Chiều ngày 13/11/2020, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính với tỷ lệ 93,5% tổng số Đại biểu Quốc hội tán thành. Một trong những nội dung đáng chú ý được thông qua tại Luật này là việc quy định xử lý vi phạm hành chính nhiều lần.
- Cập nhật: 07 Luật được thông qua tại Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV
- Thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính về bảo hiểm là 02 năm
Vi phạm hành chính nhiều lần có bị xử phạt về từng lần vi phạm? (Ảnh minh họa)
Cụ thể, tại điểm đ khoản 1 Điều 3 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012 quy định:
Một người thực hiện nhiều hành vi vi phạm hành chính hoặc vi phạm hành chính nhiều lần thì bị xử phạt về từng hành vi vi phạm.
Có thể thấy, Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012 đã có quy định “cứng” khi một người thực hiện hành vi vi phạm hành chính nhiều lần sẽ bị xử phạt về từng hành vi vi phạm.
Trước khi Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính được bấm nút thông qua có ý kiến đề nghị phân định rõ hơn việc xử phạt về từng lần vi phạm trong trường hợp vi phạm hành chính nhiều lần, với việc áp dụng tình tiết tăng nặng vi phạm hành chính nhiều lần. Bên cạnh đó, cũng có ý kiến đề nghị quy định theo hướng vi phạm hành chính nhiều lần bị áp dụng tình tiết tăng nặng.
Về vấn đề này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy hành vi vi phạm hành chính rất đa dạng, do đó việc quy định “cứng” vi phạm hành chính nhiều lần trong mọi trường hợp đều bị xử phạt về từng lần vi phạm hoặc chỉ bị xử phạt 1 lần và áp dụng tình tiết tăng nặng “vi phạm hành chính nhiều lần” là không phù hợp.
Vì vậy, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính đã quy định sửa đổi điểm đ khoản 1 Điều 3 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012:
Một người thực hiện nhiều hành vi vi phạm hành chính hoặc vi phạm hành chính nhiều lần thì bị xử phạt về từng hành vi vi phạm, trừ trường hợp hành vi vi phạm hành chính nhiều lần được Chính phủ quy định là tình tiết tăng nặng.
Như vậy, để linh hoạt hơn trong quá trình áp dụng xử lý hành vi vi phạm hành chính, từ 2022 khi một người thực hiện nhiều lần hành vi vi phạm hành chính thì có thể được xem xét với tình tiết tăng nặng trong trường hợp hành vi vi phạm hành chính nhiều lần đó được Chính phủ quy định là tình tiết tăng nặng.
Ngoài nguyên tắc nêu trên thì các nguyên tắc xử phạt vi phạm hành chính khác tại Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012 vẫn được giữ nguyên.
Từ 01/01/2022, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính có hiệu lực thi hành. Theo đó, khi tiến hành xử phạt vi phạm hành chính sẽ căn cứ vào những nguyên tắc sau:
-
Mọi vi phạm hành chính phải được phát hiện, ngăn chặn kịp thời và phải bị xử lý nghiêm minh, mọi hậu quả do vi phạm hành chính gây ra phải được khắc phục theo đúng quy định của pháp luật;
-
Việc xử phạt vi phạm hành chính được tiến hành nhanh chóng, công khai, khách quan, đúng thẩm quyền, bảo đảm công bằng, đúng quy định của pháp luật;
-
Việc xử phạt vi phạm hành chính phải căn cứ vào tính chất, mức độ, hậu quả vi phạm, đối tượng vi phạm và tình tiết giảm nhẹ, tình tiết tăng nặng;
-
Chỉ xử phạt vi phạm hành chính khi có hành vi vi phạm hành chính do pháp luật quy định.
Một hành vi vi phạm hành chính chỉ bị xử phạt một lần.
Nhiều người cùng thực hiện một hành vi vi phạm hành chính thì mỗi người vi phạm đều bị xử phạt về hành vi vi phạm hành chính đó.
Một người thực hiện nhiều hành vi vi phạm hành chính hoặc vi phạm hành chính nhiều lần thì bị xử phạt về từng hành vi vi phạm, trừ trường hợp hành vi vi phạm hành chính nhiều lần được Chính phủ quy định là tình tiết tăng nặng;
-
Người có thẩm quyền xử phạt có trách nhiệm chứng minh vi phạm hành chính. Cá nhân, tổ chức bị xử phạt có quyền tự mình hoặc thông qua người đại diện hợp pháp chứng minh mình không vi phạm hành chính;
-
Đối với cùng một hành vi vi phạm hành chính thì mức phạt tiền đối với tổ chức bằng 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân.
Thùy Trâm