Khi nào có thể nộp phạt nhanh tại chỗ cho CSGT?

Người dân khi vi phạm giao thông thường hay nghi ngờ, dè dặt trong vấn đề nộp phạt tại chỗ cho CSGT, phần lớn vì họ sợ mình sẽ phải nộp nhiều hơn so với quy định hoặc xảy ra tiêu cực. Vậy theo quy định hiện hành, trong trường hợp nào thì người dân có thể nộp phạt nhanh tại chỗ cho CSGT?

Khi nào có thể nộp phạt nhanh tại chỗ cho CSGT?

Khi nào có thể nộp phạt nhanh tại chỗ cho CSGT? (Hình minh họa)

Về vấn đề này, Ban biên tập THƯ KÝ LUẬT xin giải đáp như sau:

Tại Điều 56 Luật xử lý vi phạm hành chính 2012 có quy định:

Điều 56. Xử phạt vi phạm hành chính không lập biên bản

1. Xử phạt vi phạm hành chính không lập biên bản được áp dụng trong trường hợp xử phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền đến 250.000 đồng đối với cá nhân, 500.000 đồng đối với tổ chức và người có thẩm quyền xử phạt phải ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính tại chỗ.

Trường hợp vi phạm hành chính được phát hiện nhờ sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật, nghiệp vụ thì phải lập biên bản.

Như vậy, khi người dân vi phạm trong lĩnh vực giao thông đường bộ thì cảnh sát giao thông vẫn có thể xử phạt vi phạm hành chính mà không cần lập biên bản trong trường hợp phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền đến 250.000 đồng đối với cá nhân, 500.000 đồng đối với tổ chức.

Ví dụ 1: Anh A đi xe máy bị cảnh sát giao thông phạt vì lỗi không có gương bên trái với mức phạt từ 100.000 đến 200.000 đồng, lúc này anh A có thể nộp phạt tại chỗ cho CSGT.

Ví dụ 2: Anh A đi xe máy bị cảnh sát giao thông phạt vì mức nồng độ cồn 0,25 mg/1l khí thở với mức phạt 02 - 03 triệu đồng, lúc này anh A sẽ phải nộp phạt trực tiếp tại Kho bạc Nhà nước hoặc nộp vào tài khoản của Kho bạc Nhà nước. Trường hợp CSGT phạt sai mức phạt hoặc yêu cầu nộp phạt tại chỗ thì anh A có quyền khiếu nại về vấn đề này.

Bên cạnh đó, người dân cần chú ý, quyết định xử phạt vi phạm hành chính tại chỗ phải được ghi rõ ngày, tháng, năm ra quyết định; họ, tên, địa chỉ của cá nhân vi phạm hoặc tên, địa chỉ của tổ chức vi phạm; hành vi vi phạm; địa điểm xảy ra vi phạm; chứng cứ và tình tiết liên quan đến việc giải quyết vi phạm; họ, tên, chức vụ của người ra quyết định xử phạt; điều, khoản của văn bản pháp luật được áp dụng. Trường hợp phạt tiền thì trong quyết định phải ghi rõ mức tiền phạt.

Ngoài ra, tại Điều 69 Luật xử lý vi phạm hành chính 2012 có quy định:

Điều 69. Thi hành quyết định xử phạt không lập biên bản

1. Quyết định xử phạt vi phạm hành chính không lập biên bản phải được giao cho cá nhân, tổ chức bị xử phạt 01 bản. Trường hợp người chưa thành niên bị xử phạt cảnh cáo thì quyết định xử phạt còn được gửi cho cha mẹ hoặc người giám hộ của người đó.

2. Cá nhân, tổ chức vi phạm nộp tiền phạt tại chỗ cho người có thẩm quyền xử phạt. Người thu tiền phạt có trách nhiệm giao chứng từ thu tiền phạt cho cá nhân, tổ chức nộp tiền phạt và phải nộp tiền phạt trực tiếp tại Kho bạc Nhà nước hoặc nộp vào tài khoản của Kho bạc Nhà nước trong thời hạn 02 ngày làm việc, kể từ ngày thu tiền phạt.

Trường hợp cá nhân, tổ chức vi phạm không có khả năng nộp tiền phạt tại chỗ thì nộp tại Kho bạc Nhà nước hoặc nộp vào tài khoản của Kho bạc Nhà nước ghi trong quyết định xử phạt trong thời hạn quy định tại khoản 1 Điều 78 của Luật này.

Theo quy định này, người dân có thể nộp tiền phạt tại chỗ cho cảnh sát giao thông đối với trường hợp không lập biên bản. Sau đó, người thu tiền có trách nhiệm giao chứng từ thu tiền phạt cho cá nhân, tổ chức nộp tiền phạt và phải nộp tiền phạt trực tiếp tại Kho bạc Nhà nước hoặc nộp vào tài khoản của Kho bạc Nhà nước trong thời hạn 02 ngày làm việc, kể từ ngày thu tiền phạt.

Khi người dân không có khả năng nộp phạt tại chỗ thì có thể nộp tại Kho bạc hoặc nộp vào tài khoản của Kho bạc ghi trong quyết định xử phạt trong thời hạn 10 ngày hoặc không quá 07 ngày (tại vùng sâu, vùng xa, biên giới, miền núi).

Ngoài ra, theo quy định tại Khoản 2 Điều 78 Luật xử lý hành chính 2012 quy định "Tại vùng sâu, vùng xa, biên giới, miền núi mà việc đi lại gặp khó khăn thì cá nhân, tổ chức bị xử phạt có thể nộp tiền phạt cho người có thẩm quyền xử phạt. Người có thẩm quyền xử phạt có trách nhiệm thu tiền phạt tại chỗ và nộp tại Kho bạc Nhà nước hoặc nộp vào tài khoản của Kho bạc Nhà nước trong thời hạn không quá 07 ngày, kể từ ngày thu tiền phạt";

Trường hợp xử phạt trên biển hoặc ngoài giờ hành chính, người có thẩm quyền xử phạt được thu tiền phạt trực tiếp và phải nộp tại Kho bạc Nhà nước hoặc nộp vào tài khoản của Kho bạc Nhà nước trong thời hạn 02 ngày làm việc, kể từ ngày vào đến bờ hoặc ngày thu tiền phạt.

Thu Ba

>> XEM BẢN TIẾNG ANH CỦA BÀI VIẾT NÀY TẠI ĐÂY

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của LawNet. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email: info@lawnet.vn
4540 lượt xem
Liên quan Văn bản
  • Địa chỉ: 19 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh
    Điện thoại: (028) 7302 2286
    E-mail: info@lawnet.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079
P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;