Trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị quản lý đối tượng tinh giản biên chế được quy định như thế nào?
Trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị quản lý đối tượng tinh giản biên chế được quy định như thế nào?
Trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị quản lý đối tượng tinh giản biên chế được quy định tại Điều 12 Nghị định 29/2023/NĐ-CP như sau:
Trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị trực tiếp quản lý đối tượng tinh giản biên chế
1. Triển khai tinh giản biên chế theo quy định tại Nghị định này.
2. Xây dựng kế hoạch tinh giản biên chế hàng năm theo hướng dẫn của cơ quan quản lý cấp trên.
3. Lập danh sách đối tượng tinh giản biên chế và dự toán số tiền trợ cấp cho từng đối tượng tinh giản biên chế trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.
4. Sau khi được cấp có thẩm quyền phê duyệt thì thực hiện giải quyết tinh giản biên chế và chi trả chính sách cho từng đối tượng tinh giản biên chế; đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế cho đối tượng hưởng chính sách tinh giản biên chế quy định điểm a khoản 2 Điều 7 Nghị định này.
5. Khi giải quyết tinh giản biên chế không đúng quy định, người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị trực tiếp quản lý đối tượng tinh giản biên chế phải chịu trách nhiệm:
a) Thông báo cho cơ quan bảo hiểm xã hội và các cơ quan có liên quan dừng thanh toán chế độ bảo hiểm xã hội và các chế độ khác cho đối tượng tinh giản biên chế không đúng quy định; chuyển cho cơ quan bảo hiểm xã hội số kinh phí đã chi trả cho người thực hiện tinh giản biên chế trong thời gian hưởng chế độ bảo hiểm xã hội (lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, kinh phí mua thẻ bảo hiểm y tế);
b) Chịu trách nhiệm thu hồi tiền hưởng chính sách tinh giản biên chế đã cấp cho đối tượng đó;
c) Chi trả cho người đã thực hiện tinh giản biên chế số tiền chênh lệch giữa tiền lương và các chế độ khác theo quy định của pháp luật với chế độ bảo hiểm xã hội đã được hưởng;
d) Xem xét xử lý trách nhiệm các cá nhân có liên quan; đồng thời chịu trách nhiệm theo quy định của pháp luật về việc thực hiện không đúng quy định về tinh giản biên chế.
Như vậy, theo quy định, người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị trực tiếp quản lý đối tượng tinh giản biên chế có các trách nhiệm sau:
- Triển khai tinh giản biên chế;
- Xây dựng kế hoạch tinh giản biên chế hàng năm;
- Lập danh sách đối tượng tinh giản biên chế và dự toán số tiền trợ cấp;
- Thực hiện giải quyết tinh giản biên chế và chi trả chính sách cho đối tượng tinh giản;
- Chịu trách nhiệm khi giải quyết tinh giản biên chế không đúng quy định.
Trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị quản lý đối tượng tinh giản biên chế được quy định như thế nào? (Hình từ Internet)
Có mấy nhóm đối tượng thực hiện tinh giản biên chế theo quy định mới?
Căn cứ tại Điều 2 Nghị định 29/2023/NĐ-CP, có 03 nhóm đối tượng thực hiện tinh giản biên chế như sau:
- Cán bộ, công chức, viên chức; cán bộ, công chức cấp xã và người làm việc theo chế độ hợp đồng lao động không xác định thời hạn;
- Người làm việc theo chế độ hợp đồng lao động không xác định thời hạn thực hiện các công việc chuyên môn nghiệp vụ thuộc danh mục vị trí việc làm chức danh nghề nghiệp chuyên ngành và vị trí việc làm chức danh nghề nghiệp chuyên môn dùng chung trong đơn vị sự nghiệp công lập;
- Người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã dôi dư do sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã và người hoạt động không chuyên trách ở thôn, tổ dân phố.
Ngoài ra, Nghị định 29/2023/NĐ-CP cũng đã bổ sung trường hợp tự nguyện tinh giản biên chế đối với người đang trong thời gian mang thai, nghỉ thai sản, đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi.
Nguyên tắc thực hiện tinh giản biên chế gồm những gì?
Căn cứ quy định tại Điều 3 Nghị định 29/2023/NĐ-CP như sau:
Nguyên tắc tinh giản biên chế
1. Bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng, phát huy vai trò giám sát của các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân trong quá trình thực hiện tinh giản biên chế.
2. Gắn tinh giản biên chế với sắp xếp tổ chức bộ máy theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả và cơ cấu lại, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức theo vị trí việc làm, phù hợp với cơ chế tự chủ của cơ quan, tổ chức, đơn vị.
3. Bảo đảm nguyên tắc tập trung dân chủ, khách quan, công bằng, công khai, minh bạch và theo quy định của pháp luật.
4. Bảo đảm chi trả chế độ, chính sách tinh giản biên chế kịp thời, đầy đủ theo quy định của pháp luật, bảo đảm sử dụng hiệu quả ngân sách nhà nước.
5. Người đứng đầu phải chịu trách nhiệm về kết quả thực hiện tinh giản biên chế trong cơ quan, tổ chức, đơn vị được giao quản lý theo thẩm quyền.
6. Đối tượng tinh giản biên chế nếu được bầu cử, tuyển dụng lại vào các cơ quan, tổ chức, đơn vị hưởng lương từ ngân sách nhà nước trong thời gian 60 tháng kể từ ngày thực hiện tinh giản biên chế thì phải hoàn trả lại số tiền trợ cấp đã nhận cho cơ quan, tổ chức, đơn vị đã chi trả trợ cấp.
Như vậy, việc tinh giản biên chế theo quy định mới được thực hiện theo 06 nguyên tắc nêu trên.
Nghị định 29/2023/NĐ-CP chính thức có hiệu lực từ ngày 20/7/2023. Trong đó, các chính sách tại Nghị định 29/2023/NĐ-CP sẽ được áp dụng đến hết ngày 31/12/2030.
LawNet
- Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của Law Net Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email:info@lawnet.vn
- Nội dung bài viết chỉ mang tính chất tham khảo;
- Bài viết có thể được sưu tầm từ nhiều nguồn khác nhau;
- Điều khoản được áp dụng có thể đã hết hiệu lực tại thời điểm bạn đang đọc;
- Mọi ý kiến thắc mắc về bản quyền của bài viết vui lòng liên hệ qua địa chỉ mail banquyen@lawnet.vn;