Giá xăng dầu được điều chỉnh theo nguyên tắc nào? Khi nào thực hiện điều chỉnh giá xăng dầu?

Giá xăng được điều chỉnh theo nguyên tắc nào? Khi nào thực hiện điều chỉnh giá xăng dầu? - Câu hỏi của chị Hải An (Hải Phòng)

Giá xăng được điều chỉnh theo nguyên tắc nào?

Theo quy định tại khoản 2 Điều 38 Nghị định 83/2014/NĐ-CP (được sửa đổi bởi khoản 27 Điều 1 Nghị định 95/2021/NĐ-CP) có quy định như sau:

Nguyên tắc điều hành giá xăng dầu
...
2. Thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu và thương nhân phân phối xăng dầu được quyền quyết định giá bán buôn. Căn cứ vào tình hình thực tế tại doanh nghiệp, thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu và thương nhân phân phối xăng dầu quyết định giá bán lẻ xăng dầu (riêng dầu madút là giá bán buôn) trong hệ thống phân phối của mình phù hợp với chi phí phát sinh thực tế tại doanh nghiệp và không cao hơn giá điều hành do cơ quan nhà nước có thẩm quyền công bố.
Đối với các địa bàn xa cảng, xa kho đầu mối, xa cơ sở sản xuất xăng dầu, nếu có chi phí thực tế phát sinh hợp lý, hợp lệ (đã được kiểm toán) tăng cao dẫn đến giá bán cao hơn giá điều hành, thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu được quyết định giá bán thực tế tại địa bàn đó (đã được thông báo với Bộ Công Thương) để bù đắp chi phí phát sinh nhưng không vượt quá 2% giá điều hành công bố cùng thời điểm.
Các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu, thương nhân phân phối xăng dầu có trách nhiệm thông báo giá bán với Bộ Công Thương, Bộ Tài chính ngay sau khi quyết định giá bán xăng dầu của doanh nghiệp.

Như vậy, giá bán tại các cửa hàng bán lẻ xăng dầu do thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu và thương nhân phân phối xăng dầu quyết định (trừ dầu madút), ngoài ra, giá bán sẽ không được cao hơn giá điều hành do cơ quan nhà nước có thẩm quyền công bố.

Giá xăng dầu được điều chỉnh theo nguyên tắc nào? Hoạt động kinh doanh xăng dầu tự phát có bị cấm không?

Giá xăng dầu được điều chỉnh theo nguyên tắc nào? Hoạt động kinh doanh xăng dầu tự phát có bị cấm không?

Khi nào thực hiện điều chỉnh giá xăng dầu?

Căn cứ tại khoản 3 Điều 38 Nghị định 83/2014/NĐ-CP (được sửa đổi bởi khoản 27 Điều 1 Nghị định 95/2021/NĐ-CP) có quy định về thời gian điều hành giá xăng dầu:

Nguyên tắc điều hành giá xăng dầu
...
3. Thời gian điều hành giá xăng dầu
Thời gian điều hành giá xăng dầu vào các ngày mùng 1, ngày 11 và ngày 21 hàng tháng. Đối với các kỳ điều hành trùng vào ngày nghỉ, ngày nghỉ lễ theo quy định của nhà nước, thời gian điều hành được lùi sang ngày làm việc tiếp theo sau ngày nghỉ, ngày nghỉ lễ. Đối với kỳ điều hành trùng vào dịp Tết Nguyên đán, thời gian điều hành được lùi sang kỳ điều hành tiếp theo.
Trường hợp giá các mặt hàng xăng dầu có biến động bất thường, ảnh hưởng lớn đến phát triển kinh tế - xã hội và đời sống nhân dân, Bộ Công Thương có trách nhiệm báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định thời gian điều hành giá xăng dầu cho phù hợp.

Như vậy, giá xăng dầu thường sẽ được điều hành vào các ngày mùng 1, ngày 11 và ngày 21 hàng tháng, nếu trùng vào các ngày nghỉ, ngày lễ theo quy định thì sẽ được lùi sang ngày làm việc tiếp theo, nếu trùng vào dịp Tết Nguyên đán sẽ điều hành sang kỳ điều hành tiếp theo. Tuy nhiên, trường hợp có biến động bất thường, thì Thủ tướng Chính phủ sẽ xem xét, quyết định thời gian điều chỉnh phù hợp.

Hoạt động kinh doanh xăng dầu tự phát có bị cấm không?

