Trẻ được đưa từ nơi khác đến thành phố lang thang ăn xin

Thứ Bảy, ngày 31/8/2019 - 06:40

(PL)- Cần có sự tham gia quyết liệt của ngành công an nhằm điều tra, xử lý các đường dây chăn dắt trẻ em ăn xin.

Tối 29-8, ngay góc ngã tư Bảy Hiền (quận Tân Bình, TP.HCM) xuất hiện một cậu bé đen nhẻm, gầy gò đứng ăn xin. Mỗi khi xe dừng đèn đỏ, em lại chạy đến đứng trước đầu xe xòe tay ăn xin. 

Trời mưa, chúng tôi kéo em vào một góc đường, hỏi em có đói hay không. Em trả lời “có”. Đó là một cậu bé người nước ngoài, có thể nói bập bẹ tiếng Việt, chừng 6-7 tuổi. Nhưng chưa kịp trò chuyện với chúng tôi, em đã lấm lét muốn bỏ chạy. 

Những kẻ chăn dắt đứng phía sau

Ngay sau đó, một thiếu niên lớn hơn chạy tới cầm tay em lôi đi sang bên kia đường. Một người dân ở gần đó cho chúng tôi biết từ đầu tháng 7 âm lịch, bọn trẻ xuất hiện ở đây và đi xin gần các chùa. Năm nào cũng vậy, cứ gần các lễ rằm lớn là một số người đưa bọn trẻ về địa bàn này để ăn xin. Người này nói: “Cái đứa lớn hơn nó không đi xin mà nó canh thằng bé này. Đứa lớn nó hay chơi game, hay đánh thằng bé. Tụi nó có người chăn dắt hết đấy. Có muốn giúp cũng không được, ai tới nói chuyện nó bắt đi ngay, có khi lại đánh thằng bé”.

Ở cây xăng bên hông cầu vượt Cộng Hòa (quận Tân Bình) cũng hay xuất hiện vài đứa trẻ đi ăn xin, đi kèm là một phụ nữ bồng con nhỏ. Khi chúng tôi bước đến hỏi chuyện, cậu bé lớn hơn bỏ đi ngay. Em bé nhỏ hơn đứng lại thì bị người phụ nữ chạy đến lôi đi. 

Cách đây vài ngày, gặp bé gái đang đi ăn xin ở chợ Bến Thành, khi chúng tôi giơ điện thoại lên định chụp thì một phụ nữ chạy đến, dùng nón lá che mặt rồi lôi em bé đi xềnh xệch. Các em bé dường như đã được huấn luyện rất kỹ, chúng không dám trò chuyện với người lạ. Hoặc chúng có thể trò chuyện một chút với vẻ lấm lét sợ hãi rồi nhanh chóng bỏ đi.

Chị L., đang công tác tại Mái ấm Tre Xanh trực thuộc Hội Bảo trợ trẻ em TP.HCM, cho biết chính những người làm công tác xã hội (CTXH) nhiều kinh nghiệm cũng không dễ tiếp xúc với các em.

Trẻ được đưa từ nơi khác đến thành phố lang thang ăn xin - ảnh 1
Em bé ăn xin ở ngã tư Bảy Hiền (quận Tân Bình, TP.HCM) tối 29-8. Ảnh: H.MINH

“Tụi trẻ chẳng tin ai đâu”

Chúng tôi gặp được HPH, một thanh niên 20 tuổi đang làm việc ở một nhà hàng khu phố Tây Bùi Viện. Anh H. trước đây là trẻ bỏ nhà đi lang thang sau nhiều biến cố gia đình, sau đó anh được một nhân viên CTXH đưa vào mái ấm. Anh chia sẻ kinh nghiệm để tiếp cận bọn trẻ với chúng tôi: “Muốn mấy em nhỏ ăn xin chịu nói chuyện, chị phải chuẩn bị tiền lẻ cho tụi nó. Có tiền thì mới nói chuyện được. Nhưng nếu có người chăn dắt đi theo canh chừng thì chị cũng không nói chuyện được đâu”. 

