Thủ tục đăng ký xét tuyển trình độ đại học, cao đẳng ngành giáo dục mầm non năm 2024

Dưới đây là thủ tục đăng ký xét tuyển trình độ đại học, cao đẳng ngành giáo dục mầm non năm 2024.

Thủ tục đăng ký xét tuyển trình độ đại học, cao đẳng ngành giáo dục mầm non năm 2024 (Hình từ internet)

Thủ tục đăng ký xét tuyển trình độ đại học, cao đẳng ngành giáo dục mầm non năm 2024

Thủ tục đăng ký xét tuyển trình độ đại học, cao đẳng ngành giáo dục mầm non được quy định tại Phần II ban hành kèm theo Quyết định 1864/QĐ-BGDĐT năm 2022 như sau:

Bước 1: Đăng ký xét tuyển

(1) Đối tượng xét tuyển thẳng:

Căn cứ đề án tuyển sinh đã công bố, cơ sở đào tạo tổ chức cho thí sinh thuộc đối tượng được xét tuyển thẳng theo quy định tại Điều 8 của Quy chế này đăng ký dự tuyển bằng hình thức trực tuyến hoặc trực tiếp tại cơ sở đào tạo.

(2) Đối tượng xét tuyển sớm:

- Cơ sở đào tạo có kế hoạch xét tuyển sớm đối với một số phương thức tuyển sinh, tổ chức cho thí sinh đăng ký dự tuyển bằng hình thức trực tuyến hoặc trực tiếp tại cơ sở đào tạo.

- Thí sinh đã dự tuyển vào cơ sở đào tạo theo kế hoạch xét tuyển sớm sau đó phải tiếp tục đăng ký nguyện vọng trên hệ thống theo kế hoạch chung của Bộ GDĐT.

(3) Đối tượng xét tuyển theo kế hoạch chung:

- Thí sinh dự tuyển đợt 1 đào tạo chính quy (bao gồm cả những thí sinh đã dự tuyển theo kế hoạch xét tuyển sớm của cơ sở đào tạo) thực hiện đăng ký xét tuyển trên hệ thống (qua Cổng thông tin tuyển sinh của Bộ GDĐT hoặc qua Cổng dịch vụ công quốc gia) theo kế hoạch chung và hướng dẫn của Bộ GDĐT.

- Thí sinh được đăng ký nguyện vọng vào nhiều ngành, nhiều trường khác nhau không hạn chế số lượng, nhưng phải sắp xếp các nguyện vọng theo thứ tự ưu tiên từ cao xuống thấp. Trong trường hợp nhiều nguyện vọng đủ điều kiện trúng tuyển, thí sinh chỉ được công nhận trúng tuyển và gọi nhập học theo nguyện vọng cao nhất.

- Thí sinh thể hiện nguyện vọng của mình qua những lựa chọn trên hệ thống hỗ trợ tuyển sinh (theo hướng dẫn của Bộ GDĐT) như sau:

+ Thứ tự ưu tiên của nguyện vọng (số 1 thể hiện nguyện vọng cao nhất);

+ Lựa chọn về cơ sở đào tạo, đơn vị tuyển sinh (mã trường);

+ Lựa chọn ngành, nhóm ngành, chương trình đào tạo (mã ngành);

+ Lựa chọn phương thức tuyển sinh (mã phương thức);

+  Lựa chọn tổ hợp xét tuyển (mã tổ hợp) đối với phương thức xét tuyển dựa trên kết quả kỳ thi theo bài thi/môn thi, hoặc phương thức xét tuyển dựa trên kết quả học tập các môn học cấp THPT

- Thí sinh đăng ký xét tuyển vào các trường trực thuộc Bộ Quốc phòng, Bộ Công an thực hiện các quy định tại Điều này và quy định, hướng dẫn của Bộ Quốc phòng, Bộ Công an.

Bước 2: Điểm tiếp nhận tại địa phương rà soát dữ liệu của thí sinh

- Tổ chức rà soát, kiểm tra và bổ sung, cập nhật thông tin cá nhân, dữ liệu kết quả học tập cấp THPT của thí sinh trên hệ thống cơ sở dữ liệu ngành;

- Kiểm tra dữ liệu, hướng dẫn thí sinh khai đúng thông tin, bao gồm cả thông tin khu vực và đối tượng ưu tiên;

- Hỗ trợ việc đăng ký nguyện vọng cho những thí sinh không có điều kiện đăng ký trực tuyến;

- Hỗ trợ các cơ sở đào tạo có tuyển sinh theo kế hoạch riêng trong việc xác nhận kết quả học tập cấp THPT cho những thí sinh dự tuyển.

