Bộ Y tế yêu cầu quản lý chặt chất thải từ F0 điều trị tại nhà

28/02/2022 15:17

Chất thải sinh hoạt ở phòng cách ly F0 tại nhà được đánh giá có nguy cơ lây nhiễm bệnh cao, Bộ Y tế yêu cầu cần xây dựng phương án thu gom, vận chuyển và xử lý đúng, đảm bảo an toàn cho cộng đồng.

Bộ Y tế yêu cầu quản lý chặt chất thải từ F0 điều trị tại nhà - Ảnh 1.

Tình nguyện viên Ngọc Châu, huấn luyện viên aerobic, tại Trung tâm hồi sức tích cực Bệnh viện ĐH Y dược TP.HCM - Ảnh: TỰ TRUNG

Theo nhận định của Bộ Y tế sau kỳ nghỉ Tết, tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp hơn tại các địa phương trên toàn quốc. Tuy nhiên, phần lớn số ca mắc thường không có triệu chứng lâm sàng hoặc có triệu chứng nhẹ nên được điều trị tại nhà. 

Khi số ca F0 điều trị tại nhà lớn cũng đồng nghĩa lượng rác thải có nguy cơ lây nhiễm tồn tại ở cộng đồng khá cao. 

Để tăng cường quản lý chất thải phát sinh từ các trường hợp F0 điều trị tại nhà, Bộ Y tế đề nghị Bộ Tài nguyên và môi trường chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương triển khai giải pháp vận chuyển, xử lý chất thải trong phòng, chống dịch COVID-19. 

Đồng thời, thường xuyên kiểm tra việc vận chuyển, xử lý chất thải, xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm. 

Bên cạnh đó, bộ còn yêu cầu UBND các tỉnh, thành có phương án thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải phát sinh đối với các trường hợp F0 điều trị tại nhà trên địa bàn. 

Theo hướng dẫn phân loại của Bộ Y tế, chất thải sinh hoạt phát sinh từ phòng cách ly của F0 quản lý tại nhà (bao gồm cả đồ vải, quần áo thải bỏ) và khẩu trang, trang phục phòng hộ cá nhân của người chăm sóc khi tiếp xúc với F0 được coi là chất thải lây nhiễm.

Các chất thải này phải được bỏ vào túi hoặc thùng có lót túi, bên ngoài túi, thùng đựng chất thải có chữ “Chất thải có nguy cơ chứa SARS-CoV-2".

Ngoài ra, các loại chất thải sinh hoạt phát sinh từ các khu vực khác của nhà có người F0 sẽ thực hiện phân loại theo hướng dẫn của địa phương.

Các địa phương bố trí người thu gom các túi, thùng đựng chất thải lây nhiễm để đưa đến nơi lưu giữ, chuyển giao cho đơn vị có chức năng phù hợp.

Lưu ý, trong quá trình thu gom, túi đựng chất thải phải được buộc kín miệng túi, thùng đựng chất thải phải đậy nắp kín, đảm bảo không bị rơi, rò rỉ chất thải làm phát tán mầm bệnh ra bên ngoài.

Trong tài liệu hướng dẫn chăm sóc người mắc COVID-19 tại nhà, Bộ Y tế cũng từng đưa ra những lưu ý quan trọng khi xử lý đồ dùng, rác thải của F0 để tránh lây nhiễm dịch bệnh.

Đối với rác thải, cần đặt thùng rác có nắp kín và mở bằng chân, có lót túi nilông bên trong ở phòng của người nhiễm. Rác thải cần được thu gom, xử lý hằng ngày hoặc khi thùng rác đầy.

Hằng ngày bỏ khẩu trang, khăn, giấy lau mũi, miệng vào túi đựng chất thải, thực hiện xịt cồn 70 độ để khử trùng và buộc chặt miệng túi, sau đó bỏ vào thùng đựng chất thải lây nhiễm được đặt trong phòng của người cách ly.

CẨM NƯƠNG



Tin tức liên quan

  • 750 bao tải chứa chất màu đen nghi là phế phẩm của tàu buôn
  • Chủ Nhật, ngày 15/3/2020 - 18:18
  • (PLO)- Cơ quan chức năng nhận định 750 bao tải chứa chất màu đen có vết dầu loang trôi dạt vào bờ biển ở Bến Tre nghi là phế phẩm không còn sử dụng của các tàu buôn hoặc do sự cố chìm tàu biển của người dân thu mua phế phẩm.

  • Gia tăng tỉ lệ 'GDP xanh' cho TP.HCM
  • 24/02/2021 09:25
  • Mỗi ngày, TP.HCM thải ra gần 9.000 tấn chất thải rắn sinh hoạt nhưng chỉ khoảng 2.000 tấn (chiếm 25%) được tái chế, còn lại phải đem chôn lấp. Đây là hệ lụy khó lường cho an toàn vệ sinh môi trường và chất lượng cuộc sống người dân.


Hãy để GOOGLE hỗ trợ bạn
TÌNH HUỐNG HOT TRONG NGÀY