Anh H. cũng cho biết bọn trẻ ăn xin có tâm lý là luôn đề phòng người khác. Anh nói: “Chị cũng nên xác định là khi nói chuyện được với các em nhỏ thì cũng có thể nó đang... canh chừng chị coi có gì lấy được không. Đừng nghĩ là chị nói chuyện thì tụi nó tin, tụi nhỏ không tin ai đâu”.

Trong một báo cáo của Trung tâm CTXH - Giáo dục dạy nghề thiếu niên TP ngày 28-8 cho biết trung tâm có chức năng, nhiệm vụ tiếp nhận, quản lý, giáo dục, nuôi dưỡng trẻ không nơi cư trú, trẻ lang thang ăn xin từ tám đến 16 tuổi. Theo đó, các em khi vào trung tâm phần lớn có tính cách ngang bướng, thiếu thành thật, luôn cảnh giác đề phòng với mọi người xung quanh. Các thầy cô, nhân viên ở đây đã rất cố gắng để chăm sóc, giáo dục các em vào nề nếp.

“Cái bang” tứ xứ đổ về TP.HCM

Trong hai ngày 29 và 30-8 vừa qua, đoàn giám sát của Quốc hội đã làm việc tại TP.HCM về việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em trên địa bàn. Đại biểu Nguyễn Mai Bộ đã có cuộc trao đổi riêng với Pháp LuậtTP.HCM: “Chắc chắn sau chuyến giám sát, chúng tôi sẽ có những nghiên cứu và sẽ có những đề xuất cho Quốc hội”.

Đại biểu Nguyễn Mai Bộ cho rằng TP.HCM là địa bàn đang phải gánh một lượng lớn dân nhập cư tứ xứ chuyển đến, trong đó có nhiều người đến để ăn xin. Nhiều địa phương khác chăm lo đời sống người dân và quản lý chưa tốt, để TP.HCM phải chịu trận. Ông đánh giá cao những nỗ lực của ngành LĐ-TB&XH trong công tác chăm sóc, bảo vệ trẻ em trong thời gian qua. Tuy nhiên, ông cho rằng ngành LĐ-TB&XH giải quyết tốt khâu chăm lo sau khi tiếp nhận các đối tượng trẻ em, còn để ngăn ngừa tình trạng trẻ ăn xin thì ngành công an cần tham gia giải quyết quyết liệt hơn nữa vì đây là ngành có thể tổ chức theo dõi, điều tra, xử lý các đối tượng vi phạm pháp luật. Ông nói: “Cần phải xử lý những người chăn dắt các em, có thể là không xử được hết đâu nhưng chỉ cần làm nghiêm một vài vụ điển hình thì tôi tin là có chuyển biến”.

Theo ông Nguyễn Mai Bộ, lực lượng công an các phường, quận chỉ cần tăng cường theo dõi, truy đến cùng để xử lý những kẻ chăn dắt thì sẽ làm giảm nạn trẻ em ăn xin. Ông nói: “Không nên ngay từ đầu đã thấy khó khăn, cho rằng lực lượng mỏng, nếu ngành công an quyết tâm tổ chức thực hiện thì sẽ làm được”.

HỒNG MINH



Tin tức liên quan

  • Số phận cùng quẫn của trẻ ăn xin
  • Thứ Ba, ngày 27/8/2019 - 06:40
  • (PL)- Không chỉ bị bóc lột, trẻ em ăn xin đối mặt với sự lạm dụng, bạo hành. Kinh nghiệm từ những người làm công tác xã hội cho thấy cần nhiều giải pháp dựa vào cộng đồng bên cạnh các biện pháp hành chính.

  • Vấn nạn trẻ em ăn xin: Sẽ báo cáo Quốc hội
  • Thứ Tư, ngày 28/8/2019 - 06:40
  • (PL)- Trẻ em ăn xin phải trải qua những tổn thương tâm lý kéo dài, trong khi gia đình các em không quan tâm đến điều này. Các chuyên gia đã tham gia ý kiến với Pháp Luật TP.HCM để góp phần đưa ra giải pháp cho vấn nạn này.


Hãy để GOOGLE hỗ trợ bạn
TÌNH HUỐNG HOT TRONG NGÀY