tham dự hội nghị bảo đảm số lượng tối thiểu như sau:

+ Cơ quan, đơn vị có tổng số cán bộ, công chức, viên chức trên 200 đến đủ 300 người; hoặc có từ 200 người trở xuống nhưng làm việc phân tán trên địa bàn rộng hoặc vì lý do nghiệp vụ không thể bỏ vị trí làm việc: Bầu ít nhất 1/3 cán bộ, công chức, viên chức của cơ quan, đơn vị là đại biểu tham dự hội nghị.

+ Cơ quan, đơn vị có tổng số cán bộ, công chức, viên chức trên 300 người: Ngoài số đại biểu tối thiểu phải bầu tại điểm a khoản 3 Điều 5 Thông tư 01/2016/TT-BNV, cứ 10 người thì bầu thêm ít nhất 01 đại biểu (tính từ người thứ 301 trở đi).

4. Hướng dẫn tổ chức hội nghị cán bộ, công chức, viên chức

Hướng dẫn tổ chức hội nghị cán bộ, công chức, viên chức theo Điều 7 Thông tư 01/2016/TT-BNV như sau:

- Đoàn chủ tịch và thư ký hội nghị:

+ Đoàn chủ tịch gồm người đứng đầu cơ quan, đơn vị và Chủ tịch công đoàn cơ quan, đơn vị. Tùy theo tính chất, yêu cầu cần thiết mà Đoàn chủ tịch có Bí thư cấp ủy cơ quan, đơn vị.

Trường hợp người đứng đầu cơ quan, đơn vị hoặc Chủ tịch công đoàn cơ quan, đơn vị đang trong thời gian thi hành kỷ luật hình thức từ khiển trách trở lên, tập thể lãnh đạo cơ quan, đơn vị hoặc Ban thường vụ công đoàn cơ quan, đơn vị (hoặc Ban chấp hành công đoàn nếu không có Ban thường vụ công đoàn) cử đại diện tham gia Đoàn chủ tịch.

+ Thư ký hội nghị do Đoàn chủ tịch cử và thực hiện nhiệm vụ theo phân công của Đoàn chủ tịch.

- Nội dung hội nghị:

+ Người đứng đầu cơ quan, đơn vị, Chủ tịch công đoàn cơ quan, đơn vị trình bày các văn bản, báo cáo theo phân công tại điểm b, c, d khoản 1 Điều 6 Thông tư 01/2016/TT-BNV.

+ Cán bộ, công chức, viên chức dự hội nghị thảo luận các văn bản, báo cáo; đề xuất, kiến nghị (nếu có).

+ Người đứng đầu, Chủ tịch công đoàn giải đáp thắc mắc, kiến nghị của cán bộ, công chức, viên chức đối với các nội dung thuộc thẩm quyền, bàn các biện pháp cải tiến điều kiện làm việc, nâng cao đời sống của cán bộ, công chức, viên chức trong cơ quan, đơn vị.

+ Trưởng ban Thanh tra nhân dân trình bày báo cáo hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân trong năm và chương trình công tác năm tiếp theo.

+ Bầu mới hoặc kiện toàn Ban Thanh tra nhân dân (nếu có).

+ Thông qua Quy chế chi tiêu nội bộ của cơ quan, đơn vị (nếu có).

+ Tổ chức khen thưởng cá nhân, tập thể của cơ quan, đơn vị có thành tích trong công tác; phát động phong trào thi đua.

+ Ký kết giao ước thi đua giữa người đứng đầu cơ quan, đơn vị với tổ chức công đoàn.

+ Thông qua nghị quyết hội nghị.

- Kinh phí tổ chức hội nghị được bố trí từ nguồn kinh phí hoạt động thường xuyên của cơ quan, đơn vị.

>> XEM BẢN TIẾNG ANH CỦA BÀI VIẾT NÀY TẠI ĐÂY

9622 lượt xem

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của LawNet. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email:info@lawnet.vn


Liên quan Văn bản
  • Địa chỉ: 19 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh
    Điện thoại: (028) 7302 2286
    E-mail: info@lawnet.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079
P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;