Bước 3: Nộp lệ phí xét tuyển

Hoàn thành thanh toán lệ phí tuyển sinh trước khi kết thúc thủ tục đăng ký dự tuyển.

Bước 4: Xét tuyển

(1) Đối tượng xét tuyển thẳng:

Cơ sở đào tạo tổ chức xét tuyển thẳng cho những thí sinh đủ điều kiện, công bố kết quả theo kế hoạch chung.

(2) Đối tượng xét tuyển sớm:

Cơ sở đào tạo tổ chức xét tuyển cho những thí sinh đã hoàn thành thủ tục dự tuyển, nhưng không được yêu cầu thí sinh xác nhận nhập học sớm hơn lịch trình theo kế hoạch chung. Cơ sở đào tạo công bố và tải danh sách thí sinh đủ điều kiện trúng tuyển (trừ điều kiện tốt nghiệp THPT) lên hệ thống để xử lý nguyện vọng cùng với các phương thức xét tuyển khác theo kế hoạch chung, hoàn thành trước khi thí sinh đăng ký xét tuyển trên hệ thống.

(3) Đối tượng xét tuyển theo kế hoạch chung:

- Các cơ sở đào tạo tự chủ tổ chức xét tuyển theo các phương thức và tiêu chí xét tuyển riêng, hoặc tự nguyện phối hợp theo nhóm để tổ chức xét tuyển theo các phương thức và tiêu chí xét tuyển chung. Bộ GDĐT hướng dẫn lịch trình xét tuyển và hỗ trợ việc xử lý nguyện vọng trên hệ thống.

- Sau khi kết thúc thời gian đăng ký nguyện vọng trên hệ thống, cơ sở đào tạo tải thông tin, dữ liệu từ hệ thống để phục vụ xét tuyển, bao gồm dữ liệu đăng ký nguyện vọng và kết quả thi tốt nghiệp THPT, kết quả học tập cấp THPT của những thí sinh dự tuyển vào cơ sở đào tạo theo các phương thức tuyển sinh.

- Nguyên tắc xét tuyển:

+ Điểm trúng tuyển được xác định để số lượng tuyển được theo từng ngành, chương trình đào tạo phù hợp với số lượng chỉ tiêu đã công bố, nhưng không thấp hơn ngưỡng đầu vào;

+ Đối với một ngành đào tạo (hoặc một chương trình đào tạo) theo một phương thức và tổ hợp môn, tất cả thí sinh được xét chọn bình đẳng theo điểm xét không phân biệt thứ tự ưu tiên của nguyện vọng đăng ký, trừ trường hợp quy định tại điểm rte ;

+ Trường hợp nhiều thí sinh có cùng điểm xét ở cuối danh sách, cơ sở đào tạo có thể sử dụng tiêu chí phụ là thứ tự nguyện vọng (để xét chọn những thí sinh có thứ tự nguyện vọng cao hơn);

+ Việc sử dụng điểm ưu tiên khu vực, đối tượng để xét tuyển đảm bảo thống nhất, đồng bộ với quy định về điểm ưu tiên được quy định tại Điều 7 của Quy chế này..

- Sau mỗi chu kỳ xét tuyển, cơ sở đào tạo tải lên hệ thống danh sách thí sinh dự kiến đủ điều kiện trúng tuyển các ngành, chương trình đào tạo (theo các phương thức tuyển sinh). Hệ thống xử lý nguyện vọng sẽ tự động loại bỏ khỏi danh sách những nguyện vọng thấp của thí sinh đủ điều kiện trúng tuyển nhiều nguyện vọng, trả lại danh sách thí sinh dự kiến trúng tuyển theo nguyện vọng cao nhất.

- Căn cứ kết quả xử lý nguyện vọng, cơ sở đào tạo lặp lại quy trình xét tuyển ở chu kỳ sau, điều chỉnh điểm trúng tuyển cho phù hợp với chỉ tiêu trong thời hạn quy định. Ở chu kỳ cuối, cơ sở đào tạo quyết định điểm trúng tuyển vào các ngành, chương trình đào tạo (theo các phương thức tuyển sinh) và tải lên hệ thống danh sách (chính thức) thí sinh đủ điều kiện trúng tuyển. Trên cơ sở kết quả xử lý nguyện vọng cuối cùng, cơ sở đào tạo quyết định danh sách thí sinh trúng tuyển vào các ngành, chương trình đào tạo.