Theo quy định tại Điều 35 Nghị định 99/2020/NĐ-CP, đối với hành vi bán xăng dầu qua các cột bơm mini, trụ bơm lắc tay, qua thùng, can chai và các dụng cụ chứa đựng khác trừ thương nhân là hộ kinh doanh, trạm cấp phát xăng dầu thuộc lực lượng vũ trang (quốc phòng, công an) thuộc địa bàn miền núi, vùng cao theo quy định của pháp luật được Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương cho phép làm đại lý bán lẻ xăng dầu với quy mô, trang thiết bị phù hợp với điều kiện kinh doanh xăng dầu ở khu vực đó là hành vi vi phạm pháp luật và bị xử phạt từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng.

Tuy nhiên, ngày 04/11/2022, UBND Thành phố Hà Nội ban hành Công văn 3694/UBND-KTN năm 2022 về việc thực hiện Công điện 1039/CĐ-TTg ngày 02/11/2022 của Thủ tướng Chính phủ về việc quản lý, điều hành mặt hàng xăng dầu.

Để xử lý nghiêm tình trạng mua bán xăng dầu qua các bình, can, chai, lọ không rõ nguồn gốc xuất xứ, không đảm bảo chất lượng tại một số điểm bán xăng dầu tự phát và thực hiện có hiệu quả Công điện 1039/CĐ-TTg ngày 02/11/2022 về việc quản lý, điều hành mặt hàng xăng dầu, Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo 389 Thành phố đề nghị các sở, ngành có liên quan và Ban Chỉ đạo 389 quận, huyện, thị xã thực hiện các nhiệm vụ như:

- Tăng cường công tác quản lý địa bàn, phân công công chức giám sát thường xuyên tại các cửa hàng kinh doanh xăng dầu trên địa bàn Thành phố:

+ Phối hợp với các lực lượng chức năng kiểm tra, giám sát toàn bộ hệ thống thương nhân kinh doanh xăng dầu ở tất cả các loại hình;

+ Kiểm tra việc tuân thủ quy định về niêm yết giá và bán đúng giá niêm yết;

+ Kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi đầu cơ găm hàng, giãn, giảm số lượng, thời gian bán hàng hoặc đóng cửa hàng, tạm ngừng kinh doanh không đúng quy định của pháp luật về kinh doanh xăng dầu;

- Lực lượng chức năng có liên quan xử phạt nghiêm các hành vi vi phạm về xăng dầu theo quy định, kiên quyết xử lý tình trạng kinh doanh xăng dầu tự phát qua các chai, lọ, bình can trên một số tuyến đường, góp phần đảm bảo an ninh trật tự thị trường xăng dầu và công tác an toàn phòng chống cháy nổ, an toàn giao thông cho người đi đường.

- Giám sát, kiểm tra hoạt động kinh doanh của các cửa hàng bán lẻ xăng dầu; xử lý nghiêm các hành vi vi phạm không để xảy ra tình trạng ngừng bán hàng không có lý do chính đáng; thực hiện thu hồi giấy chứng nhận cửa hàng đủ điều kiện bán lẻ xăng dầu đối với những cửa hàng vi phạm theo quy định.

- Tuyệt đối không để xảy ra tình trạng kinh doanh xăng dầu trái phép (các điểm bán xăng dầu tự phát) nhằm trục lợi, gây bất ổn thị trường xăng dầu, có nguy cơ cao gây ra cháy nổ, mất an ninh trật tự, cảnh quan đường phổ và an toàn giao thông cho người đi đường.

....

Xem toàn bộ nội dung chỉ đạo về quản lý, điều hành mặt hàng xăng dầu trên địa bàn TP. Hà Nội tại Công văn 3694/UBND-KTN năm 2022.

Như vậy, hành vi bán xăng dầu qua các cột bơm mini, trụ bơm lắc tay, qua thùng, can chai và các dụng cụ chứa đựng khác và các địa điểm kinh doanh mua bán xăng dầu qua các bình, can, chai, lọ không rõ nguồn gốc xuất xứ, không đảm bảo chất lượng nhằm mục đích trục lợi, gây bất ổn thị trường xăng dầu sẽ bị nghiêm cấm và xử phạt vi phạm theo quy định pháp luật.

Nguyễn Trần Hoàng Quyên

- Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của Law Net Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email:info@lawnet.vn

- Nội dung bài viết chỉ mang tính chất tham khảo;

- Bài viết có thể được sưu tầm từ nhiều nguồn khác nhau;

- Điều khoản được áp dụng có thể đã hết hiệu lực tại thời điểm bạn đang đọc;

- Mọi ý kiến thắc mắc về bản quyền của bài viết vui lòng liên hệ qua địa chỉ mail banquyen@lawnet.vn;

Căn cứ pháp lý
Tư vấn pháp luật mới nhất
ĐỌC NHIỀU NHẤT
{{i.ImageTitle_Alt}}
{{i.Title}}