Ban tự nhiên và xã hội gồm những môn nào theo chương trình giáo dục phổ thông 2018? Định hướng nội dung giáo dục ra sao?
Ban tự nhiên và xã hội gồm những môn nào?
Tại Chương trình giáo dục phổ thông ban hành kèm theo Thông tư 32/2018/TT-BGDĐT có nêu rõ các môn trong ban tự nhiên và xã hội như sau:
Các môn học và hoạt động giáo dục bắt buộc: Ngữ văn; Toán; Ngoại ngữ 1; Giáo dục thể chất; Giáo dục quốc phòng và an ninh; Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp; Nội dung giáo dục của địa phương.
Các môn học lựa chọn gồm 3 nhóm môn:
- Nhóm môn khoa học xã hội: Lịch sử, Địa lí, Giáo dục kinh tế và pháp luật.
- Nhóm môn khoa học tự nhiên: Vật lí, Hoá học, Sinh học.
- Nhóm môn công nghệ và nghệ thuật: Công nghệ, Tin học, Nghệ thuật (Âm nhạc, Mĩ thuật).
Học sinh chọn 5 môn học từ 3 nhóm môn học trên, mỗi nhóm chọn ít nhất 1 môn học.
Các chuyên đề học tập: Mỗi môn học Ngữ văn, Toán, Lịch sử, Địa lí, Giáo dục kinh tế và pháp luật, Vật lí, Hoá học, Sinh học, Công nghệ, Tin học, Nghệ thuật có một số chuyên đề học tập tạo thành cụm chuyên đề học tập của môn học nhằm thực hiện yêu cầu phân hoá sâu, giúp học sinh tăng cường kiến thức và kĩ năng thực hành, vận dụng kiến thức, kĩ năng đã học giải quyết những vấn đề của thực tiễn, đáp ứng yêu cầu định hướng nghề nghiệp. Thời lượng dành cho mỗi chuyên đề học tập là 10 tiết hoặc 15 tiết; tổng thời lượng dành cho cụm chuyên đề học tập của một môn học là 35 tiết/năm học. Ở mỗi lớp 10, 11, 12, học sinh chọn 3 cụm chuyên đề học tập của 3 môn học phù hợp với nguyện vọng của bản thân và khả năng tổ chức của nhà trường.
Các trường có thể xây dựng các tổ hợp môn học từ 3 nhóm môn học và chuyên đề học tập nói trên để vừa đáp ứng nhu cầu của người học vừa bảo đảm phù hợp với điều kiện về đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất, thiết bị dạy học của nhà trường.
Các môn học tự chọn: Tiếng dân tộc thiểu số, Ngoại ngữ 2.
Theo đó, ban tự nhiên và xã hội gồm các môn sau:
- Ban tự nhiên: Vật lí, Hoá học, Sinh học.
- Ban xã hội: Lịch sử, Địa lí, Giáo dục kinh tế và pháp luật
Ngoài các môn đó, trong mỗi ban còn có các môn bắt buộc là Ngữ văn; Toán; Ngoại ngữ 1; Giáo dục thể chất; Giáo dục quốc phòng và an ninh; Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp; Nội dung giáo dục của địa phương.
Ban tự nhiên và xã hội gồm những môn nào theo chương trình giáo dục phổ thông 2018? Định hướng nội dung giáo dục ra sao? (Hình từ Internet)
Định hướng nội dung giáo dục khoa học tự nhiên ở giai đoạn giáo dục định hướng nghề nghiệp là gì?
Tại Chương trình tổng thể ban hành kèm theo Thông tư 32/2018/TT-BGDĐT có nêu rõ định hướng nội dung giáo dục khoa học tự nhiên ở giai đoạn giáo dục định hướng nghề nghiệp như sau:
Giáo dục khoa học tự nhiên được thực hiện qua các môn Vật lí, Hoá học và Sinh học ở lớp 10, lớp 11 và lớp 12. Đây là các môn học thuộc nhóm môn khoa học tự nhiên được học sinh lựa chọn theo định hướng nghề nghiệp, sở thích và năng lực của bản thân. Chương trình mỗi môn học giúp học sinh tiếp tục phát triển năng lực khoa học tự nhiên dưới các góc độ đặc thù (vật lí, hóa học, sinh học); vừa bảo đảm phát triển tri thức và kĩ năng trên nền tảng những năng lực chung và năng lực khoa học tự nhiên đã hình thành ở giai đoạn giáo dục cơ bản, vừa đáp ứng yêu cầu định hướng nghề nghiệp vào một số ngành nghề cụ thể.
Định hướng nội dung giáo dục khoa học xã hội ở giai đoạn giáo dục định hướng nghề nghiệp là gì?
Tại Chương trình tổng thể ban hành kèm theo Thông tư 32/2018/TT-BGDĐT có nêu rõ định hướng nội dung giáo dục khoa học xã hội giáo dục định hướng nghề nghiệp như sau:
Lịch sử, Địa lí là các môn học lựa chọn ở lớp 10, lớp 11 và lớp 12.
Ở lớp 10, môn Lịch sử giúp học sinh nắm được những đặc điểm tổng quát của khoa học lịch sử và khoa học địa lí, các ngành nghề có liên quan đến lịch sử và địa lí, khả năng ứng dụng kiến thức lịch sử và địa lí trong đời sống, đồng thời củng cố và mở rộng nền tảng tri thức, kĩ năng phổ thông cốt lõi đã hình thành ở giai đoạn giáo dục cơ bản thông qua các chủ đề và chuyên đề học tập về những vấn đề cơ bản của lịch sử và địa lí, tạo cơ sở vững chắc để học sinh có định hướng nghề nghiệp rõ ràng, phù hợp.
Ở lớp 11 và lớp 12, môn Lịch sử chú trọng đến các chủ đề và chuyên đề học tập về các lĩnh vực của sử học, như: lịch sử chính trị, lịch sử kinh tế, lịch sử văn minh, lịch sử văn hoá, lịch sử quân sự và lịch sử xã hội, sự tương tác và hội nhập của Việt Nam vào khu vực và thế giới,…; môn Địa lí tập trung vào một số chủ đề và chuyên đề học tập về địa lí thế giới (khu vực, quốc gia tiêu biểu) và địa lí Việt Nam (tự nhiên, kinh tế - xã hội) nhằm hỗ trợ cho những học sinh có định hướng nghề nghiệp thuộc lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn cũng như một số ngành khoa học liên quan.
Lưu ý: Chương trình giáo dục phổ thông theo Thông tư 32/2018/TT-BGDĐT được thực hiện theo lộ trình như sau:
- Từ năm học 2020-2021 đối với lớp 1.
- Từ năm học 2021-2022 đối với lớp 2 và lớp 6.
- Từ năm học 2022-2023 đối với lớp 3, lớp 7 và lớp 10.
- Từ năm học 2023-2024 đối với lớp 4, lớp 8 và lớp 11.
- Từ năm học 2024-2025 đối với lớp 5, lớp 9 và lớp 12.
LawNet
- Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của Law Net Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email:info@lawnet.vn
- Nội dung bài viết chỉ mang tính chất tham khảo;
- Bài viết có thể được sưu tầm từ nhiều nguồn khác nhau;
- Điều khoản được áp dụng có thể đã hết hiệu lực tại thời điểm bạn đang đọc;
- Mọi ý kiến thắc mắc về bản quyền của bài viết vui lòng liên hệ qua địa chỉ mail banquyen@lawnet.vn;