Các đối tượng được miễn, giảm và không phải đóng học phí đầu năm học

Đầu năm học vấn đề mà các bậc cha, mẹ quan tâm chính là các khoản học phí cho con em mình. Theo đó, nhà nước có các chính sách miễn, giảm và không đóng học phí cho các đối tượng sau:

học phí, Nghị định số 86/2015/NĐ-CP

Các đối tượng được miễn, giảm và không phải đóng học phí đầu năm học (Ảnh minh họa)

1. Đối tượng không phải đóng học phí

Theo quy định tại Điều 6 Nghị định 86/2015/NĐ-CP được hướng dẫn chi tiết tại Khoản 1 Điều 4 Thông tư liên tịch 09/2016/TTLT-BGDĐT-BTC-BLĐTBXH, 3 đối tượng sau sẽ không phải đóng học phí đầu năm học:

  1. Học sinh tiểu học trường công lập;

  2. Học sinh, sinh viên ngành sư phạm hệ chính quy đang theo học tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học công lập, theo chỉ tiêu đào tạo của Nhà nước;

  3. Người theo học các ngành chuyên môn đặc thù đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh theo quy định của Luật Giáo dục đại học. Các ngành chuyên môn đặc thù do cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành.

Như vậy, để khuyến khích cha, mẹ cho trẻ đi học thì học sinh cấp tiểu học tại các trường công lập sẽ không phải đóng học phí. Bên cạnh đó, những đối tượng theo học các chuyên ngành đặc biệt thuộc các lĩnh vực trọng yếu như: giáo dục và kinh tế - xã hội và quốc phòng – an minh cũng không phải đóng học phí. Đây là chính sách hỗ trợ để góp phần phát triển các nguồn lực trong các lĩnh vực này.

2. Đối tượng được miễn học phí

Theo đó, hiện nay có 16 đối tượng được miễn học phí đầu năm học, bao gồm:​

  • Người có công với cách mạng và thân nhân của người có công với cách mạng;

  • Trẻ em học mẫu giáo và học sinh, sinh viên bị tàn tật, khuyết tật có khó khăn về kinh tế;

  • Trẻ em học mẫu giáo và học sinh dưới 16 tuổi không có nguồn nuôi dưỡng;

  • Người từ 16 tuổi đến 22 tuổi thuộc một trong các trường hợp sau:

    • Bị bỏ rơi chưa có người nhận làm con nuôi;

    • Mồ côi cả cha và mẹ;

    • Mồ côi cha hoặc mẹ và người còn lại mất tích theo quy định của pháp luật;

    • Mồ côi cha hoặc mẹ và người còn lại đang hưởng chế độ chăm sóc, nuôi dưỡng tại cơ sở bảo trợ xã hội, nhà xã hội;

    • Mồ côi cha hoặc mẹ và người còn lại đang trong thời gian chấp hành án phạt tù tại trại giam hoặc đang chấp hành quyết định xử lý vi phạm hành chính tại trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc;

    • Cả cha và mẹ mất tích theo quy định của pháp luật;

    • Cả cha và mẹ đang hưởng chế độ chăm sóc, nuôi dưỡng tại cơ sở bảo trợ xã hội, nhà xã hội;

    • Cả cha và mẹ đang trong thời gian chấp hành án phạt tù tại trại giam hoặc đang chấp hành quyết định xử lý vi phạm hành chính tại trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc;

    • Cha hoặc mẹ mất tích theo quy định của pháp luật và người còn lại đang hưởng chế độ chăm sóc, nuôi dưỡng tại cơ sở bảo trợ xã hội, nhà xã hội;

    • Cha hoặc mẹ mất tích theo quy định của pháp luật và người còn lại đang trong thời gian chấp hành án phạt tù tại trại giam hoặc đang chấp hành quyết định xử lý vi phạm hành chính tại trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc;

    • Cha hoặc mẹ đang hưởng chế độ chăm sóc, nuôi dưỡng tại cơ sở bảo trợ xã hội, nhà xã hội và người còn lại đang trong thời gian chấp hành án phạt tù tại trại giam hoặc đang chấp hành quyết định xử lý vi phạm hành chính tại trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc.

