Tăng mức phạt đối với hành vi vi phạm đăng ký và đào tạo sĩ quan dự bị lên đến 30.000.000 đồng?
- Theo pháp luật hiện hành, hành vi vi phạm quy định về đăng ký sĩ quan dự bị mức phạt là bao nhiêu?
- Sắp tới, từ ngày 22/7/2022, mức phạt hành vi vi phạm quy định về đăng ký sĩ quan dự bị như thế nào?
- Theo pháp luật hiện hành, mức phạt hành vi vi phạm quy định về đào tạo sĩ quan dự bị như thế nào?
- Sắp tới, từ ngày 22/7/2022, mức phạt hành vi vi phạm quy định về đào tạo sĩ quan dự bị như thế nào?
Theo pháp luật hiện hành, hành vi vi phạm quy định về đăng ký sĩ quan dự bị mức phạt là bao nhiêu?
Theo Điều 10 Nghị định 120/2013/NĐ-CP quy định về vi phạm quy định về đăng ký sĩ quan dự bị như sau:
"Điều 10. Vi phạm quy định về đăng ký sĩ quan dự bị
1. Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.500.000 đồng đối với hành vi khi chuyển nơi cư trú hoặc nơi làm việc mà không đăng ký vào ngạch sĩ quan dự bị tại cơ quan quân sự địa phương nơi cư trú hoặc cơ quan quân sự địa phương nơi đóng trụ sở của cơ quan, tổ chức đã chuyển đến.
2. Biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc chấp hành việc đăng ký vào ngạch sĩ quan dự bị đối với hành vi quy định tại Khoản 1 Điều này."
Như vậy, đối với hành vi không đăng ký vào ngạch sĩ quan dự bị tại cơ quan quân sự địa phương bị phạt 500.000 đồng đến 1.500.000 đồng.
Sắp tới, từ ngày 22/7/2022, mức phạt hành vi vi phạm quy định về đăng ký sĩ quan dự bị như thế nào?
Theo khoản 11 Điều 1 Nghị định 37/2022/NĐ-CP sửa đổi Điều 10 Nghị định 120/2013/NĐ-CP quy định về xử phạt hành chính đối với hành vi vi phạm không đăng ký vào ngạch sĩ quan dự bị như sau:
“Điều 10. Vi phạm quy định về đăng ký sĩ quan dự bị
1. Phạt tiền từ 8.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:
a) Không đăng ký sĩ quan dự bị lần đầu;
b) Không đăng ký bổ sung khi có sự thay đổi về bản thân và gia đình;
c) Không thực hiện đăng ký khi thay đổi nơi cư trú hoặc nơi làm việc, học tập theo quy định;
d) Không đăng ký vắng mặt tại nơi cư trú hoặc nơi công tác.”.
Như vậy, từ ngày 22/7/2022, đối với hành vi không đăng ký vào ngạch sĩ quan dự bị tại cơ quan quân sự địa phương bị phạt từ 8.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng.
Tăng mức phạt đối với hành vi vi phạm đăng ký và đào tạo sĩ quan dự bị lên đến 30.000.000 đồng?
Theo pháp luật hiện hành, mức phạt hành vi vi phạm quy định về đào tạo sĩ quan dự bị như thế nào?
Theo Điều 11 Nghị định 120/2013/NĐ-CP quy định về vi phạm quy định về đào tạo sĩ quan dự bị như sau:
"Điều 11. Vi phạm quy định về đào tạo sĩ quan dự bị
1. Phạt tiền từ 800.000 đồng đến 1.200.000 đồng đối với hành vi không có mặt đúng thời gian hoặc địa điểm ghi trong giấy gọi kiểm tra sức khỏe để tuyển chọn hoặc quyết định đi đào tạo sĩ quan dự bị mà không có lý do chính đáng.
2. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với hành vi không bố trí sắp xếp thời gian, không tạo điều kiện cho công dân thực hiện giấy gọi kiểm tra sức khỏe để tuyển chọn hoặc quyết định đi đào tạo sĩ quan dự bị.
3. Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 4.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau:
a) Người khám sức khỏe gian dối làm sai lệch kết quả phân loại sức khỏe của mình nhằm trốn tránh nghĩa vụ đi đào tạo sỹ quan dự bị;
b) Đưa tiền hoặc các lợi ích vật chất khác cho cán bộ, nhân viên y tế để làm sai lệch kết quả phân loại sức khỏe của người khám sức khỏe thực hiện nghĩa vụ đi đào tạo sỹ quan dự bị;
c) Cán bộ, nhân viên y tế cố ý làm sai lệch các yếu tố về sức khỏe của người kiểm tra sức khỏe thực hiện nghĩa vụ đi đào tạo sĩ quan dự bị.
4. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi không tiếp nhận lại sỹ quan dự bị đi đào tạo trở về cơ quan, tổ chức cũ làm việc.
5. Biện pháp khắc phục hậu quả:
a) Buộc chấp hành giấy gọi kiểm tra sức khỏe để tuyển chọn hoặc buộc chấp hành quyết định đi đào tạo sĩ quan dự bị đối với hành vi quy định tại Khoản 1 Điều này;
b) Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp mà cán bộ, nhân viên y tế có được đối với hành vi quy định tại Điểm b Khoản 3 Điều này;
c) Buộc thực hiện lại việc kiểm tra sức khỏe đối với người được kiểm tra sức khỏe thực hiện nghĩa vụ đi đào tạo sỹ quan dự bị đối với hành vi quy định tại Điểm a, Điểm b, Điểm c Khoản 3 Điều này;
d) Buộc tiếp nhận lại sỹ quan dự bị đi đào tạo trở về cơ quan, tổ chức cũ làm việc đối với hành vi quy định tại Khoản 4 Điều này."
Như vậy, hiện nay pháp luật quy định về các mức phạt đối với hành vi vi phạm quy định về đào tạo sĩ quan dự bị như trên.
Sắp tới, từ ngày 22/7/2022, mức phạt hành vi vi phạm quy định về đào tạo sĩ quan dự bị như thế nào?
Theo khoản 12 Điều 1 Nghị định 37/2022/NĐ-CP sửa đổi Điều 11 Nghị định 120/2013/NĐ-CP quy định về xử phạt hành chính đối với hành vi vi phạm quy định về đào tạo sĩ quan dự bị như sau:
“Điều 11. Vi phạm quy định về đào tạo sĩ quan dự bị
1. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 12.000.000 đồng đối với hành vi không có mặt đúng thời gian hoặc địa điểm ghi trong giấy triệu tập kiểm tra sức khỏe sĩ quan dự bị hoặc người được tuyển chọn đi đào tạo sĩ quan dự bị mà không có lý do chính đáng.
2. Phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:
a) Người được khám sức khỏe có hành vi gian dối làm sai lệch kết quả phân loại sức khỏe của mình nhằm trốn tránh thực hiện nghĩa vụ sĩ quan dự bị hoặc đi đào tạo sĩ quan dự bị;
b) Đưa tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác trị giá đến dưới 2.000.000 đồng cho cán bộ, nhân viên y tế hoặc người khác để làm sai lệch kết quả phân loại sức khỏe của người khám sức khỏe là sĩ quan dự bị hoặc người được tuyển chọn đi đào tạo sĩ quan dự bị.
3. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với hành vi không tiếp nhận lại sĩ quan dự bị đi đào tạo trở về cơ quan, tổ chức cũ làm việc.
4. Biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc tiếp nhận lại sĩ quan dự bị đi đào tạo trở về cơ quan, tổ chức cũ làm việc đối với hành vi quy định tại khoản 3 Điều này.”
Như vậy, từ ngày 22/7/2022, đối với hành vi vi phạm quy định về đào tạo sĩ quan dự bị mức phạt sẽ tăng lên đáng kể so với mức phạt cũ như trên.
LawNet
- Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của Law Net Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email:info@lawnet.vn
- Nội dung bài viết chỉ mang tính chất tham khảo;
- Bài viết có thể được sưu tầm từ nhiều nguồn khác nhau;
- Điều khoản được áp dụng có thể đã hết hiệu lực tại thời điểm bạn đang đọc;
- Mọi ý kiến thắc mắc về bản quyền của bài viết vui lòng liên hệ qua địa chỉ mail banquyen@lawnet.vn;