Gần đây, Quốc hội đã chính thức thông qua Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án 2020 và có hiệu lực kể từ ngày 01/01/2021. Theo đó, Luật này quy định cụ thể trình tự, thủ tục trong hoạt động hòa giải, đối thoại tại Tòa án.
Trình tự, thủ tục trong hoạt động hòa giải, đối thoại tại Tòa án (Ảnh minh họa)
Cụ thế, tại chương III Luật Hòa gIải, đối thoại tại Tòa án 2020 quy định trình tự, thủ tục trong hoạt động hòa giải, đối thoại tại Tòa án, chi tiết như sau:
1. Trình tự nhận, xử lý đơn khởi kiện, đơn yêu cầu tại Tòa án và chỉ định Hòa giải viên
Người khởi kiện, người yêu cầu gửi đơn khởi kiện, đơn yêu cầu giải quyết vụ việc dân sự, khiếu kiện hành chính kèm theo tài liệu, chứng cứ đến Tòa án có thẩm quyền giải quyết.
Trong thời hạn 02 ngày làm việc kể từ ngày nhận được đơn khởi kiện, đơn yêu cầu, nếu không thuộc một trong các trường hợp quy định tại các khoản 1, 2, 4, 6 và 7 Điều 19 của Luật này thì Tòa án thông báo bằng văn bản cho người khởi kiện, người yêu cầu biết về quyền được lựa chọn hòa giải, đối thoại và lựa chọn Hòa giải viên theo quy định của Luật này.
Mỗi vụ việc do 01 Hòa giải viên tiến hành hòa giải, đối thoại. Người khởi kiện, người yêu cầu lựa chọn Hòa giải viên trong danh sách Hòa giải viên của Tòa án có thẩm quyền giải quyết vụ việc và phải thông báo họ, tên, địa chỉ của Hòa giải viên cho Tòa án đó.
2. Chuẩn bị hòa giải, đối thoại tại Tòa án
Theo Điều 21 Luật hòa giải, đối thoại tại Tòa án 2020, công tác chuẩn bị hòa giải, đối thoại của Hòa giải viên bao gồm:
Tiếp nhận đơn và tài liệu kèm theo do Tòa án chuyển đến.
Vào sổ theo dõi vụ việc.
Nghiên cứu đơn và tài liệu kèm theo do Tòa án chuyển đến.
Xác định tư cách của các bên, người đại diện, người phiên dịch trong vụ việc dân sự, khiếu kiện hành chính, thông báo cho họ biết về việc hòa giải, đối thoại.
Yêu cầu các bên bổ sung thông tin, tài liệu, chứng cứ; đề xuất phương án, giải pháp để giải quyết vụ việc dân sự, khiếu kiện hành chính.
Xây dựng phương án, giải pháp hòa giải, đối thoại.
Mời người có uy tín có khả năng tác động đến mỗi bên tham gia hòa giải, đối thoại để hỗ trợ cho; việc hòa giải, đối thoại khi cần thiết.
Nghiên cứu quy định của pháp luật có liên quan, tìm hiểu phong tục, tập quán và hoàn cảnh của các bên để phục vụ cho việc hòa giải, đối thoại khi cần thiết.
Tham khảo ý kiến của cơ quan, tổ chức, cá nhân có chuyên môn về lĩnh vực liên quan đến vụ việc dân sự, khiếu kiện hành chính để phục vụ cho việc hòa giải, đối thoại khi cần thiết.
Các nội dung khác cần thiết cho việc hòa giải, đối thoại.
3. Tiến hành phiên hòa giải, đối thoại tại Tòa án
Khi các bên đồng ý gặp nhau để thống nhất phương án giải quyết vụ việc dân sự, khiếu kiện hành chính, Hòa giải viên ấn định thời gian, địa điểm tiến hành phiên hòa giải, đối thoại và thông báo cho các bên, người đại diện, người phiên dịch chậm nhất là 05 ngày trước ngày mở phiên hòa giải, đối thoại.
4. Tiến hành phiên họp ghi nhận kết quả hòa giải, đối thoại tại Tòa án
Khi các bên đạt được sự thỏa thuận, thống nhất với nhau về việc giải quyết toàn bộ hoặc một phần vụ việc, Hòa giải viên ấn định thời gian, địa điểm mở phiên họp ghi nhận kết quả hòa giải, đối thoại. Phiên họp ghi nhận kết quả hòa giải, đối thoại có thể được tổ chức ngay sau phiên hòa giải, đối thoại hoặc vào thời gian phù hợp khác.
Lưu ý: Hòa giải viên tiến hành phiên họp ghi nhận kết quả hòa giải, đối thoại tại trụ sở Tòa án có thẩm quyền giải quyết vụ việc.
5. Ra quyết định công nhận hoặc không công nhận kết quả hòa giải thành, đối thoại thành tại Tòa án
Sau khi lập biên bản ghi nhận kết quả hòa giải, biên bản ghi nhận kết quả đối thoại, Hòa giải viên chuyển biên bản cùng tài liệu kèm theo cho Tòa án có thẩm quyền giải quyết vụ việc để ra quyết định công nhận kết quả hòa giải thành, đối thoại thành trong trường hợp các bên có yêu cầu. Theo đó:
Trường hợp có đủ điều kiện công nhận kết quả hòa giải thành, đối thoại thành thì Thẩm phán ra quyết định công nhận kết quả hòa giải thành, đối thoại thành.
Trường hợp không có đủ điều kiện công nhận kết quả hòa giải thành, đối thoại thành thì Thẩm phán ra quyết định không công nhận kết quả hòa giải thành, đối thoại thành và nêu rõ lý do.
Lưu ý: thời hạn hòa giải, đối thoại là 20 ngày kể từ ngày Hòa giải viên được chỉ định, đối với vụ việc phức tạp, thời hạn này có thể được kéo dài nhưng không quá 30 ngày. Các bên có thể thống nhất kéo dài thời hạn hòa giải, đối thoại, nhưng không quá 02 tháng.
Chi tiết xem tại Luật Hòa gIải, đối thoại tại Tòa án 2020, có hiệu lực ngày 01/01/2021.
Ty Na
Địa chỉ: | 19 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh |
Điện thoại: | (028) 7302 2286 |
E-mail: | info@lawnet.vn |