Khoản 2 Điều 82 Luật Hôn nhân gia đình năm 2014 của Việt Nam quy định:
“2. Cha, mẹ không trực tiếp nuôi con có nghĩa vụ cấp dưỡng cho con.”
Điều 110 Luật này cũng quy định:
“Cha, mẹ có nghĩa vụ cấp dưỡng cho con chưa thành niên, con đã thành niên không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình trong trường hợp không sống chung với con hoặc sống chung với con nhưng vi phạm nghĩa vụ nuôi dưỡng con.”
Pháp luật cũng quy định rõ, mức cấp dưỡng là do hai bên thỏa thuận căn cứ vào thu nhập, khả năng thực tế của người có nghĩa vụ cấp dưỡng và nhu cầu thiết yếu của người được cấp dưỡng; nếu không thỏa thuận được thì yêu cầu Tòa án giải quyết.
Và khi có lý do chính đáng, mức cấp dưỡng có thể thay đổi. Việc thay đổi mức cấp dưỡng do các bên thỏa thuận; nếu không thỏa thuận được thì yêu cầu Tòa án giải quyết. (Theo Điều 116 Luật Hôn nhân gia đình)
Như vậy, pháp luật không ấn định một mức cấp dưỡng cụ thể mà phải dựa vào các yếu tố như khả năng thực tế của người cấp dưỡng và nhu cầu thiết yếu của người được cấp dưỡng. Sau ly hôn, nếu một bên không đồng ý với mức cấp dưỡng ban đầu thì có thể thỏa thuận lại về thay đổi mức cấp dưỡng. Nếu không thỏa thuận được thì yêu cầu Tòa án giải quyết.
Khi muốn yêu cầu Tòa án giải quyết thay đổi cấp dưỡng nuôi con, người yêu cầu cần chuẩn bị hồ sơ bao gồm:
- Đơn yêu cầu thay đổi mức cấp dưỡng. Trong đó phải thể hiện rõ các nội dung: Ngày, tháng năm, tên Tòa án giải quyết, nội dung cụ thể về yêu cầu thay đổi mức cấp dưỡng (hoàn cảnh của bản thân, mức cấp dưỡng mong muốn…),…
-Bản sao bản án hoặc quyết định của Tòa án đã giải quyết cho vợ chồng ly hôn và vấn đề nuôi con chung;
- Bản sao sổ hộ khẩu hoặc CMND
- Giấy tờ chứng minh về điều kiện cấp dưỡng của bạn thay đổi: chứng minh thu nhập hiện tại, sổ vay nợ ngân hàng,..
- Các giấy tờ chứng minh khác có liên quan.
Hồ sơ yêu cầu thay đổi mức cấp dưỡng được gửi tại Tòa án nhân dân cấp huyện nơi bị đơn cư trú, trừ trường hợp một bên (hoặc cả hai bên) đương sự ở nước ngoài.
Có thể gửi hồ sơ qua các phương thức:
- Nộp trực tiếp tại Tòa án;
- Gửi đến Tòa án theo đường dịch vụ bưu chính;
- Gửi trực tuyến bằng hình thức điện tử qua Cổng thông tin điện tử của Tòa án (nếu có).
Lệ phí yêu cầu tòa án thay đổi mức cấp dưỡng là 300.000 VNĐ theo quy định tại Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14
Mời bạn đọc cùng tham khảo bản án về tranh chấp thay đổi cấp dưỡng nuôi con dưới đây:
Bản án 36/2020/HNGĐ-ST ngày 14/08/2020 về tranh chấp thay đổi cấp dưỡng nuôi con
Tại Quyết định công nhận thuận tình ly hôn và sự thỏa thuận của các đương sự của Tòa án nhân dân huyện Lâm Hà đã giải quyết cho anh với chị T được ly hôn. Trong đó, anh T có nghĩa vụ cấp dưỡng nuôi cháu Anh với số tiền là 2.000.000đồng/tháng. Tuy nhiên do hoàn cảnh kinh tế khó khăn nên không thể cấp dưỡng nuôi con với số tiền là 2.000.000đồng/tháng, anh khởi kiện yêu cầu Tòa án giải quyết thay đổi mức cấp dưỡng nuôi con từ số tiền 2.000.000đồng/tháng xuống mức 800.000đồng/tháng. Trong khi đó, bị đơn chị T không đồng ý với yêu cầu khởi kiện, lý do hoàn cảnh của chị hiện nay cũng đang rất khó khăn, con chị hiện nay đã đến tuổi đi học nên các khoản tiền ăn, uống, tiền trông trẻ cũng rất tốn kém. Chị đề nghị Tòa án giữ nguyên mức cấp dưỡng nuôi con với số tiền là 2.000.000đồng/tháng
Tòa án nhân dân huyện Lâm Hà, tỉnh Lâm Đồng đã quyết định: chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của anh Bùi Văn T. Thay đổi mức cấp dưỡng từ 2.000.000đồng/tháng xuống còn 1.200.000đ/tháng.
Vui lòng Đăng nhập để có thể tải về