Trái phiếu và cổ phiếu khác nhau như thế nào? Hồ sơ chào bán trái phiếu doanh nghiệp gồm những gì?
Thế nào là cổ phiếu và trái phiếu theo quy định pháp luật?
Căn cứ tại khoản 1 Điều 121 Luật Doanh nghiệp 2020 thì Cổ phiếu là chứng chỉ do công ty cổ phần phát hành, bút toán ghi sổ hoặc dữ liệu điện tử xác nhận quyền sở hữu một hoặc một số cổ phần của công ty đó.
Đồng thời, theo quy định tại khoản 2 Điều 4 Luật chứng khoán 2019, cổ phiếu là loại chứng khoán xác nhận quyền và lợi ích hợp pháp của người sở hữu đối với một phần vốn cổ phần của tổ chức phát hành.
Căn cứ tại khoản 3 Điều 4 Luật chứng khoán 2019 thì Trái phiếu là loại chứng khoán xác nhận quyền và lợi ích hợp pháp của người sở hữu đối với một phần nợ của tổ chức phát hành.
Trái phiếu và cổ phiếu khác nhau như thế nào? Hồ sơ chào bán trái phiếu doanh nghiệp gồm những gì?
Trái phiếu và cổ phiếu khác nhau như thế nào?
Nhìn chung trên thị trường chứng khoán hiện nay, cổ phiếu và trái phiếu đều có sự tương đồng với nhau về nhiều mặt.
Thứ nhất, cả cổ phiếu và trái phiếu đều được phát hành nhằm mục đích huy động vốn.
Thứ hai, cổ phiếu và trái phiếu đều được thể hiện dưới hình thức dữ liệu điện tử, bút toán ghi sổ hoặc chứng chỉ (giấy tờ có giá)
Thứ ba, cả hai đều là loại chứng khoán xác nhận quyền và lợi ích hợp pháp của người sở hữu đối với tài sản hay phần vốn của tổ chức phát hành.
Thứ tư, cả hai loại đều có thể trao đổi, chuyển nhượng, mua bán và thế chấp, thừa kế, cầm cố.
Phân biệt được rõ ràng sự khác nhau giữa hai loại dựa vào các tiêu chí dưới đây:
Tiêu chí | Trái phiếu | Cổ phiếu |
Khái niệm | Trái phiếu là loại chứng khoán xác nhận quyền, lợi ích hợp pháp của người sở hữu đối với một phần vốn nợ của tổ chức phát hành trái phiếu | Cổ phiếu là loại chứng khoán xác nhận quyền, lợi ích hợp pháp của người sở hữu đối với một phần vốn cổ phần của tổ chức phát hành cổ phiếu. |
Bản chất | Là chứng khoán nợ, ghi nợ của tổ chức phát hành và quyền sở hữu đối với một phần vốn vay của chủ sở hữu. | Ghi nhận quyền sở hữu đối với một phần vốn điều lệ công ty. |
Chủ thể phát hành | Công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn, Chính phủ. (khoản 3 Điều 111 Luật Doanh nghiệp 2020; Điều 2 Nghị định 153/2020/NĐ-CP; khoản 1 Điều 2 Nghị định 01/2011/NĐ-CP) | Chỉ có Công ty cổ phần có quyền phát hành cả cổ phiếu |
Tư cách chủ sở hữu | Chủ nợ | Cổ đông của công ty cổ phần |
Quyền của chủ sở hữu | Người sở hữu trái phiếu (trái chủ) được trả lãi định kì với lãi suất ổn định mà không phụ thuộc vào kết quả kinh doanh của tổ chức, doanh nghiệp. | Cổ đông được chia lợi nhuận (cổ tức). Cổ tức phụ thuộc vào kết quả kinh doanh của công ty cổ phần do đó không có tính ổn định. Cổ đông có quyền tham gia quản lý, điều hành hoạt động công ty và tham gia các vấn đề của công ty (Trừ cổ đông ưu đãi cổ tức, cổ đông ưu đãi hoàn lại) |
Thời gian đáo hạn | Có thời gian nhất định ghi trong trái phiếu | Không có thời gian đáo hạn. |
Kết quả của việc phát hành | Tăng vốn vay và nghĩa vụ trả nợ nhưng không làm thay đổi cơ cấu cổ phần. | Tăng vốn điều lệ của doanh nghiệp cổ phần, thay đổi cơ cấu cổ phần của cổ đông. |
Lợi nhuận | Rủi ro thấp. Doanh nghiệp phải trả nợ cố định. Không phụ thuộc vào việc hoạt động kinh doanh của công ty có lãi hay không. | Rủi ro cao. Cổ tức phụ thuộc vào kết quả kinh doanh. Hoạt động kinh doanh có lãi thì mới được chia cổ tức. |
Thứ tự ưu tiên thanh toán | Khi doanh nghiệp giải thể hoặc phá sản thì trái phiếu được ưu tiên thanh toán gốc lẫn lãi. | Khi doanh nghiệp giải thể hay phá sản thì cổ đông chỉ được trả lại phần vốn góp sau khi đã thanh toán hết mọi nghĩa vụ và mọi khoản nợ của công ty. |
Trách nhiệm khi doanh nghiệp giải thể/phá sản | Trái chủ không phải chịu trách nhiệm với các khoản nợ của doanh nghiệp | Cổ đông phải có trách nhiệm với khoản nợ của doanh nghiệp tương ứng với tỷ lệ vốn góp của mình. |
Hồ sơ chào bán trái phiếu doanh nghiệp gồm những gì?
