Bắt tất cả thí sinh thi THPT có cần thiết?

Thứ Năm, ngày 18/7/2019 - 06:40

(PL)- Phương thức thi THPT quốc gia sẽ ổn định đến năm 2020. Bộ GD&ĐT đang chỉ đạo nghiên cứu, khảo sát để có lộ trình cho những năm tiếp theo.

“Hằng năm, số liệu tốt nghiệp THPT tổng hợp về đều trên 90%. Vì vậy, việc bắt tất cả thí sinh đều đi thi nhiều khi không cần thiết”. TS Lê Trường Tùng, Chủ tịch HĐQT Trường ĐH FPT, phát biểu như trên tại hội nghị trực tuyến với các địa phương về công tác tuyển sinh năm 2019 và thực hiện Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục ĐH do Bộ GD&ĐT tổ chức ngày 17-7.

94,06% đậu tốt nghiệp THPT

Tại hội nghị, TS Nguyễn Thị Kim Phụng, Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH, cho biết kỳ thi THPT quốc gia năm 2019 được tổ chức an toàn, nghiêm túc, đúng kế hoạch đề ra. Kết quả tốt nghiệp THPT của cả nước đạt 94,06%. Việc phân tích sâu phổ điểm của các tỉnh cho thấy kết quả thi đã phản ánh trung thực chất lượng giáo dục của các địa phương, phù hợp với điều kiện kinh tế-xã hội của các địa phương, các vùng, miền.

Về chỉ tiêu tuyển sinh, năm 2019 có tất cả 489.637 chỉ tiêu, trong đó chỉ tiêu xét tuyển bằng kết quả thi THPT quốc gia là 341.840, chỉ tiêu theo phương thức xét học bạ, đánh giá năng lực, kết hợp... là 147.797. Chỉ tiêu sư phạm là 46.285, bằng 73% nhu cầu của các tỉnh.

“Với chỉ tiêu này không nên quá lo lắng về việc có nhiều người học ĐH. Bởi thực tế, tỉ lệ người học ĐH/độ tuổi học ĐH của Việt Nam thuộc mức thấp trong khu vực, trong khi đó nhu cầu lao động trình độ ĐH sẽ tăng trước cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Nếu Việt Nam không đào tạo đủ nguồn nhân lực trình độ ĐH, đảm bảo chất lượng thì nhà đầu tư sẽ sử dụng lao động của các nước khác” - bà Phụng cho biết.

Bà Phụng cũng lưu ý: “Năm nay rất ít thí sinh đăng ký nguyện vọng vào các trường trung cấp, do đó các trường phải chủ động báo cáo, tránh tình trạng như năm ngoái một số trường chỉ có vài em đăng ký, sau đó trường phải nâng điểm trúng tuyển lên để các em đều trượt” - vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH lưu ý. Ngoài ra, TS Phụng cũng lưu ý các trường không nên mất sức nghĩ ra các tổ hợp mới, các ngành mới lạ để thu hút thí sinh bởi thống kê của Bộ cho thấy các tổ hợp mới, lạ chỉ chiếm chưa đến 10% số lượng thí sinh đăng ký.

Bắt tất cả thí sinh thi THPT có cần thiết? - ảnh 1
Thí sinh tham dự kỳ thi THPT quốc gia 2019. Ảnh: PHAN YÊN

Chỉ tổ chức thi tốt nghiệp cho 30% thí sinh có học lực thấp?

Tại hội nghị, nhiều ý kiến về việc thay đổi tỉ trọng xét tốt nghiệp THPT đã được các đại biểu đưa ra. Cụ thể, ông Lê Trường Tùng, Chủ tịch HĐQT Trường ĐH FPT, cho rằng hằng năm số liệu tốt nghiệp THPT tổng hợp về đều trên 90%, giống như một thông lệ. “Nên chăng chúng ta thay đổi cách thức không cần phải thi với số lượng quá đông như hiện nay, mà thay bằng số lượng thí sinh thi ít hơn” - ông Tùng nói.

Ông Tùng lấy ví dụ, chẳng hạn đối với các địa phương, chỉ tổ chức thi tốt nghiệp quốc gia đánh giá cho 30% số lượng thí sinh có học lực thấp nhất. Danh sách này là của các trường đưa lên. Còn lại 70% số học sinh có học lực khá ủy quyền cho địa phương đặc cách xem xét cho tốt nghiệp luôn.

“Việc bắt tất cả thí sinh đều đi thi nhiều khi không cần thiết. Việc thí sinh phải thi, thí sinh không phải thi sẽ tạo cơ chế giám sát để xã hội và các trường không dễ dàng thay đổi kết quả, nhằm đảm bảo công bằng trong học tập. Khi không phải thí sinh nào cũng phải thi tương đương không có điểm thi sẽ tạo ra sự áp lực để đẩy trường đại học vào việc tự chủ tuyển sinh lớn hơn” - ông Tùng đánh giá.

Về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ cho biết kỳ thi THPT quốc gia là để đánh giá chuẩn đầu ra của học sinh phổ thông về kiến thức, kỹ năng sau 12 năm học phổ thông. Năm nay, tỉ lệ tốt nghiệp thấp hơn năm trước, có tỉnh chỉ đạt 70%, phản ánh dần đến thực chất.

Kỳ thi không chỉ thuần túy là công nhận tốt nghiệp, càng không phải chỉ phục vụ xét tốt nghiệp, vào ĐH, CĐ mà quan trọng là để đánh giá chất lượng từng môn học, hướng tới giáo dục toàn diện; từ đó, yếu và thiếu ở khâu nào, địa phương nào sẽ có chính sách phù hợp. Phương thức thi THPT quốc gia, theo bộ trưởng, sẽ ổn định đến năm 2020, Bộ GD&ĐT đang chỉ đạo nghiên cứu, khảo sát để có lộ trình cho những năm tiếp theo.

MAI HIỀN



Tin tức liên quan

  • Thi THPT quốc gia trên máy tính: có giảm bớt tiêu cực thi cử?
  • 26/09/2019 07:57
  • Đề xuất hướng đến việc thi THPT quốc gia trên máy tính do các trung tâm khảo thí độc lập tổ chức nhiều lần trong năm đã được nhiều thành viên của Hội đồng quốc gia giáo dục ủng hộ tại phiên họp do Phó thủ tướng Vũ Đức Đam chủ trì ngày 25-9.

  • Thi tốt nghiệp THPT năm nay có gì mới?
  • 22/04/2020 09:15
  • Kỳ thi dự kiến diễn ra tháng 8-2020 với các môn Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ và 1 trong 2 bài thi tổ hợp (Khoa học tự nhiên hoặc Khoa học xã hội). Bài thi tổ hợp sẽ chỉ có 1 đầu điểm chung chứ không riêng như các năm trước.

  • Thi tốt nghiệp THPT năm 2020 diễn ra trong 1,5 ngày
  • 22/04/2020 11:20
  • Hôm nay 22-4, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Hữu Độ đã chia sẻ với báo chí về phương án thi tốt nghiệp THPT năm 2020 sau khi đã thống nhất tại cuộc họp với Phó thủ tướng Vũ Đức Đam một ngày trước.


Hãy để GOOGLE hỗ trợ bạn
TÌNH HUỐNG HOT TRONG NGÀY