- Cơ sở đào tạo công bố điểm trúng tuyển (và các điều kiện, tiêu chí phụ nếu có) vào các ngành, chương trình đào tạo theo các phương thức tuyển sinh; tổ chức cho thí sinh tra cứu kết quả xét tuyển của cá nhân trên trang thông tin điện tử của cơ sở đào tạo (hoặc của nhóm cơ sở đào tạo phối hợp xét tuyển).

Bước 5: Thông báo trúng tuyển tuyển

- Cơ sở đào tạo gửi giấy báo trúng tuyển cho những thí sinh trúng tuyển, trong đó ghi rõ những thủ tục cần thiết đối với thí sinh khi nhập học và phương thức nhập học của thí sinh.

Bước 6: Xác nhận nhập học

(1) Đối tượng xét tuyển thẳng:

- Thí sinh trúng tuyển thẳng có thể xác nhận nhập học sớm (khi đủ điều kiện), hoặc theo kế hoạch chung như những thí sinh khác; cơ sở đào tạo không được yêu cầu bắt buộc thí sinh xác nhận nhập học sớm hơn lịch trình theo kế hoạch chung.

- Thí sinh trúng tuyển thẳng chưa xác nhận nhập học vẫn được sử dụng quyền đăng ký xét tuyển trên hệ thống chung để có thêm cơ hội trúng tuyển như những thí sinh khác.

Đối tượng xét tuyển theo kế hoạch chung:

- Thí sinh xác nhận nhập học bằng hình thức trực tuyến trên hệ thống, trước khi nhập học tại cơ sở đào tạo.

- Đối với những thí sinh không xác nhận nhập học trong thời hạn quy định:

+ Nếu không có lý do chính đáng thì coi như thí sinh từ chối nhập học và cơ sở đào tạo có quyền không tiếp nhận;

+ Nếu do ốm đau, tai nạn, có giấy xác nhận của bệnh viện quận, huyện trở lên hoặc do thiên tai có xác nhận của UBND quận, huyện trở lên, cơ sở đào tạo xem xét quyết định tiếp nhận thí sinh vào học hoặc bảo lưu kết quả tuyển sinh để thí sinh vào học sau;

+ Nếu do sai sót, nhầm lẫn của cán bộ thực hiện công tác tuyển sinh hoặc cá nhân thí sinh gây ra, cơ sở đào tạo chủ động phối hợp với các cá nhân, tổ chức liên quan xem xét các minh chứng và quyết định việc tiếp nhận thí sinh vào học hoặc bảo lưu kết quả tuyển sinh để thí sinh vào học sau.

- Thí sinh đã xác nhận nhập học tại một cơ sở đào tạo không được tham gia xét tuyển ở nơi khác hoặc ở các đợt xét tuyển bổ sung, trừ trường hợp được cơ sở đào tạo cho phép.

Bước 7: Tổ chức đăng ký và xét tuyển các đợt bổ sung

- Căn cứ chỉ tiêu tuyển sinh và số thí sinh trúng tuyển đã xác nhận nhập học vào các ngành, chương trình đào tạo, hội đồng tuyển sinh của cơ sở đào tạo xem xét, quyết định xét tuyển các đợt bổ sung. Cơ sở đào tạo công bố kế hoạch xét tuyển, phương thức xét tuyển và hình thức đăng ký xét tuyển các đợt bổ sung; điều kiện xét tuyển đối với các ngành, chương trình đào tạo theo từng phương thức xét tuyển nhưng không thấp hơn điều kiện trúng tuyển đợt trước.

- Thí sinh chưa trúng tuyển hoặc đã trúng tuyển nhưng chưa xác nhận nhập học vào bất cứ nơi nào có thể đăng ký xét tuyển các đợt bổ sung theo kế hoạch và hướng dẫn của cơ sở đào tạo.

- Kết thúc mỗi đợt xét tuyển, cơ sở đào tạo công bố trên trang thông tin điện tử điểm trúng tuyển (và các điều kiện, tiêu chí phụ nếu có) vào các ngành, chương trình đào tạo theo các phương thức tuyển sinh; tổ chức cho thí sinh tra cứu kết quả xét tuyển của cá nhân; gửi giấy báo trúng tuyển và hướng dẫn cho thí sinh trúng tuyển nhập học.

Nguyễn Ngọc Quế Anh

0 lượt xem



  • Address: 19 Nguyen Gia Thieu, Vo Thi Sau Ward, District 3, Ho Chi Minh City
    Phone: (028) 7302 2286
    E-mail: info@lawnet.vn
Parent company: THU VIEN PHAP LUAT Ltd.
Editorial Director: Mr. Bui Tuong Vu - Tel. 028 3935 2079
P.702A , Centre Point, 106 Nguyen Van Troi, Ward 8, Phu Nhuan District, HCM City;