Dự thảo Lần 2 Thông tư Quy định việc thực hiện dân chủ trong hoạt động điều tra của lực lượng Công an nhân dân thay thế Quy chế ban hành kèm theo Quyết định 729/1998/QĐ- BCA(V19) đang được đưa ra lấy ý kiến đóng góp, dự kiến có hiệu lực trong năm 2020.
Ảnh minh họa
Theo đó, Dự thảo này quy định, khi tiến hành tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm, cán bộ, chiến sĩ Công an xã, phường, thị trấn, Đồn Công an, Trạm Công an không được làm những việc sau:
- Những việc mà pháp luật quy định cán bộ, công chức hoặc cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang nhân dân không được làm;
- Nhận đơn, thư và giải quyết công việc cho công dân tại nhà riêng hoặc bất cứ nơi nào ngoài trụ sở cơ quan Công an, trừ trường hợp cấp bách công dân đến báo tin về tội phạm; đồng thời phải báo cáo ngay với lãnh đạo trực tiếp biết;
- Nhờ, sách nhiễu hoặc cầu lợi dưới bất kỳ hình thức nào đối với người tham gia tố tụng, người thân thích của họ và cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan;
- Tư vấn cho người bị buộc tội, người thân thích của người bị buộc tội, đương sự hoặc người tham gia tố tụng khác làm cho việc giải quyết vụ án, vụ việc không đúng quy định của pháp luật;
- Can thiệp trái pháp luật vào việc giải quyết các vụ án, vụ việc hoặc lợi dụng ảnh hưởng của mình tác động đến người có trách nhiệm giải quyết vụ án, vụ việc;
- Đưa hồ sơ, tài liệu vụ việc ra khỏi cơ quan nếu không vì nhiệm vụ được giao hoặc không được sự đồng ý của người có thẩm quyền.
Theo quy định này có thể thấy, khi tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm, cán bộ, chiến sĩ Công an xã tuyệt đối không được nhận đơn, thư và giải quyết công việc cho công dân tại nhà riêng hoặc bất cứ nơi nào ngoài trụ sở cơ quan Công an. Trường hợp cấp bách công dân đến báo tin về tội phạm thì có thể tiếp nhận tại nhà riêng nhưng phải báo cáo ngay với lãnh đạo trực tiếp.
Xem chi tiết các nội dung của Dự thảo TẠI ĐÂY.
Nguyễn Trinh
- Từ khóa:
- Công an xã
- Tố giác tội phạm