Đây là nội dung đáng chú ý được quy định tại Nghị định 28/2020/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động, bảo hiểm xã hội, đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.
NSDLĐ giữ văn bằng, chứng chỉ gốc của người lao động phạt đến 25 triệu đồng (Hình minh họa)
Hiện nay có rất nhiều doanh nghiệp khi ký hợp đồng lao động lại yêu cầu giữ bằng gốc, chứng chỉ của người lao động, nhằm gây áp lực tinh thần, bắt ép trong công việc dẫn đến người lao động không dám đơn phương chấm dứt hợp đồng vì sợ bị mất bằng cấp, chứng chỉ gốc, người lao động vì không biết được quy định này nên đã chấp nhận ký hợp đồng lao động và đưa bằng gốc cho người sử dụng lao động.
Về vấn đề này, tại Điều 17 Bộ luật Lao động 2019 đã quy định cụ thể như sau:
Điều 17. Hành vi người sử dụng lao động không được làm khi giao kết, thực hiện hợp đồng lao động
1. Giữ bản chính giấy tờ tùy thân, văn bằng, chứng chỉ của người lao động.
2. Yêu cầu người lao động phải thực hiện biện pháp bảo đảm bằng tiền hoặc tài sản khác cho việc thực hiện hợp đồng lao động.
3. Buộc người lao động thực hiện hợp đồng lao động để trả nợ cho người sử dụng lao động.
Theo đó, nếu có hành vi vi phạm về giao kết, thực hiện hợp đồng lao động sẽ bị xử phạt theo Điều 8 Nghị định 28/2020/NĐ-CP, cụ thể các mức phạt như sau:
*** Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 25.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động có một trong các hành vi sau đây:
(i) Giữ bản chính giấy tờ tùy thân, văn bằng, chứng chỉ của người lao động khi giao kết hoặc thực hiện hợp đồng lao động;
(ii) Buộc người lao động thực hiện biện pháp bảo đảm bằng tiền hoặc tài sản khác cho việc thực hiện hợp đồng lao động;
(iii) Giao kết hợp đồng lao động với người lao động từ đủ 15 tuổi đến dưới 18 tuổi mà không có sự đồng ý bằng văn bản của người đại diện theo pháp luật của người lao động.
Bên cạnh đó, người sử dụng phải có biện pháp khắc phục hậu quả như sau:
- Đối với mục (i) nêu trên: Buộc trả lại bản chính giấy tờ tùy thân, văn bằng, chứng chỉ đã giữ của người lao động;
- Đối với mục (ii) nêu trên: Buộc trả lại số tiền hoặc tài sản đã giữ của người lao động cộng với khoản tiền lãi của số tiền đã giữ của người lao động tính theo mức lãi suất tiền gửi không kỳ hạn cao nhất của các ngân hàng thương mại nhà nước công bố tại thời điểm xử phạt.
Ngoài ra, Nghị định 28/2020/NĐ-CP cũng quy định mức phạt tiền đối với người sử dụng lao động khi có một trong các hành vi: Không giao kết hợp đồng lao động bằng văn bản đối với công việc có thời hạn từ đủ 3 tháng trở lên; không giao kết đúng loại hợp đồng lao động với người lao động; giao kết hợp đồng lao động không đầy đủ các nội dung chủ yếu của hợp đồng lao động; giao kết hợp đồng lao động trong trường hợp thuê người lao động làm giám đốc trong doanh nghiệp có vốn của Nhà nước không theo quy định của pháp luật theo một trong các mức sau đây và đồng thời buộc giao kết đúng loại hợp đồng với người lao động đối với hành vi không giao kết đúng loại hợp đồng lao động với người lao động:
- Từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng với vi phạm từ 01 người đến 10 người lao động;
- Từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng với vi phạm từ 11 người đến 50 người lao động;
- Từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng với vi phạm từ 51 người đến 100 người lao động;
- Từ 15.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng với vi phạm từ 101 người đến 300 người lao động;
- Từ 20.000.000 đồng đến 25.000.000 đồng với vi phạm từ 301 người lao động trở lên.
Như vậy nếu người sử dụng lao động giữ văn bằng, chứng chỉ, giấy tờ tùy thân bản gốc của người lao động sẽ bị phạt tiền với mức phạt lên đến 25 triệu đồng và buộc trả lại bản chính giấy tờ tùy thân, văn bằng, chứng chỉ đã giữ của người lao động.