Văn bản nổi bật tuần vừa qua (từ ngày 22/4- 28/4/2024)

Văn bản nổi bật tuần vừa qua (từ ngày 22/4- 28/4/2024)
Quốc Tuấn

Hướng dẫn mới về xử lý kỹ thuật khi Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia gặp sự cố; Thành phần hồ sơ đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT năm 2024; Nguyên tắc xác định giá phát điện từ ngày 01/6/2024; … là những nội dung nổi bật tại các văn bản mới được cập nhật từ ngày 22/4- 28/4/2024.

Hướng dẫn mới về xử lý kỹ thuật khi Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia gặp sự cố

Ngày 26/4/2024, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư ban hành Thông tư 06/2024/TT-BKHĐT hướng dẫn việc cung cấp, đăng tải thông tin về lựa chọn nhà thầu và mẫu hồ sơ đấu thầu trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia.

Theo đó, việc xử lý kỹ thuật trong trường hợp Hệ thống gặp sự cố ngoài khả năng kiểm soát được hướng dẫn như sau:

- Trường hợp gặp sự cố dẫn đến Hệ thống không thể vận hành thì các gói thầu lựa chọn nhà thầu qua mạng có thời điểm đóng thầu, thời điểm hết hạn làm rõ E-HSQT, E-HSDST, E-HSDT trong thời gian từ khi Hệ thống bị sự cố cho đến thời điểm sau hoàn thành khắc phục sự cố 02 giờ sẽ được Hệ thống tự động gia hạn đến thời điểm đóng thầu mới, thời điểm hết hạn làm rõ E-HSQT, E-HSDST, E-HSDT mới là sau 06 giờ kể từ thời điểm hoàn thành khắc phục sự cố.

- Trường hợp thời điểm đóng thầu mới và thời điểm hết hạn làm rõ E-HSQT, E-HSDST, E-HSDT mới theo quy định trên sau 17 giờ 00 phút và trước 11 giờ 00 phút ngày tiếp theo thì Hệ thống tự động gia hạn đến 11 giờ 00 phút của ngày tiếp theo.

- Trường hợp Hệ thống tự động gia hạn thời điểm đóng thầu theo quy định trên thì việc đánh giá E-HSQT, E-HSDST, E-HSDT được thực hiện trên cơ sở thời điểm đóng thầu nêu trong E-TBMQT, E-TBMST, E-TBMT trước thời điểm Hệ thống gặp sự cố.

Xem chi tiết nội dung tại Thông tư 06/2024/TT-BKHĐT có hiệu lực từ ngày ký.

Thành phần hồ sơ đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT năm 2024

Ngày 22/4/2024, Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Quyết định 1187/QĐ-BGDĐT về việc công bố thủ tục hành chính được sửa đổi, bổ sung lĩnh vực thi, tuyển sinh thuộc phạm vi, chức năng quản lý của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Trong đó, hướng dẫn thành phần hồ sơ đăng ký dự thi tốt nghiệp trung học phổ thông như sau:

(1) Đối với người đã học xong chương trình THPT trong năm tổ chức kỳ thi, thành phần hồ sơ gồm:

- 02 Phiếu đăng ký dự thi giống nhau;

- Bản chính hoặc bản sao được chứng thực từ bản chính hoặc bản sao được cấp từ sổ gốc hoặc bản sao kèm bản gốc để đối chiếu (gọi chung là bản sao) học bạ THPT hoặc học bạ giáo dục thường xuyên cấp THPT hoặc phiếu kiểm tra của người học theo hình thức tự học đối với giáo dục thường xuyên do Hiệu trưởng trường phổ thông cấp;

- Các giấy chứng nhận hợp lệ để được hưởng chế độ ưu tiên, khuyến khích (nếu có);

- File ảnh (hoặc 02 ảnh 4x6 trong trường hợp đăng ký dự thi trực tiếp) kiểu căn cước công dân, được chụp trước thời gian nộp hồ sơ không quá 06 tháng.

