Thêm nhiều nội dung chủ yếu cần phải có trong nội quy lao động

Đây là nội dung đáng chú ý tại Dự thảo Nghị định quy định chi tiết thi hành một số điều của Bộ luật Lao động về quản lý lao động, hợp đồng lao động, tiền lương, kỷ luật lao động, trách nhiệm vật chất đang được đưa ra lấy ý kiến đóng góp trên mạng, dự kiến có hiệu lực từ 01/01/2021.

nội dung chủ yếu cần phải có trong nội quy lao động

Thêm nhiều nội dung chủ yếu cần phải có trong nội quy lao động

Cụ thể, theo Điều 15 Dự thảo này, Nội quy lao động tại Điều 118 của Bộ luật Lao động được quy định như sau:

1. Người sử dụng lao động phải ban hành nội quy lao động, nếu sử dụng từ 10 người lao động trở lên thì nội quy lao động phải bằng văn bản, nếu sử dụng dưới 10 người lao động thì nội quy lao động có thể ban hành bằng hình thức khác nhưng phải bảo đảm mọi người lao động được biết để thực hiện.

2. Nội dung nội quy lao động không được trái với pháp luật về lao động, quy định của pháp luật có liên quan và gồm những nội dung chủ yếu sau:

- Thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi: quy định thời giờ làm việc bình thường trong 01 ngày, trong 01 tuần; ca làm việc; thời điểm bắt đầu, thời điểm kết thúc ca làm việc; làm thêm giờ (nếu có); làm thêm giờ trong các trường hợp đặc biệt; thời điểm các đợt nghỉ giải lao ngoài thời gian nghỉ giữa giờ; nghỉ chuyển ca; ngày nghỉ hằng tuần; nghỉ hằng năm, nghỉ việc riêng, nghỉ không hưởng lương.

- Trật tự tại nơi làm việc: quy định phạm vi làm việc, đi lại trong thời giờ làm việc; văn hóa ứng xử, trang phục; tuân thủ phân công, điều động của người sử dụng lao động.                                            

- An toàn, vệ sinh lao động tại nơi làm việc: trách nhiệm nắm vững và chấp hành các quy định, nội quy, quy trình, biện pháp bảo đảm về an toàn, vệ sinh lao động, phòng chống cháy nổ; sử dụng và bảo quản các phương tiện bảo vệ cá nhân, các thiết bị bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động tại nơi làm việc; vệ sinh, khử độc, khử trùng tại nơi làm việc.

- Phòng, chống quấy rối tình dục tại nơi làm việc; trình tự, thủ tục xử lý hành vi quấy rối tình dục tại nơi làm việc: người sử dụng lao động quy định về phòng, chống quấy rối tình dục theo quy định của Chính phủ về chính sách đối với lao động nữ và bảo đảm bình đẳng giới. (Đây là nội dung hoàn toàn mới được bổ sung thêm tại Dự thảo so với Nghị định 05/2015/NĐ-CP)

- Bảo vệ tài sản và bí mật kinh doanh, bí mật công nghệ, sở hữu trí tuệ của người sử dụng lao động: quy định danh mục tài sản, tài liệu, bí mật công nghệ, bí mật kinh doanh, sở hữu trí tuệ; trách nhiệm, biện pháp được áp dụng để bảo vệ tài sản, bí mật; hành vi xâm phạm tài sản và bí mật.

- Trường hợp được tạm thời chuyển người lao động làm việc khác so với hợp đồng lao động: quy định cụ thể các trường hợp do nhu cầu sản xuất, kinh doanh được tạm thời chuyển người lao động làm việc khác so với hợp đồng lao động theo quy định tại khoản 1 Điều 29 của Bộ luật Lao động. (Đây cũng là nội dung mới được bổ sung thêm tại Dự thảo so với Nghị định 05/2015/NĐ-CP)

- Các hành vi vi phạm kỷ luật lao động của người lao động và các hình thức xử lý kỷ luật lao động: quy định cụ thể hành vi vi phạm kỷ luật lao động; hình thức xử lý kỷ luật lao động tương ứng với hành vi vi phạm.

- Trách nhiệm vật chất: quy định các trường hợp phải bồi thường thiệt hại do làm hư hỏng dụng cụ, thiết bị hoặc có hành vi gây thiệt hại tài sản; trường hợp phải bồi thường do làm mất dụng cụ, thiết bị, tài sản hoặc tiêu hao vật tư quá định mức; mức bồi thường thiệt hại tương ứng mức độ thiệt hại. (Đây cũng là nội dung mới được bổ sung thêm tại Dự thảo so với Nghị định 05/2015/NĐ-CP)

- Người có thẩm quyền xử lý kỷ luật lao động: người có thẩm quyền giao kết hợp đồng lao động bên phía người sử dụng lao động quy định tại khoản 3 Điều 18 của Bộ luật Lao động hoặc người được người sử dụng lao động quy định cụ thể trong nội quy lao động. (Đây cũng là nội dung mới được bổ sung thêm tại Dự thảo so với Nghị định 05/2015/NĐ-CP)

3. Trước khi ban hành nội quy lao động hoặc sửa đổi, bổ sung nội quy lao động, người sử dụng lao động phải tham khảo ý kiến của tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở đối với nơi có tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở theo quy định tại Điều 63 của Bộ luật Lao động.

4. Nội quy lao động sau khi ban hành phải được gửi đến từng tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở và thông báo đến toàn bộ người lao động trong doanh nghiệp đồng thời niêm yết những nội dung chính ở những nơi cần thiết tại nơi làm việc.

Như vậy, có thể thấy, so với quy định hiện nay tại Nghị định 05/2015/NĐ-CP, Dự thảo Nghị định lần này đã bổ sung thêm nhiều nội dung bắt buộc phải có trong nội quy lao động, qua đó sẽ đảm bảo tốt hơn quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động cũng như bảo đảm quyền lợi của cả người sử dụng lao động.

Xem thêm các nội dung khác của Dự thảo Nghị định này TẠI ĐÂY.

Nguyễn Trinh 

>> XEM BẢN TIẾNG ANH CỦA BÀI VIẾT NÀY TẠI ĐÂY

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của LawNet. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email: info@lawnet.vn
1198 lượt xem
Liên quan Văn bản
  • Địa chỉ: 19 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh
    Điện thoại: (028) 7302 2286
    E-mail: info@lawnet.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079
P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;