Văn bản nổi bật tuần vừa qua (từ ngày 06/5 - 12/5/2024)

Văn bản nổi bật tuần vừa qua (từ ngày 06/5 - 12/5/2024)
Lê Trương Quốc Đạt

Căn cứ để tiến hành xác minh hành vi vi phạm hành chính xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp từ ngày 01/7/2024; Điều kiện, hình thức, thời hạn cấp Thẻ thanh tra từ ngày 15/6/2024;...là những nội dung nổi bật tại các văn bản mới được cập nhật từ ngày 06/5 - 12/5/2024.

1. Căn cứ để tiến hành xác minh hành vi vi phạm hành chính xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp từ ngày 01/7/2024

Chính phủ ban hành Nghị định 46/2024/NĐ-CP ngày 04/5/2024 sửa đổi Nghị định 99/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp (đã được sửa đổi theo Nghị định 126/2021/NĐ-CP).

Theo đó, Nghị định 46/2024/NĐ-CP đã sửa đổi Điều 22 Nghị định 99/2013/NĐ-CP về căn cứ để tiến hành xác minh hành vi vi phạm hành chính xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp như sau:

- Việc xác minh để xác định hành vi vi phạm hành chính xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp được tiến hành khi có một trong các căn cứ sau đây:

+ Yêu cầu xử lý hành vi xâm phạm quyền của chủ thể quyền sở hữu công nghiệp;

+ Kết quả kiểm tra, thanh tra của cơ quan có thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính;

+ Kiến nghị của tổ chức, cá nhân bị thiệt hại hoặc có khả năng bị thiệt hại do hành vi cạnh tranh không lành mạnh trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp gây ra;

+ Thông tin được cung cấp bởi các cá nhân, tổ chức phát hiện hành vi xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp gây thiệt hại cho người tiêu dùng hoặc cho xã hội, hành vi vi phạm liên quan đến hàng hóa, tem, nhãn, vật phẩm mang nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý giả mạo.

- Các chủ thể quyền sở hữu công nghiệp quy định tại điểm a khoản 1 Điều 22 Nghị định 99/2013/NĐ-CP (sửa đổi tại Nghị định 46/2024/NĐ-CP) bao gồm:

+ Chủ thể quyền sở hữu công nghiệp bị thiệt hại do hành vi xâm phạm bao gồm cả tổ chức được trao thẩm quyền quản lý chỉ dẫn địa lý được bảo hộ tại Việt Nam;

+ Người có quyền sử dụng đối tượng sở hữu công nghiệp bị thiệt hại do hành vi xâm phạm, nếu không bị chủ sở hữu công nghiệp hạn chế quyền yêu cầu xử lý xâm phạm.

- Cơ quan có thẩm quyền xử lý vi phạm nêu tại điểm b khoản 1 Điều 22 Nghị định 99/2013/NĐ-CP (sửa đổi tại Nghị định 46/2024/NĐ-CP) có trách nhiệm chủ động kiểm tra, thanh tra, phát hiện và phối hợp với chủ thể quyền sở hữu công nghiệp xác minh hành vi vi phạm hành chính liên quan đến các đối tượng sau đây:

+ Hàng hóa, tem, nhãn, bao bì, vật phẩm khác mang nhãn hiệu hoặc chỉ dẫn địa lý giả mạo;

+ Hàng hóa, dịch vụ vi phạm liên quan đến lương thực, thực phẩm, dược phẩm, mỹ phẩm, thức ăn dùng để chăn nuôi, phân bón, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật, vật liệu xây dựng, phương tiện giao thông, hóa chất dùng trong y tế, nông nghiệp, môi trường và những mặt hàng khác do người có thẩm quyền xác định theo nhiệm vụ kiểm tra, thanh tra định kỳ hoặc đột xuất.

Xem thêm tại Nghị định 46/2024/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 01/7/2024.

2. Điều kiện, hình thức, thời hạn cấp Thẻ thanh tra từ ngày 15/6/2024

Đây là nội dung tại Thông tư 05/2024/TT-TTCP ngày 26/4/2024 quy định về mẫu Thẻ thanh tra và việc cấp, quản lý, sử dụng Thẻ thanh tra do Tổng Thanh tra Chính phủ ban hành.

Cụ thể, điều kiện, hình thức, thời hạn cấp Thẻ thanh tra như sau:

- Thanh tra viên được cấp có thẩm quyền xem xét, đề nghị cấp Thẻ thanh tra sau khi có quyết định bổ nhiệm vào ngạch Thanh tra viên. Chưa xem xét cấp thẻ đối với người trong thời gian tạm giam, thi hành kỷ luật hoặc có thông báo về việc xem xét kỷ luật liên quan đến tham nhũng, tiêu cực, đạo đức công vụ của cơ quan có thẩm quyền. Đối với người không còn đủ thời gian công tác 05 năm thì chỉ cấp Thẻ thanh tra có thời hạn sử dụng đến thời điểm nghỉ hưu.

- Các hình thức cấp Thẻ thanh tra gồm:

+ Cấp mới Thẻ thanh tra;

+ Cấp đổi Thẻ thanh tra;

+ Cấp lại Thẻ thanh tra.

- Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày tiếp nhận đủ hồ sơ, cơ quan có thẩm quyền xem xét việc cấp Thẻ thanh tra theo quy định.

Xem thêm Thông tư 05/2024/TT-TTCP có hiệu lực từ ngày 15/6/2024.

3. Quy định về cập nhật thông tin trong cơ sở dữ liệu quốc gia

Chính phủ ban hành Nghị định 47/2024/NĐ-CP ngày 09/5/2024 về danh mục cơ sở dữ liệu quốc gia; việc xây dựng, cập nhật, duy trì, khai thác và sử dụng cơ sở dữ liệu quốc gia.

Theo đó, việc cập nhật thông tin trong cơ sở dữ liệu quốc gia như sau:

- Cập nhật thông tin trong cơ sở dữ liệu quốc gia bao gồm các hoạt động:

+ Bổ sung thông tin;

+ Điều chỉnh thông tin.

- Nguồn cập nhật thông tin trong cơ sở dữ liệu quốc gia bao gồm:

+ Kết quả thực hiện thủ tục hành chính;

+ Đề xuất sửa đổi, bổ sung của cơ quan, tổ chức, cá nhân;

+ Từ các cơ sở dữ liệu khác có liên quan khi có thay đổi;

+ Nguồn khác theo quy định của pháp luật.

- Trách nhiệm cập nhật thông tin trong cơ sở dữ liệu quốc gia của các cơ quan liên quan thực hiện theo quy định của pháp luật chuyên ngành.

- Việc cập nhật thông tin trong cơ sở dữ liệu quốc gia từ nguồn kết quả thủ tục hành chính phải được đồng bộ giữa các cơ sở dữ liệu và thực hiện theo quy định của pháp luật về kết nối và chia sẻ dữ liệu.

- Việc cập nhật thông tin trong cơ sở dữ liệu quốc gia khi có đề xuất sửa đổi, bổ sung của cơ quan, tổ chức, cá nhân hoặc khi phát hiện thông tin chưa chính xác thực hiện theo quy định của pháp luật chuyên ngành.

- Việc cập nhật dữ liệu vào cơ sở dữ liệu quốc gia từ cơ sở dữ liệu của bộ, ngành, địa phương được thực hiện như sau:

+ Trường hợp cơ sở dữ liệu của bộ, ngành, địa phương đã kết nối với cơ sở dữ liệu quốc gia, dữ liệu được cập nhật, đồng bộ vào cơ sở dữ liệu quốc gia ngay khi kết thúc nghiệp vụ hoặc kết thúc quy trình thực hiện các thủ tục hành chính và dữ liệu được cập nhật vào cơ sở dữ liệu của bộ, ngành, địa phương. Chủ quản cơ sở dữ liệu quốc gia và chủ quản cơ sở dữ liệu bộ, ngành, địa phương thiết lập công cụ, biện pháp để xác thực việc hoàn thành quá trình cập nhật, đồng bộ dữ liệu vào cơ sở dữ liệu quốc gia;

+ Trường hợp cơ sở dữ liệu của bộ, ngành, địa phương chưa kết nối với cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ quan chịu trách nhiệm cập nhật dữ liệu có trách nhiệm chuyển dữ liệu ngay khi kết thúc nghiệp vụ hoặc kết thúc quy trình thực hiện các thủ tục hành chính. Chủ quản cơ sở dữ liệu quốc gia thiết lập kênh dữ liệu an toàn, bảo mật để nhận dữ liệu.

Xem thêm tại Nghị định 47/2024/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 09/5/2024.

4. Nguyên tắc hoạt động thông tin cơ sở từ ngày 01/7/2024

Chính phủ ban hành Nghị định 49/2024/NĐ-CP ngày 10/5/2024 quy định về hoạt động thông tin cơ sở.

Theo đó, nguyên tắc hoạt động thông tin cơ sở như sau:

- Thông tin kịp thời, chính xác, công khai, minh bạch, phù hợp với trình độ, nhu cầu của người dân ở từng vùng, miền, đặc biệt là người dân ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo.

- Phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành của cấp ủy, chính quyền địa phương.

- Bảo đảm thực hiện nhiệm vụ truyền thông chính sách của Đảng, Nhà nước, cung cấp thông tin thiết yếu đến người dân.

- Người dân được bảo đảm và bình đẳng, không bị phân biệt đối xử trong việc thực hiện quyền tiếp cận thông tin.

- Tôn trọng ý kiến đóng góp của người dân; tiếp nhận thông tin phản ánh và thông tin nội dung trả lời của cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền đối với thông tin phản ánh của người dân.

- Tuân thủ quy định của pháp luật về bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội, bảo vệ bí mật nhà nước, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân.

Xem thêm tại Nghị định 49/2024/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 01/7/2024.

283 lượt xem

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của LawNet. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email:info@lawnet.vn


Liên quan Văn bản
  • Địa chỉ: 19 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh
    Điện thoại: (028) 7302 2286
    E-mail: info@lawnet.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079
P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;