Một số điểm mới của Luật xử lý vi phạm hành chính năm 2012

Ngày 20/6/2012, Quốc hội đã thông qua Luật xử lý vi phạm hành chính 2012 (sau đây gọi tắt là Luật XLVPHC năm 2012), có hiệu lực từ ngày 01/7/2013. So với Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính năm 2002 (đã được sửa đổi, bổ sung vào các năm 2007, 2008), Luật xử lý vi phạm hành chính năm 2012 có rất nhiều quy định mới trong hình thức xử lý, thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính, thủ tục xử phạt và thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính cũng như mức xử phạt tiền…

luật xử lý vi phạm hành chính

Quang cảnh một buổi tập huấn nghiệp vụ trợ giúp pháp lý cho Câu lạc bộ pháp lý

Thứ nhất, về quy định chung: Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 đã xác định những hành vi bị nghiêm cấm trong xử lý vi phạm hành chính (Điều 12), trong đó nhấn mạnh các hành vi nghiêm cấm đối với người có thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính như: giữ lại vụ vi phạm có dấu hiệu tội phạm để xử lý vi phạm hành chính; lợi dụng chức vụ, quyền hạn để sách nhiễu, đòi, nhận tiền, tài sản của người vi phạm; dung túng, bao che, hạn chế quyền của người vi phạm hành chính khi xử phạt vi phạm hành chính hoặc áp dụng biện pháp xử lý hành chính; không xử phạt vi phạm hành chính, không áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả hoặc không áp dụng biện pháp xử lý hành chính; xử phạt vi phạm hành chính, áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả hoặc áp dụng các biện pháp xử lý hành chính không kịp thời, không nghiêm minh, không đúng thẩm quyền, thủ tục, đối tượng quy định…Tại Điều 17 quy định rõ trách nhiệm quản lý công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính: Chính phủ thống nhất quản lý công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính trong phạm vi cả nước. Bộ Tư pháp chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện quản lý công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính

Thứ hai, về các hình thức xử phạt vi phạm hành chính và biện pháp khắc phục hậu quả: So với Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính, Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 đã bổ sung thêm 02 hình thức xử phạt chính như: Tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề có thời hạn hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn; tịch thu tang vật vi phạm hành chính, phương tiện được sử dụng để vi phạm hành chính (Điều 21); Một số biện pháp khắc phục hậu quả do vi phạm hành chính gây ra  như buộc cải chính thông tin sai sự thật hoặc gây nhầm lẫn; buộc loại bỏ yếu tố vi phạm trên hàng hoá, phương tiện, vật phẩm; buộc thu hồi sản phẩm, hàng hóa không bảo đảm chất lượng; buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm (Điều 28).

Thứ ba, quy định về mức xử phạt tiền: Tại Điều 23 và Điều 24 Luật XLVPHC  năm 2012 đã điều chỉnh khung phạt tiền, theo đó, mức phạt tối thiểu tăng từ 10 ngàn đồng lên 50 ngàn đồng, mức phạt tối đa tăng từ 500 triệu đồng lên 2 tỷ đồng. Mức phạt tối đa đến 2 tỷ đồng được quy định đối với 5 lĩnh vực là quản lý các vùng biển, đảo và thềm lục địa của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; quản lý hạt nhân và chất phóng xạ, năng lượng nguyên tử; tiền tệ, kim loại quý, đá quý, ngân hàng, tín dụng; thăm dò, khai thác dầu khí và các loại khoáng sản khác; bảo vệ môi trường, đối tượng áp dụng xử phạt các tổ chức vi phạm trong những lĩnh vực này.

