Đây là nội dung đáng chú ý được quy định tại Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án 2020 ban hành ngày 16/06/2020 và có hiệu lực kể từ ngày 01/01/2021. Theo đó, Luật này quy định về bảo mật thông tin hòa giải, đối thoại tại Tòa án
Từ ngày 01/01/2021, không được ghi âm, ghi hình trong quá trình hòa giải, đối thoại (Ảnh minh họa)
Cụ thể, trong các nguyên tắc quy định tại Điều 3 của Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án 2020 thì bảo mật thông tin hòa giải, đối thoại là một trong những nguyên tắc quan trọng đối với Hòa giải viên, các bên tham gia hòa giải, đối thoại (sau đây gọi là các bên) và cơ quan, tổ chức, cá nhân khác được mời tham gia hòa giải đối thoại (sau đây gọi là các bên được mời tham gia). Cụ thể quy định chi tiết tại Điều 4 như sau:
Hòa giải viên, các bên và các bên được mời tham gia không được tiết lộ thông tin mà mình biết được trong quá trình hòa giải, đối thoại.
Trong quá trình hòa giải, đối thoại không được ghi âm, ghi hình, ghi biên bản hòa giải, đối thoại. Việc lập biên bản chỉ được thực hiện để ghi nhận kết quả hòa giải, đối thoại theo quy định Điều 31 của Luật này. Hòa giải viên, các bên chỉ được ghi chép để phục, vụ cho việc hòa giải, đối thoại và phải bảo mật nội dung đã ghi chép.
Cơ quan, tổ chức, cá nhân không được sử dụng tài liệu, lời trình bày của các bên trong quá trình hòa giải, đối thoại làm chứng cứ trong quá trình giải quyết vụ việc (trừ trường hợp bên đã xuất trình tài liệu, trình bày ý kiến trong quá trình hòa giải, đối thoại đồng ý việc sử dụng tài liệu, lời trình bày của mình trong quá trình hòa giải, đối thoại làm chứng cứ hoặc phải sử dụng làm chứng cứ theo quy định của luật).
Như vậy, nếu vi phạm 03 quy định về bảo mật thông tin hòa giải, đối thoại tại Tòa án này thì bị xử lý theo quy định của pháp luật.
Chi tiết xem tại Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án 2020, có hiệu lực ngày 01/01/2021.
Ty Na
Địa chỉ: | 19 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh |
Điện thoại: | (028) 7302 2286 |
E-mail: | info@lawnet.vn |