Tôi muốn việc phối hợp phòng, chống tội phạm về ma túy của các cơ quan chuyên trách được thực hiện qua các hình thức nào? - Phạm Dương (Bình Thuận)
Các hình thức phối hợp phòng, chống tội phạm về ma túy (Hình từ Internet)
Về vấn đề này, LawNet giải đáp như sau:
1. Các nội dung phối hợp phòng, chống tội phạm về ma túy
Theo Nghị định 105/2021/NĐ-CP, việc phối hợp phòng, chống tội phạm về ma túy được thực hiện qua các nội dung sau đây:
- Phối hợp tham mưu, chỉ đạo
- Phối hợp tuyên truyền, vận động Nhân dân
- Phối hợp trao đổi thông tin
- Phối hợp thực hiện các biện pháp nghiệp vụ
- Phối hợp đấu tranh chuyên án và điều tra, xử lý các vụ án, vụ việc cụ thể
- Các nội dung phối hợp khác bao gồm:
+ Các cơ quan chuyên trách phòng, chống tội phạm về ma túy trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm phối hợp, hỗ trợ lẫn nhau trong công tác huấn luyện nghiệp vụ phòng, chống tội phạm về ma túy; phối hợp thực hiện hoặc đề xuất cấp có thẩm quyền xem xét khen thưởng cho các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác phối hợp phòng, chống tội phạm về ma túy.
+ Phối hợp thực hiện công tác hợp tác quốc tế trong phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm về ma túy.
2. Các hình thức phối hợp phòng, chống tội phạm về ma túy
Cụ thể tại Điều 12 Nghị định 105/2021/NĐ-CP quy định về các hình thức phối hợp phòng, chống tội phạm về ma túy được quy định như sau:
- Trao đổi, cung cấp thông tin, tài liệu, tình hình liên quan đến nội dung phối hợp giữa các cơ quan chuyên trách phòng, chống tội phạm về ma túy thông qua các hình thức làm việc trực tiếp, qua các phương tiện thông tin, gửi văn bản...
- Triển khai các kế hoạch tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia phòng, chống ma túy.
- Tuần tra kiểm soát liên ngành; xây dựng và triển khai các kế hoạch nghiệp vụ, xác lập chuyên án chung phối hợp đấu tranh với tội phạm về ma túy trên các tuyến, địa bàn trọng điểm.
- Tổ chức các cuộc họp giao ban định kỳ, hội nghị, hội thảo, tọa đàm về các vấn đề liên quan đến nội dung phối hợp giữa các cơ quan.
- Tổ chức các lớp giảng dạy, đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ công tác phòng, chống tội phạm ma túy.
- Báo cáo định kỳ hoặc đột xuất; tổ chức giao ban nghiệp vụ và sơ kết, tổng kết việc phối hợp theo quy định tại Nghị định 105/2021/NĐ-CP.
3. Các cơ quan chuyên trách phòng, chống tội phạm về ma túy
Theo Điều 5 Nghị định 105/2021/NĐ-CP, các cơ quan chuyên trách phòng, chống tội phạm về ma túy gồm:
- Cơ quan chuyên trách phòng, chống tội phạm về ma túy thuộc Công an nhân dân bao gồm:
+ Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy, Bộ Công an;
+ Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy Công an tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương;
+ Đội Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy (hoặc Đội có chức năng điều tra tội phạm về ma túy) Công an huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.
- Cơ quan chuyên trách phòng, chống tội phạm về ma túy thuộc Bộ đội Biên phòng bao gồm:
+ Cục Phòng, chống ma túy và tội phạm;
+ Đoàn đặc nhiệm phòng, chống tội phạm ma túy và tội phạm, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng, Bộ Quốc phòng;
+ Phòng Phòng, chống ma túy và tội phạm (Ban Phòng, chống ma túy và tội phạm), Đội Đặc nhiệm phòng, chống ma túy và tội phạm thuộc Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng cấp tỉnh, thành phố;
+ Đội Phòng, chống ma túy và tội phạm thuộc các Đồn Biên phòng (Ban Chỉ huy Biên phòng cửa khẩu cảng);
+ Hải đoàn Biên phòng
- Cơ quan chuyên trách phòng, chống tội phạm về ma túy thuộc Cảnh sát biển bao gồm:
+ Cục Nghiệp vụ và pháp luật, các Đoàn đặc nhiệm phòng, chống tội phạm ma túy thuộc Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển, Bộ Quốc phòng;
+ Phòng Phòng, chống tội phạm ma túy thuộc các Vùng Cảnh sát biển.
- Cơ quan chuyên trách phòng, chống tội phạm ma túy thuộc Hải quan bao gồm:
+ Cục Điều tra chống buôn lậu thuộc Tổng cục Hải quan, Bộ Tài chính;
+ Đội Kiểm soát phòng, chống ma túy (hoặc Đội Kiểm soát Hải quan) trực thuộc Cục Hải quan tỉnh, liên tỉnh, thành phố;
+ Tổ Kiểm soát ma túy thuộc Chi cục Hải quan cửa khẩu.
Trần Thanh Rin
- Key word:
- tội phạm về ma túy