(2) Đối với người đã học xong chương trình THPT nhưng chưa thi tốt nghiệp THPT hoặc đã thi nhưng chưa tốt nghiệp THPT ở những năm trước, ngoài các thành phần hồ sơ tại (1) còn nộp thêm:

- Giấy xác nhận của trường phổ thông nơi thí sinh học lớp 12 hoặc nơi thí sinh đăng ký dự thi về xếp loại học lực đối với những học sinh xếp loại kém về học lực;

- Bản sao Bằng tốt nghiệp trung học cơ sở;

- Giấy xác nhận điểm bảo lưu (nếu có) do Hiệu trưởng trường phổ thông nơi thí sinh đã dự thi năm trước xác nhận hoặc do sở GDĐT nơi thí sinh đã dự thi xác nhận trong trường hợp thí sinh dự thi tại tỉnh khác.

(3) Đối với thí sinh đã tốt nghiệp THPT, hồ sơ đăng ký dự thi gồm:

- 02 Phiếu đăng ký dự thi giống nhau;

- Bằng tốt nghiệp THPT (bản sao);

- 02 ảnh cỡ 4x6 cm;

(4) Đối với thí sinh đã tốt nghiệp trung cấp, hồ sơ đăng ký dự thi gồm:

- 02 Phiếu đăng ký dự thi giống nhau;

- 02 ảnh cỡ 4x6 cm;

- Bản sao Bằng tốt nghiệp trung học cơ sở, bản sao Bằng tốt nghiệp trung cấp, bản sao Sổ học tập hoặc bảng điểm học các môn văn hóa THPT theo quy định.

Khi hết hạn nộp hồ sơ đăng ký dự thi, nếu phát hiện có nhầm lẫn, sai sót, thí sinh phải thông báo kịp thời cho Hiệu trưởng trường phổ thông hoặc Thủ trưởng đơn vị nơi đăng ký dự thi hoặc thông báo cho Trưởng Điểm thi trong ngày làm thủ tục dự thi để sửa chữa, bổ sung.

Xem chi tiết tại Quyết định 1187/QĐ-BGDĐT có hiệu tực từ ngày 22/4/2024.

Nguyên tắc xác định giá phát điện từ ngày 01/6/2024

Ngày 12/4/2024, Bộ trưởng Bộ Công Thương ban hành Thông tư 07/2024/TT-BCT quy định phương pháp xác định giá phát điện, hợp đồng mua bán điện, trong đó có quy định trách nhiệm của Đơn vị sở hữu phát điện Nhà máy điện. Trong đó, nguyên tắc xác định giá phát điện được quy định như sau:

(1) Giá phát điện của nhà máy điện được xây dựng trên cơ sở:

- Các khoản chi phí hợp lý, hợp lệ của Chủ đầu tư trong toàn bộ đời sống kinh tế dự án;

- Tỷ suất sinh lợi nội tại về tài chính (IRR) không vượt quá 12%.

(2) Giá phát điện của nhà máy điện, bao gồm các thành phần sau:

- Giá hợp đồng mua bán điện: Do Bên bán và Bên mua thỏa thuận và được xây dựng theo phương pháp quy định tại Điều 4 Thông tư 07/2024/TT-BCT;

- Giá đấu nối đặc thù (nếu có): Do Bên bán và Bên mua thỏa thuận và được xác định theo phương pháp quy định tại Điều 8 Thông tư 07/2024/TT-BCT.

(3) Giá phát điện chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng, thuế tài nguyên nước, tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước, tiền dịch vụ môi trường rừng, phí bảo vệ môi trường đối với chất thải rắn và đối với nước thải công nghiệp (áp dụng đối với nhà máy nhiệt điện) và các khoản thuế, phí, các khoản thu bằng tiền khác theo quy định của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền (trừ các khoản thuế, phí đã được tính trong phương án giá phát điện).

