5 Nhóm điểm mới quan trọng của Luật Đất đai sửa đổi bao gồm những nội dung nào? Luật Đất đai mới được thông qua khi nào có hiệu lực?
5 Nhóm điểm mới quan trọng của Luật Đất đai sửa đổi vừa được thông qua trong Kỳ họp Quốc hội bất thường lần 5?
Ngày 18/01, tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Quốc hội bế mạc Kỳ họp bất thường lần thứ 5. Với đa số phiếu tán thành Quốc hội đã thông qua Luật Đất đai (sửa đổi).
Chia sẻ với phóng viên tại cuộc Họp báo về kết quả Kỳ họp bất thường lần thứ 5, Quốc hội khóa XV (sáng 18/01), Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Phan Đức Hiếu cho biết, có hàng trăm điểm mới trong Luật Đất đai (sửa đổi) vừa được thông qua, trong đó có thể khu trú lại thành 5 nhóm điểm mới quan trọng, có tác động đến các tầng lớp Nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp.
Về những điểm mới trong Luật Đất đai (sửa đổi) vừa được Quốc hội thông qua, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Phan Đức Hiếu khẳng định: “Nếu liệt kê chi li, có hàng trăm điểm mới trong Luật Đất đai (sửa đổi), nhưng trong quá trình nghiên cứu của cá nhân tôi, có 5 nhóm vấn đề mới”:
Nhóm vấn đề thứ nhất liên quan đến các quy định nhằm bảo vệ tốt hơn quyền và lợi ích hợp pháp của người sử dụng đất. Nhóm này có nhiều quy định, như mở rộng quyền sử dụng đất, tiếp cận đất đai đối với công dân Việt Nam, chính sách đất đai với đồng bào dân tộc thiểu số.
Nhóm vấn đề thứ hai liên quan đến tiếp cận đất đai của người dân và doanh nghiệp, trong đó có nhiều quy định mới, như: thu hồi đất phục vụ cho hạ tầng kinh tế - xã hội, phục vụ sản xuất kinh doanh – điều này được thiết kế mới, thể chế hoá đầy đủ Điều 54 của Hiến pháp là chỉ thu hồi đất trong trường hợp thật sự cần thiết; mở rộng quy định liên quan đến cơ chế thoả thuận về đất, chuyển mục đích sử dụng đất, người đang có đất; mở rộng quỹ đất; quỹ đất cho doanh nghiệp vừa và nhỏ; nguồn lực đất đai cho xây dựng nhà ở xã hội...
Nhóm vấn đề thứ ba liên quan đến quy định nâng cao hiệu quả sử dụng đất. Trong đó có quy định về đất sử dụng kết hợp đa mục đích; giới hạn, thu hẹp trường hợp phải xin phép; vấn đề nhận chuyển đổi đất nông nghiệp để tăng cơ hội tích tụ sản xuất quy mô lớn; vấn đề nhận chuyển nhượng đất trồng lúa với người không trực tiếp sản xuất nông nghiệp...
Nhóm vấn đề thứ tư, liên quan tài chính đất đai đã tách bạch vấn đề về định giá đất; chính sách hỗ trợ miễn giảm về đất; một số chính sách ổn định tiền thuê đất như là một hoạt động đầu vào của hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Nhóm vấn đề thứ năm, quy định mới nhằm nâng cao hiệu quả, hiệu lực quản lý Nhà nước đối với sử dụng đất đai, trong đó điểm đáng chú ý là cắt giảm thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp, ví dụ vấn đề liên quan đến nhận chuyển nhượng dự án bất động sản, gia hạn đất nông nghiệp.
Ngoài ra, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Phan Đức Hiếu cũng cho biết, một trong những điểm mới quan trọng trong Luật Đất đai (sửa đổi) là nâng cao chất lượng và cơ chế về thông tin dữ liệu đất đai để mọi người dân tiếp cận dễ dàng, đầy đủ hơn phục vụ đời sống, sản xuất kinh doanh.
Nguồn: Cổng thông tin điện tử Quốc hội
5 Nhóm điểm mới quan trọng của Luật Đất đai sửa đổi bao gồm những nội dung nào? (Hình từ Internet)
Luật Đất đai mới được thông qua khi nào có hiệu lực?
Tại khoản 1 Điều 252 Luật đất đai sửa đổi Tại đây quy định về hiệu lực thi hành như sau:
Hiệu lực thi hành
Luật này có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 01 năm 2025, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều này.
...
Như vậy, sau khi thông qua Luật đất đai sửa đổi tại kỳ họp Quốc hội bất thường ngày 15/01/2024. Luật Đất đai sửa đổi dự kiến sẽ có hiệu lực từ ngày 01/01/2025 trừ trường hợp quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 252 Luật đất đai sửa đổi.
Nội dung quản lý nhà nước về đất đai tại Luật Đất đai sửa đổi ra sao?
Theo Điều 20 Luật đất đai sửa đổi, nội dung quản lý nhà nước về đất đai dự kiến bao gồm:
(1) Ban hành và tổ chức thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật về quản lý, sử dụng đất đai.
(2) Tuyên truyền, phổ biến, giáo dục, đào tạo, nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ, hợp tác quốc tế trong quản lý, sử dụng đất đai.
(3) Xác định địa giới đơn vị hành chính, lập và quản lý hồ sơ địa giới đơn vị hành chính.
(4) Đo đạc, chỉnh lý, lập các bản đồ địa chính, bản đồ hiện trạng sử dụng đất, bản đồ quy hoạch sử dụng đất và các bản đồ chuyên ngành về quản lý, sử dụng đất.
(5) Điều tra, đánh giá và bảo vệ, cải tạo, phục hồi đất đai.
(6) Lập, điều chỉnh, quản lý quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất.
(7) Giao đất, cho thuê đất, thu hồi đất, công nhận quyền sử dụng đất, trưng dụng đất, chuyển mục đích sử dụng đất.
(8) Điều tra, xây dựng bảng giá đất, giá đất cụ thể, quản lý giá đất.
(9) Quản lý tài chính về đất đai.
(10) Bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi thu hồi đất, trưng dụng đất.
(11) Phát triển, quản lý và khai thác quỹ đất.
(12) Đăng ký đất đai, lập và quản lý hồ sơ địa chính; cấp, đính chính, thu hồi, hủy giấy chứng nhận.
(13) Thống kê, kiểm kê đất đai.
(14) Xây dựng, quản lý, khai thác Hệ thống thông tin quốc gia về đất đai.
(15) Quản lý, giám sát việc thực hiện quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất.
(16) Giải quyết tranh chấp đất đai; giải quyết khiếu nại, tố cáo về đất đai.
(17) Cung cấp, quản lý hoạt động dịch vụ công về đất đai.
(18) Thanh tra, kiểm tra, giám sát, theo dõi, đánh giá việc chấp hành quy định của pháp luật về đất đai và xử lý vi phạm pháp luật về đất đai.
LawNet
- Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của Law Net Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email:info@lawnet.vn
- Nội dung bài viết chỉ mang tính chất tham khảo;
- Bài viết có thể được sưu tầm từ nhiều nguồn khác nhau;
- Điều khoản được áp dụng có thể đã hết hiệu lực tại thời điểm bạn đang đọc;
- Mọi ý kiến thắc mắc về bản quyền của bài viết vui lòng liên hệ qua địa chỉ mail banquyen@lawnet.vn;