Bị ngưng dự án, chủ đầu tư đòi lại 4 tỉ đồng hỗ trợ

Thứ Hai, ngày 23/4/2018 - 14:16

(PLO)- Bị ngưng dự án nạo vét tận thu cát xuất khẩu sang Singapore, chủ dự án đòi tỉnh Bình Thuận phải trả lại 4 tỉ đồng... đã hỗ trợ!

Ngày 23-4, tin từ UBND tỉnh Bình Thuận cho biết, ông Nguyễn Ngọc Hai, Chủ tịch UBND tỉnh vừa ký văn bản gởi Sở KH&ĐT; Sở Tài chính tỉnh và Công ty Đầu tư Thương mại Xuất nhập khẩu Đại Nam Việt (Công ty Đại Nam Việt).

Bị ngưng dự án, chủ đầu tư đòi lại 4 tỉ đồng hỗ trợ - ảnh 1
Người dân tập trung phản đối dự án

Theo đó, chủ tịch tỉnh đồng ý chủ trương chấm dứt hoạt động nạo vét, thông luồng cửa biển Hồ Lân (xã Tân Thắng, Hàm Tân) của Công ty Đại Việt nguyên nhân do nhân dân địa phương không đồng thuận. Chủ tịch tỉnh giao Sở KH&ĐT thực hiện các thủ tục chấm dứt hoạt động và thu hồi dự án.

Đặc biệt, đối với văn bản của Công ty Đại Nam Việt yêu cầu tỉnh Bình Thuận phải trả lại 4 tỷ đồng mà Công ty này đã nộp hỗ trợ vào ngân sách theo cam kết, UBND tỉnh yêu cầu cần rà soát lại. Cụ thể yêu cầu Sở KH&ĐT; Tài chính rà soát nội dung cam kết của Công ty Đại Nam Việt , tham mưu tỉnh việc có nên hoàn trả lại số tiền 4 tỷ đồng hay không. Trường hợp phải hoàn trả thì đề xuất nguồn kinh phí hoàn trả, báo cáo UBND tỉnh trước ngày 30-4.

Trước đó, đầu năm 2013, Công ty Đại Nam Việt được thực hiện dự án nạo vét cửa biển Hồ Lân kết hợp tận thu cát nhiễm mặn. Thời gian thực hiện nạo vét kéo dài đến cuối năm và khối lượng cát biển được Bộ Xây dựng đồng ý cho tận thu xuất sang Singapore là hơn 800.000 m3.

Dự án đã vấp phải phản ứng gay gắt của người dân địa phương bởi cửa biển Hồ Lân giáp với sông Cô Kiều là nơi neo đậu tàu thuyền của bà con ngư dân. Sau khi công ty này hoạt động, luồng lạch chưa thông nhưng ghe thuyền đã mất chỗ neo đậu.

Mặt khác, để tận thu cát biển, công ty đưa máy móc, cơ giới vào khai thác gây sạt lở bờ biển nghiêm trọng. Do tác động của dòng chảy, sóng biển xâm thực vào đất liền đe dọa nhiều hồ nuôi tôm, uy hiếp trực tiếp nhiều nhà dân ở các làng chài và có nguy cơ xóa sổ bãi tắm của dân.

Người dân liên tục kiến nghị nhưng công ty không khắc phục mà còn tăng cường thêm phương tiện khai thác nhiều hơn. Đỉnh điểm là cuối tháng 5-2014, vì quá bức xúc, hàng trăm người dân các thôn Hồ Lân, Gò Găng, Hiệp Hòa đã bao vây doanh nghiệp này yêu cầu ngừng nạo vét…

Báo cáo của Sở Xây dựng tỉnh Bình Thuận cho biết thêm Công ty Đại Nam Việt đã nạo vét và tận dụng hơn 120.000 m3 cát biển xuất bán ra nước ngoài. Tuy nhiên, mục tiêu chính của dự án là nạo vét luồng lạch cho ghe thuyền ra vào cửa biển Hồ Lân thì vẫn bị bồi lấp…

Ông Nguyễn Văn Tính, ngư dân địa phương, cho biết: “Từ khi dự án này bắt đầu cho đến khi chấm dứt thì cửa biển, bờ biển tồi tệ hơn, còn chủ đầu tư đã bán được cả trăm ngàn khối cát”!

Trước đó, UBND tỉnh Bình Thuận cũng đã có thông báo việc này. Theo đó, việc tiếp tục triển khai dự án là không hiệu quả. Dự án đầu tư và hồ sơ thiết kế nạo vét đã không đánh giá xác định chính xác nhu cầu nạo vét tại khu vực cửa sông, cửa biển Hồ Lân.

Dự án không phân tích, đánh giá rõ hiệu quả kinh tế so với việc nạo vét, thông luồng dẫn đến hồ sơ thiết kế nhiều lần điều chỉnh nhưng đến nay vẫn chưa được nhân dân đồng thuận. UBND tỉnh thống nhất chấm dứt dự án theo ý kiến của chủ đầu tư là Công ty Đầu tư Thương mại Xuất nhập khẩu Đại Nam Việt bởi việc này là cần thiết vì hầu hết hồ sơ liên quan đều đã hết hạn.

Được biết, sau khi có thông báo này, Công ty Đại Nam Việt liền có văn bản “đòi’ lại số tiền 4 tỷ đồng nói trên.

PHƯƠNG NAM



Tin tức liên quan

  • Quảng Ngãi định giao cho FLC những loại đất nào?
  • 23/04/2018 14:41 GMT+7
  • TTO - Đất trồng tỏi, trồng lúa, khu dân cư, đồn biên phòng, chùa, mặt biển với nhiều danh thắng nhường chỗ cho Dự án "Quần thể du lịch nghỉ dưỡng và đô thị FLC Bình Châu - Lý Sơn". Họ định làm gì?

  • Dân hoang mang khi chủ đầu tư đòi đổi địa điểm dự án gần 4 nghìn tỷ tại Thanh Hóa
  • Thứ năm, 26/04/2018 - 07:43
  • Dự án chăn nuôi bò sữa và chế biến sữa tập trung quy mô công nghiệp được UBND tỉnh Thanh Hóa chấp thuận đầu tư. Công tác kiểm kê, giải phóng mặt bằng đã cơ bản hoàn tất, nhưng chủ đầu tư bất ngờ xin không thực hiện dự án tại vị trí đã được chấp thuận vì kinh phí bồi thường quá lớn khiến người dân hết sức hoang mang.

  • Dự án chết và món nợ 750 tỷ đồng dần bị lãng quên
  • Thứ năm, 26/04/2018 - 06:47
  • Dự án Nhà máy gang thép Vạn Lợi có mức đầu tư hơn 1.700 tỷ đồng, triển khai được vài năm thì khai tử. Nhiều ngân hàng nhà nước ôm khối nợ hơn 750 tỷ đồng. Sự việc gây bức xúc trong dư luận thế nhưng những gì liên quan đến dự án này dần bị quên lãng…

  • Dự án nghìn tỷ thành... đống sắt vụn khổng lồ!
  • Thứ năm, 03/05/2018 - 09:02
  • Gần 1.000 tỷ đồng đã được đầu tư vào dự án thế nhưng đến nay đã tròn 10 năm, Dự án gang thép Vạn Lợi (thị xã Kỳ Anh, Hà Tĩnh) biến thành đống sắt vụn khổng lồ. Trong đó số tiền hơn 750 tỷ đồng các ngân hàng nhà nước đã giải ngân rất khó thu hồi lại…


Hãy để GOOGLE hỗ trợ bạn
TÌNH HUỐNG HOT TRONG NGÀY