Căn cứ theo khoản 2 Điều 12 Nghị định 153/2020/NĐ-CP, khoản 3 Điều 12 Nghị định 153/2020/NĐ-CP được sửa đổi bởi khoản 9 Điều 1 Nghị định 65/2022/NĐ-CP quy định về hồ sơ chào bán trái phiếu như sau:
Hồ sơ chào bán trái phiếu
...
2. Hồ sơ chào bán trái phiếu bao gồm các tài liệu cơ bản sau:
a) Phương án phát hành trái phiếu theo quy định tại khoản 1 Điều 13 Nghị định này;
b) Tài liệu chứng minh việc đáp ứng đầy đủ các điều kiện chào bán trái phiếu quy định tại Điều 9 và Điều 10 Nghị định này;
c) Tài liệu công bố thông tin về đợt chào bán trái phiếu theo quy định tại Nghị định này và hướng dẫn của Bộ Tài chính;
d) Hợp đồng ký kết giữa doanh nghiệp phát hành với các tổ chức cung cấp dịch vụ liên quan đến đợt chào bán trái phiếu, bao gồm:
- Hợp đồng ký kết với tổ chức tư vấn về hồ sơ chào bán trái phiếu;
- Hợp đồng ký kết với tổ chức đấu thầu, bảo lãnh, đại lý phát hành trái phiếu phù hợp với phương thức phát hành trái phiếu quy định tại Điều 14 Nghị định này, ngoại trừ trường hợp tổ chức tín dụng bán trực tiếp cho nhà đầu tư mua trái phiếu;
- Hợp đồng ký kết với đại diện người sở hữu trái phiếu theo quy định của pháp luật chứng khoán (nếu có) để giám sát việc thực hiện các cam kết của doanh nghiệp phát hành. Trường hợp chào bán trái phiếu cho nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp là cá nhân, hồ sơ chào bán trái phiếu phải bao gồm hợp đồng ký kết với Đại diện người sở hữu trái phiếu theo quy định tại khoản 7 Điều 14 Nghị định này và quy định của pháp luật chứng khoán;
- Hợp đồng ký kết với đại lý quản lý tài sản bảo đảm đối với trái phiếu có bảo đảm (nếu có);
- Hợp đồng ký kết với các tổ chức khác liên quan đến đợt chào bán trái phiếu (nếu có).
đ) Các báo cáo định kỳ về tình hình sử dụng số tiền thu được từ việc phát hành trái phiếu đối với trái phiếu còn dư nợ theo quy định tại điểm c khoản 2 Điều 21 Nghị định này.
e) Kết quả xếp hạng tín nhiệm đối với doanh nghiệp phát hành trái phiếu nếu doanh nghiệp phát hành thuộc các trường hợp phải xếp hạng tín nhiệm và thời điểm áp dụng theo quy định tại khoản 2 Điều 19 và khoản 3 Điều 310 Nghị định số 155/2020/NĐ-CP.
