Tài xế có nồng độ cồn do ăn sầu riêng phải xử lý sao?

Thứ Tư, ngày 16/10/2019 - 14:45

(PLO)- Một số ý kiến băn khoăn tài xế có nồng độ cồn trong khi lái xe nhưng do ăn trái cây như nho, sầu riêng, vải... thì xử lý thế nào?

Sáng 16-10, Bộ Y tế tổ chức Hội nghị triển khai Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia.

Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến, báo cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho thấy rượu bia đứng hàng thứ 5 trong 10 nguyên nhân gây tử vong cao nhất trên toàn cầu, là nguyên nhân nhiều bệnh không lây nhiễm nguy hiểm khác. Việt Nam thuộc nhóm quốc gia có tỷ lệ nam giới uống rượu bia cao nhất thế giới và tỷ lệ uống rượu bia ngày càng gia tăng. 

Tài xế có nồng độ cồn do ăn sầu riêng phải xử lý sao? - ảnh 1
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến tại Hội nghị triển khai Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia. Ảnh: TH

"Đây là lần đầu tiên Việt Nam có một đạo luật điều chỉnh đầy đủ, hoàn chỉnh đối với vấn đề phòng, chống tác hại của rượu, bia mặc dù rất khó do liên quan đến thói quen, hành vi tiêu dùng của người dân. Để luật đi vào cuộc sống, bảo đảm tính khả thi và hiệu quả thì việc tuyên truyền, phổ biến, triển khai Luật là hết sức quan trọng", Bộ trưởng Tiến nói. 

Một trong những điểm mới của Luật phòng chống tác hại rượu, bia có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2020 là cấm hoàn toàn người điều khiển phương tiện giao thông có nồng độ cồn trong máu hoặc hơi thở. Một số trường hợp có nồng độ cồn trong hơi thở khi lái xe nhưng là do ăn trái cây có đường như nho, sầu riêng hoặc một số chế phẩm lên men có cồn cũng sẽ được điều chỉnh trong luật này. "Chúng tôi sẽ phổ biến về mặt khoa học để lực lượng chức năng biết để với những trường hợp có nồng độ cồn trong hơi thở rất nhỏ, gần như không đáng kể thì đó không phải là đối tượng  xử phạt",  bàTrần Thị Trang, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế cho hay.

Đại diện Cục cảnh sát giao thông, Bộ Công an cho biết thêm, trong giai đoạn trình lập hồ sơ xử phạt vi phạm, ngoài việc đo nồng độ cồn trong hơi thở của lái xe, nếu thấy cần thiết cảnh sát giao thông còn tiến hành xét nghiệm máu để đảm bảo tính chính xác. Hiện Bộ Y tế cũng đang trong quá trình xin ý kiến về việc mở rộng danh sách những nơi cấm bán và sử dụng rượu bia như công viên, nhà chờ xe buýt, trạm dừng nghỉ trên đường cao tốc... để quy định trong Nghị định thực hiện Luật phòng chống tác hại của rượu bia.

AN HIỀN



Tin tức liên quan


Hãy để GOOGLE hỗ trợ bạn
TÌNH HUỐNG HOT TRONG NGÀY