Luật Đầu tư 2020 sẽ chính thức có hiệu lực từ 01/01/2021. Theo đó, kinh doanh dịch vụ đòi nợ sẽ là một trong những ngành nghề kinh doanh bị cấm chứ không còn là ngành nghề được phép kinh doanh có điều kiện như hiện nay. Vậy, lý do là tại sao?
Kinh doanh dịch vụ đòi nợ: Hành lang pháp lý chưa hoàn chỉnh gây nhiều hệ lụy (Ảnh minh họa)
Hiện nay, kinh doanh dịch vụ đòi nợ là một trong 243 ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện được quy định tại Phụ lục 4 Luật Đầu tư 2014 thay thế bởi Luật sửa đổi, bổ sung Điều 6 và Phụ lục 4 về Danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện của Luật đầu tư.
Tuy nhiên, Luật Đầu tư 2020 được Quốc hội thông qua ngày 17/6/2020 sẽ có hiệu lực từ 01/01/2021, theo đó, kinh doanh dịch vụ đòi nợ sẽ chính thức trở thành ngành nghề bị cấm đầu tư kinh doanh. Đây là một điểm mới đáng chú ý tại Luật Đầu tư 2020.
Cụ thể, tại khoản 1 Điều 6 Luật Đầu tư 2020 quy định:
Cấm các hoạt động đầu tư kinh doanh sau đây:
-
Kinh doanh các chất ma túy quy định tại Phụ lục I của Luật này;
-
Kinh doanh các loại hóa chất, khoáng vật quy định tại Phụ lục II của Luật này;
-
Kinh doanh mẫu vật các loài thực vật, động vật hoang dã có nguồn gốc khai thác từ tự nhiên quy định tại Phụ lục I của Công ước về buôn bán quốc tế các loài thực vật, động vật hoang dã nguy cấp; mẫu vật các loài thực vật rừng, động vật rừng, thủy sản nguy cấp, quý, hiếm Nhóm I có nguồn gốc khai thác từ tự nhiên quy định tại Phụ lục III của Luật này;
-
Kinh doanh mại dâm;
-
Mua, bán người, mô, xác, bộ phận cơ thể người, bào thai người;
-
Hoạt động kinh doanh liên quan đến sinh sản vô tính trên người;
-
Kinh doanh pháo nổ;
-
Kinh doanh dịch vụ đòi nợ.
Vậy, lý do tại sao pháp luật không tiếp tục cho phép kinh doanh dịch vụ đòi nợ?
Xét thực trạng, nhu cầu dịch vụ đòi nợ luôn luôn là rất lớn, bởi lẽ các quan hệ kinh doanh, mua bán, vay mượn ngày càng nhiều làm phát sinh các khoản nợ, các kiểu tranh chấp, nhiều khoản nợ khó thu hồi. Thêm vào đó, việc lựa chọn đi “đường chính” – khởi kiện theo pháp luật để đòi nợ mất nhiều thời gian, tiền của mà thủ tục lại rất phức tạp nên nhiều chủ nợ tìm đến các dịch vụ đòi nợ thuê.
Tuy nhiên, thực tế đã cho thấy hoạt động đòi nợ thuê đang biến tướng với các kiểu cưỡng đoạt tài sản, cho vay nặng lãi, gây áp lực lên con nợ dẫn tới nhiều hệ lụy. Hệ lụy của việc đòi nợ thuê có liên hệ với cho vay nặng lãi đã không còn là hoạt động kinh doanh thông thường mà đã trở thành hình thức kinh doanh bạo lực gây mất an ninh trật tự xã hội.
Mặc dù, trước đây để kinh doanh dịch vụ đòi nợ phải đáp ứng các điều kiện vô cùng khắt khe được quy định tại Nghị định 104/2007/NĐ-CP, nhưng với những hệ lụy không thể lường trước được, pháp luật hiện hành đã không thể kiểm soát tốt được hoạt động này. Thực tế, nhiều doanh nghiệp đăng ký kinh doanh dịch vụ đòi nợ thuê hợp pháp nhưng lại “núp” dưới bóng hợp pháp này để tiến hành kinh doanh theo kiểu đòi nợ xã hội đen. Để ngăn chặn những hậu quả xấu xảy ra gây mất trật tự an toàn xã hội, Luật Đầu tư 2020 đã chính thức cấm kinh doanh dịch vụ đòi nợ.
Vì những lẽ đó, Luật Đầu tư 2020 chính thức cấm dịch vụ đòi nợ thuê bởi hành lang pháp lý chưa hoàn chỉnh sẽ gây nhiều hệ lụy cho xã hội.
Thùy Trâm
- Từ khóa:
- Luật Đầu tư 2020