g) Quyết định phê duyệt, chấp thuận phương án phát hành trái phiếu;
h) Văn bản chấp thuận của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật chuyên ngành (nếu có);
i) Văn bản xác nhận của ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài về việc doanh nghiệp mở tài khoản để nhận tiền mua trái phiếu không chuyển đổi không kèm chứng quyền hoặc mở tài khoản phong tỏa để nhận tiền mua trái phiếu chuyển đổi, trái phiếu kèm chứng quyền của đợt chào bán. Trường hợp doanh nghiệp phát hành là ngân hàng thương mại, phải có văn bản tự xác nhận của ngân hàng đó về việc đã nhận đủ tiền thu từ phát hành trái phiếu;
k) Đối với chào bán trái phiếu chuyển đổi, trái phiếu kèm chứng quyền của công ty đại chúng, công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ đầu tư chứng khoán, ngoài các tài liệu quy định tại điểm a, điểm b, điểm c, điểm d, điểm đ, điểm e, điểm g, điểm h và điểm i khoản này hồ sơ chào bán trái phiếu còn bao gồm:
- Giấy đăng ký chào bán theo mẫu tại Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định này.
- Bản sao Quyết định của Đại hội đồng cổ đông/Hội đồng quản trị phê duyệt hồ sơ chào bán trái phiếu.
- Cam kết của doanh nghiệp về việc không vi phạm quy định về sở hữu chéo theo quy định của Luật Doanh nghiệp tại thời điểm chuyển đổi trái phiếu thành cổ phiếu và thời điểm thực hiện quyền của chứng quyền.
l) Đối với trái phiếu có bảo đảm, ngoài các tài liệu quy định tại điểm a, điểm b, điểm c, điểm d, điểm đ, điểm e, điểm g, điểm h, điểm i và điểm k khoản này, hồ sơ chào bán trái phiếu phải bao gồm tài liệu về tình trạng pháp lý của tài sản bảo đảm, tài liệu định giá tài sản bảo đảm bởi tổ chức có chức năng thẩm định giá và tài liệu về việc đăng ký biện pháp bảo đảm theo quy định của pháp luật về đăng ký biện pháp bảo đảm, tài liệu, thông tin về thứ tự thanh toán của nhà đầu tư nắm giữ trái phiếu khi xử lý tài sản bảo đảm để thanh toán nợ.
m) Văn bản xác nhận của nhà đầu tư mua trái phiếu theo quy định tại điểm d khoản 2 Điều 8 Nghị định này.
n) Văn bản của tổ chức đấu thầu, bảo lãnh, đại lý phát hành trái phiếu xác nhận tiền thu được từ chào bán trái phiếu đã được chuyển vào tài khoản nhận tiền mua trái phiếu của doanh nghiệp phát hành. Trường hợp doanh nghiệp phát hành là ngân hàng thương mại, phải có văn bản tự xác nhận của ngân hàng đó về việc đã nhận đủ tiền thu từ phát hành trái phiếu.
o) Các văn bản khác liên quan đến đợt chào bán trái phiếu (nếu có).
3. Hồ sơ chào bán trái phiếu thành nhiều đợt ngoài các tài liệu quy định tại khoản 2 Điều này còn bao gồm:
a) Tài liệu về dự án hoặc kế hoạch sử dụng vốn làm nhiều đợt;
b) Cập nhật tình hình chào bán và sử dụng vốn trái phiếu từ các đợt chào bán trước theo phương án phát hành trái phiếu;
c) Cập nhật về tình hình tài chính của doanh nghiệp phát hành trong trường hợp đợt chào bán sau cách đợt chào bán trước từ 03 tháng trở lên và trường hợp đợt chào bán sau khác năm tài chính với đợt chào bán trước.
Như vậy, để khi chào bán trái phiếu doanh nghiệp thì cần chuẩn hồ sơ gồm các giấy tờ theo quy định trên.
LawNet
- Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của Law Net Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email:info@lawnet.vn
- Nội dung bài viết chỉ mang tính chất tham khảo;
- Bài viết có thể được sưu tầm từ nhiều nguồn khác nhau;
- Điều khoản được áp dụng có thể đã hết hiệu lực tại thời điểm bạn đang đọc;
- Mọi ý kiến thắc mắc về bản quyền của bài viết vui lòng liên hệ qua địa chỉ mail banquyen@lawnet.vn;