  • Trẻ em học mẫu giáo và học sinh phổ thông có cha mẹ thuộc diện hộ nghèo theo quy định của Thủ tướng Chính phủ;

  • Trẻ em học mẫu giáo và học sinh phổ thông là con của hạ sĩ quan và binh sĩ, chiến sĩ đang phục vụ có thời hạn trong lực lượng vũ trang nhân dân;

  • Học sinh, sinh viên hệ cử tuyển (kể cả học sinh cử tuyển học nghề nội trú với thời gian đào tạo từ 3 tháng trở lên);

  • Học sinh trường phổ thông dân tộc nội trú, trường dự bị đại học, khoa dự bị đại học;

  • Học sinh, sinh viên học tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học là người dân tộc thiểu số thuộc hộ nghèo và hộ cận nghèo theo quy định của Thủ tướng Chính phủ;

  • Sinh viên học chuyên ngành Mác - Lê nin và Tư tưởng Hồ Chí Minh;

  • Học sinh, sinh viên, học viên, nghiên cứu sinh các chuyên ngành: Lao, Phong, Tâm thần, Giám định pháp y, Pháp y tâm thần và Giải phẫu bệnh;

  • Học sinh, sinh viên người dân tộc thiểu số rất ít người ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn hoặc đặc biệt khó khăn theo quy định của cơ quan có thẩm quyền;

  • Sinh viên cao đẳng, đại học, học viên cao học, nghiên cứu sinh học các chuyên ngành trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử;

  • Người tốt nghiệp trung học cơ sở học tiếp lên trình độ trung cấp;

  • Người học các trình độ trung cấp, cao đẳng, đối với các ngành, nghề khó tuyển sinh nhưng xã hội có nhu cầu theo danh mục do Thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp ở Trung ương quy định;

  • Người học các ngành chuyên môn đặc thù đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh theo quy định của Luật Giáo dục nghề nghiệp;

  • Trẻ em học lớp mẫu giáo 05 tuổi ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn có cha mẹ hoặc có cha hoặc có mẹ hoặc có người chăm sóc trẻ em hoặc trẻ em thường trú ở xã, thôn đặc biệt khó khăn vùng dân tộc thiểu số và miền núi, các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển, hải đảo theo quy định của Thủ tướng Chính phủ và cấp có thẩm quyền.

Khác với những đối tượng không phải đóng học phí, 16 đối tượng được giảm học phí nêu trên tuy thuộc diện phải đóng học phí nhưng chủ yếu do hoàn cảnh đặc biệt nên được miễn các khoản học phí theo quy định. Đây là chính sách Nhà nước hỗ trợ cho các gia đình có hoàn cảnh khó khăn, có công với cách mạng,... có điều kiện thuận lợi để tiếp cận việc học.

3. Đối tượng được giảm học phí

Theo quy định tại Điều 8 Nghị định 86/2015/NĐ-CP, các đối tượng sau sẽ được giảm học phí với các mức như sau:

- Các đối tượng được giảm 70% học phí gồm:

  • Học sinh, sinh viên học các ngành nghệ thuật truyền thống và đặc thù trong các trường văn hóa - nghệ thuật công lập và ngoài công lập, gồm: Nhạc công kịch hát dân tộc, nhạc công truyền thống Huế, đờn ca tài tử Nam Bộ, diễn viên sân khấu kịch hát, nghệ thuật biểu diễn dân ca, nghệ thuật ca trù, nghệ thuật bài chòi, biểu diễn nhạc cụ truyền thống;

  • Học sinh, sinh viên các chuyên ngành nhã nhạc, cung đình, chèo, tuồng, cải lương, múa, xiếc; một số nghề học nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm đối với giáo dục nghề nghiệp. Danh mục các nghề học nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quy định;

  • Trẻ em học mẫu giáo và học sinh, sinh viên là người dân tộc thiểu số (không phải là dân tộc thiểu số rất ít người) ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn theo quy định của cơ quan có thẩm quyền.

- Các đối tượng được giảm 50% học phí gồm:

  • Trẻ em học mẫu giáo và học sinh, sinh viên là con cán bộ, công nhân, viên chức mà cha hoặc mẹ bị tai nạn lao động hoặc mắc bệnh nghề nghiệp được hưởng trợ cấp thường xuyên;

  • Trẻ em học mẫu giáo và học sinh phổ thông có cha mẹ thuộc hộ cận nghèo theo quy định của Thủ tướng Chính phủ.

Theo đó, đối với những gia đình có điều kiện khó khăn nhưng không thuộc các đối tượng được miễn, không phải đóng học phí vẫn được Nhà nước hỗ trợ giảm một phần học phí. Điều này để giảm bớt gánh nặng cho các bậc phụ huynh, tạo điều kiện cho tất cả trẻ em, học sinh, sinh viên có điều kiện tốt hơn để đến trường.

Thùy Trâm

>> XEM BẢN TIẾNG ANH CỦA BÀI VIẾT NÀY TẠI ĐÂY

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của LawNet. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email: info@lawnet.vn
954 lượt xem
Liên quan Văn bản
  • Địa chỉ: 19 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh
    Điện thoại: (028) 7302 2286
    E-mail: info@lawnet.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079
P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;