(4) Giá hợp đồng mua bán điện để so với khung giá phát điện Năm cơ sở:

- Giá hợp đồng mua bán điện Năm cơ sở không vượt quá khung giá phát điện Năm cơ sở của nhà máy điện do Bộ trưởng Bộ Công Thương ban hành, trong đó giá hợp đồng mua bán điện của nhà máy điện để so với khung giá phát điện Năm cơ sở được tính toán trên cơ sở các thành phần chi phí tương ứng với thành phần chi phí tính toán khung giá phát điện;

- Trường hợp Năm cơ sở của nhà máy điện không có khung giá phát điện, giá hợp đồng mua bán điện của nhà máy điện được tính toán quy đổi trên cơ sở các thành phần chi phí tương ứng để so với khung giá phát điện của năm gần nhất của loại hình nhà máy điện đó.

Xem chi tiết tại Thông tư 07/2024/TT-BCT có hiệu lực kể từ ngày 01/6/2024.

Tiêu chuẩn xét tặng danh hiệu Nghệ nhân ưu tú từ ngày 06/6/2024

Ngày 19/4/2024, Chính phủ ban hành Nghị định 43/2024/NĐ-CP hướng dẫn xét tặng danh hiệu "Nghệ nhân nhân dân", "Nghệ nhân ưu tú" trong lĩnh vực nghề thủ công mỹ nghệ. Theo đó đề ra tiêu chuẩn xét tặng danh hiệu “Nghệ nhân nhân dân”.

Theo đó, danh hiệu “Nghệ nhân ưu tú” trong lĩnh vực nghề thủ công mỹ nghệ được tặng cho cá nhân đạt các tiêu chuẩn sau:

- Trung thành với Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa; chấp hành tốt chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, điều lệ, nội quy, quy chế của cơ quan, tổ chức, địa phương.

- Có thời gian hoạt động liên tục trong nghề thủ công mỹ nghệ hoặc cộng dồn từ 15 năm trở lên.

- Có phẩm chất đạo đức tốt, gương mẫu trong cuộc sống; tâm huyết, tận tụy với nghề, được đồng nghiệp và Nhân dân mến mộ, kính trọng; là đại diện tiêu biểu cho sự nghiệp bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa trong lĩnh vực nghề thủ công mỹ nghệ của địa phương.

- Có tri thức, kỹ năng đặc biệt xuất sắc, cụ thể:

+ Trực tiếp thiết kế, chế tác được ít nhất 10 tác phẩm, sản phẩm có giá trị kinh tế, kỹ thuật và mỹ thuật cao;

+ Đã có sản phẩm, tác phẩm đạt một trong các tiêu chí: Đạt từ giải nhì trở lên trong các cuộc thi liên quan đến sản phẩm thủ công mỹ nghệ do cơ quan có thẩm quyền tổ chức phạm vi cấp tỉnh hoặc giải ba trở lên trong phạm vi cả nước; được Nhà nước Việt Nam cử tham gia các hoạt động trong lĩnh vực thủ công mỹ nghệ đạt thành tích từ giải ba khu vực, quốc tế trở lên; được cơ quan nhà nước có thẩm quyền công nhận tiêu biểu, đánh giá phân hạng cấp quốc gia trong lĩnh vực nghề thủ công mỹ nghệ; được bảo tàng cấp quốc gia, bảo tàng cấp tỉnh lựa chọn làm hiện vật trưng bày; được sử dụng làm mẫu phục vụ công tác giảng dạy trong lĩnh vực thủ công mỹ nghệ tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, đại học; được sử dụng vào công trình phục chế di tích lịch sử - văn hoá (công trình biểu trưng văn hóa) cấp tỉnh, cấp quốc gia.

- Có công lớn trong việc bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa trong lĩnh vực nghề thủ công mỹ nghệ của địa phương; nắm giữ kỹ năng, bí quyết, truyền dạy nghề cho từ 100 cá nhân trở lên, trừ trường hợp nghề thủ công mỹ nghệ đặc thù hoặc từ 15 cá nhân trở lên hiện đang làm nghề trên 10 năm tại các cơ sở sản xuất.

Xem chi tiết tại Nghị định 43/2024/NĐ-CP có hiệu lực thi hành từ ngày 06/6/2024.

415 lượt xem

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của LawNet. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email:info@lawnet.vn


Liên quan Văn bản
  • Địa chỉ: 19 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh
    Điện thoại: (028) 7302 2286
    E-mail: info@lawnet.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079
P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;