Thứ tư, thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính: Luật XLVPHC năm 2012 quy định các chức danh có thẩm quyền xử phạt được kế thừa trên cơ sở Pháp lệnh hiện hành (từ điều 38 đến điều 51) và có bổ sung thêm một số chức danh như Trưởng phòng Quản lý xuất nhập cảnh, Trưởng phòng An ninh chính trị nội bộ, Trưởng phòng An ninh kinh tế, Trưởng phòng An ninh văn hóa, tư tưởng, Trưởng phòng An ninh thông tin; Người được giao thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành… So với Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính hiện hành, Luật XLVPHC năm 2012 không quy định thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính theo một mức phạt tiền cố định đối với mỗi chức danh xử phạt, mà quy định theo tỷ lệ phần trăm so với các mức phạt tối đa được quy định tại Điều 24.

Thứ năm, về thủ tục xử phạt và thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính: Luật XLVPHC năm 2012 quy định các tình tiết phải xác minh khi xem xét ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính (Điều 59) và quyền giải trình của các cá nhân, tổ chức có hành vi vi phạm trong trường hợp có thể bị áp dụng hình thức xử phạt tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề có thời hạn hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn hoặc áp dụng mức phạt tiền tối đa của khung tiền phạt từ 15.000.000 đồng trở lên đối với cá nhân, từ 30.000.000 đồng trở lên đối với tổ chức (Điều 61). Đây là các quy định mới nhằm bảo đảm tính khách quan, dân chủ trong quá trình xử phạt vi phạm hành chính, gó́p phần giảm thiểu việc khiếu nại trong quá trình xử phạt vi phạm hành chính. Tại Điều 72 quy định, cơ quan của người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính có trách nhiệm công bố công khai về việc xử phạt vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm; chất lượng sản phẩm, hàng hóa; dược; khám bệnh, chữa bệnh; lao động; xây dựng; bảo hiểm xã hội; bảo hiểm y tế; bảo vệ môi trường; thuế; chứng khoán; sở hữu trí tuệ; đo lường; sản xuất, buôn bán hàng giả mà gây hậu quả lớn hoặc gây ảnh hưởng xấu về dư luận xã hội.

Thứ sáu, về các biện pháp xử lý hành chính: Về đối tượng áp dụng, Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 hạn chế áp dụng biện pháp đối với người chưa thành niên từ đủ 12 đến dưới 14 tuổi; bỏ đối tượng bán dâm có tính chất thường xuyên từ đủ 14 tuổi trở lên có nơi cư trú nhất định… Điều 90 bổ sung đối tượng áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn là người từ đủ 12 tuổi đến dưới 14 tuổi thực hiện hành vi có dấu hiệu của một tội phạm rất nghiêm trọng do cố ý quy định tại BLHS và người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi thực hiện hành vi có dấu hiệu của một tội phạm nghiêm trọng do cố ý quy định tại BLHS. Về thẩm quyền quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính: Luật XLVPHC năm 2012 quy định Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã có thẩm quyền ra quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính giáo dục tại xã, phường, thị trấn; Toà án nhân dân cấp huyện có thẩm quyền quyết định áp dụng các biện pháp: đưa vào trường giáo dưỡng (Điều 91), đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc (Điều 93), đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc (Điều 95).

Luật Xử lý vi phạm hành chính ra đời là một đòi hỏi khách quan; là văn bản pháp lý điều chỉnh các lĩnh vực xử lý vi phạm hành chính. Do đó, cần phải được tổ chức phổ biến, quán triệt và thực hiện một cách hiệu quả, góp phần đảm bảo trật tự, kỷ cương hành chính; giữ gìn an ninh, trật tự, an toàn xã hội; đảm bảo các quyền và lợi ích hợp pháp của công dân phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của đất nước; đáp ứng yêu cầu cải cách bộ máy nhà nước; đấu tranh phòng, chống có hiệu quả đối với các hành vi vi phạm hành chính trong giai đoạn hiện nay./.

Nguồn: Nguyễn Văn Bảy - Sở Tư pháp Kon Tum

>> XEM BẢN TIẾNG ANH CỦA BÀI VIẾT NÀY TẠI ĐÂY

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của LawNet. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email: info@lawnet.vn
386 lượt xem
Liên quan Văn bản
  • Địa chỉ: 19 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh
    Điện thoại: (028) 7302 2286
    E-mail: info@lawnet.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079
P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;