Nhóm bác sĩ quân y lên mạng hỗ trợ F0 điều trị tại nhà

20/12/2021 11:21

Ngay khi số ca COVID-19 tại Hà Nội tăng cao, nhiều F0 phải điều trị tại nhà. Nhận thấy người bệnh đang thiếu thông tin và cần chăm sóc, nhóm bác sĩ quân y hỗ trợ online chăm sóc điều trị F0 tại nhà ra đời.

Nhóm bác sĩ quân y lên mạng hỗ trợ F0 điều trị tại nhà - Ảnh 1.

Nhóm bác sĩ quân y hỗ trợ online chăm sóc điều trị F0 tại nhà chỉ sau 5 ngày thành lập đã thu hút 23.000 người tham gia - Ảnh: Chụp màn hình

Khi số ca F0 tại Hà Nội tăng lên nhanh chóng, ngày 15-12, TS.BS Hoàng Thanh Tuấn - phó chủ nhiệm khoa phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ và tái tạo, Viện Bỏng quốc gia - thành lập nhóm trên Facebook mang tên "Nhóm bác sĩ quân y hỗ trợ online chăm sóc điều trị F0 tại nhà". Chỉ sau 5 ngày thành lập, nhóm đã thu hút hơn 23.000 người tham gia.

Chia sẻ với Tuổi Trẻ Online, bác sĩ Tuấn cho biết hiện nhóm có 15 bác sĩ ở các chuyên khoa và nhiều bệnh viện khác nhau cùng hỗ trợ. Bác sĩ tham gia đều công khai số điện thoại trên trang Facebook để người bệnh có thể gọi bất cứ lúc nào. Mỗi người, mỗi ngày trung bình 20-30 người bệnh gọi điện đến nhờ tư vấn, chưa tính các câu hỏi trên nhóm online.

Nhóm bác sĩ quân y lên mạng hỗ trợ F0 điều trị tại nhà - Ảnh 2.

TS.BS Hoàng Thanh Tuấn vừa tham gia chống dịch tại TP.HCM tháng 8 vừa qua - Ảnh: NVCC

Nguyên tắc của nhóm là không hỗ trợ cấp cứu, không thay thế cho y tế địa phương hay các bệnh viện.

"Chúng tôi đưa ra các quy định để mọi người nắm được. Mình chỉ hỗ trợ thông tin khi bệnh nhân cần, gọi để hướng dẫn bệnh nhân tập thở, đo SPO2… và khuyến cáo mọi người phải có số điện thoại của phường để hỗ trợ kịp thời", bác sĩ Tuấn nói.

Bác sĩ Nguyễn Hoàng Hiệp - khoa huyết học Bệnh viện Quân y 103 - chia sẻ, trước đây có tham gia vào mạng lưới bác sĩ đồng hành nhưng khi đó đang tham gia chống dịch tại TP.HCM, mặc đồ bảo hộ nên không thể cầm điện thoại để tư vấn được cho bệnh nhân.

"Vậy nên khi nhận được lời mời của anh Tuấn, tôi đã nhận lời ngay. Khi người bệnh gọi đến, thậm chí là 1-2h sáng, tôi cũng cố gắng để nghe máy. Bởi nếu lúc đó mình không nghe máy, chắc chắn bệnh nhân sẽ rất lo lắng, hoang mang", bác sĩ Hiệp bộc bạch.

Bác sĩ Tuấn cho biết nhiều người gọi đến rất lo lắng, lo mình bị nặng, lo sẽ lây nhiễm cho người thân. "Khi xem xét tình hình, tôi hướng dẫn, tư vấn, trấn an tâm lý để họ có thể yên tâm hơn. Nhiều trường hợp không cần dùng thuốc, sau khi nghe tư vấn thì họ an tâm hơn, vài ngày sau gọi lại nói rằng mình đã khỏi bệnh", bác sĩ Tuấn nói.

Bác sĩ Đào Hùng - phó chủ nhiệm bộ môn, khoa sản Bệnh viện 103 - cũng tham gia vào nhóm để tư vấn cho các sản phụ mắc COVID-19. 

"Tôi nhận thấy tỉ lệ bệnh nhân chuyển nặng đã giảm hơn so với đợt dịch trong TP.HCM do mọi người đã được tiêm vắc xin phòng COVID-19. Bởi vậy mọi người cũng không nên quá lo lắng nhưng cũng không được chủ quan", bác sĩ Hiệp nói.

DƯƠNG LIỄU



Tin tức liên quan

  • Đẩy nhanh tự chủ thuốc trị COVID-19
  • 21/12/2021 08:21
  • Thực tế 300.000 liều thuốc Molnupiravir được Bộ Y tế phân bổ cho các địa phương thực tế không thấm vào đâu so với nhu cầu thực tế. Mọi vướng mắc cho việc sản xuất thuốc trên hiện nay chỉ còn ở chỗ quy định hiện hành trong Luật dược.

  • Infographic các bước cấp hộ chiếu vắc xin cho công dân Việt Nam
  • 22/12/2021 07:36
  • Ngày 21-12, Bộ Y tế đã công bố mẫu hộ chiếu vắc xin cho công dân Việt Nam. Theo đó, các thông tin cá nhân sẽ được ký số, mã hóa dưới dạng mã QR. Thông tin về cá nhân người mang hộ chiếu vắc xin sẽ kết hợp với các giấy tờ khác để giúp định danh.


Hãy để GOOGLE hỗ trợ bạn
TÌNH HUỐNG HOT TRONG NGÀY