21/07/2022 17:12

Quy định về di chúc miệng hợp pháp và bản án liên quan

Quy định về di chúc miệng hợp pháp và bản án liên quan

Di chúc là sự thể hiện ý chí của cá nhân nhằm chuyển tài sản của mình cho người khác sau khi chết. Di chúc phải được lập thành văn bản, tuy nhiên trong trường hợp không thể lập thành văn bản thì pháp luật vẫn công nhận di chúc miệng nếu đáp ứng được những điều kiện theo quy định của pháp luật.

1. Điều kiện để di chúc miệng có hiệu lực

Điều 629 Bộ luật Dân sự năm 2015 của Việt Nam quy định về di chúc miệng:

- Trường hợp tính mạng một người bị cái chết đe dọa và không thể lập di chúc bằng văn bản thì có thể lập di chúc miệng.

- Sau 03 tháng, kể từ thời điểm di chúc miệng mà người lập di chúc còn sống, minh mẫn, sáng suốt thì di chúc miệng mặc nhiên bị hủy bỏ.

Di chúc miệng được coi là hợp pháp nếu đáp ứng những điều kiện quy định tại khoản 5 Điều 630 BLDS, bao gồm:

- Người di chúc miệng thể hiện ý chí cuối cùng của mình trước mặt ít nhất hai người làm chứng;

- Ngay sau khi người di chúc miệng thể hiện ý chí cuối cùng, người làm chứng ghi chép lại, cùng ký tên hoặc điểm chỉ.

Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày người di chúc miệng thể hiện ý chí cuối cùng thì di chúc phải được công chứng viên hoặc cơ quan có thẩm quyền chứng thực xác nhận chữ ký hoặc điểm chỉ của người làm chứng.

Bên cạnh đó, người làm chứng cần phải đáp ứng các điều kiện theo luật định, cụ thể:

“Điều 632. Người làm chứng cho việc lập di chúc

Mọi người đều có thể làm chứng cho việc lập di chúc, trừ những người sau đây:

Người thừa kế theo di chúc hoặc theo pháp luật của người lập di chúc.

Người có quyền, nghĩa vụ tài sản liên quan tới nội dung di chúc.

Người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi.”

Như vậy không phải ai cũng có thể làm chứng cho việc lập di chúc. Người làm chứng cần phải là người không có quyền, nghĩa vụ tài sản liên quan đến nội dung di chúc. Quy định này nhằm đảm bảo được tính khách quan, độc lập khi có xảy ra tranh chấp. Và hơn hết, người làm chứng phải là người đã thành niên, có đầy đủ khả năng nhận thức, làm chủ hành vi của mình.

2. Một số bản án liên quan đến di chúc miệng

2.1. Bản án 54/2021/DSPT ngày 07/04/2021 về tranh chấp thừa kế tài sản

Bà Nguyễn Thị P và ông Nguyễn Văn Đ là vợ chồng, có 01 con chung là chị Nguyễn Thị L. Năm 2000 bà P và ông Đ làm thủ tục ly hôn, trong thời gian giải quyết ly hôn thì bà P chết, trước khi chết ngày 08/5/2019 bà có lập di chúc, đã được công chứng ngày 11/5/2019 tại Văn phòng công chứng T với nội dung để lại cho chị L phần quyền sử dụng của bà đối với thửa đất là tài sản chung hộ gia đình. Nay chị L yêu cầu Tòa án phân chia tài sản thừa kế theo di chúc.

Bà P lập di chúc miệng dưới sự làm chứng của ông H và ông T1, cả hai đã ghi lại những lời nói của bà P thành văn bản, lập văn bản cam kết của người làm chứng, kí và chỉ điểm dưới sự làm chứng của Công chứng viên theo đúng quy trình.

Do đó Tòa án nhận định di chúc miệng của bà P là di chúc hợp pháp và được công nhận.

2.2. Bản án về chia di sản thừa kế số 83/2022/DSPT

Ông Trần H và bà C là vợ chồng, có 08 người con chung, ông H có 01 người con riêng và bà C có 02 người con riêng. Cả hai ông bà đã chết và không để lại di chúc. Nay nguyên đơn anh T yêu cầu chia di sản thừa kế của cha mẹ theo hiện vật. Trong khi đó, anh L cho rằng cha mẹ trước khi chết có di chúc miệng giao nhà đất cho anh để làm nhà từ đường thờ cúng ông bà. Anh Trần Hữu T yêu cầu chia di sản thừa kế của cha mẹ ông không đồng ý vì theo cuộc họp gia tộc ngày 07/11/2020 toàn bộ di sản của cha mẹ để lại làm nơi thờ cúng, không phân chia cho ai.

Tòa án cấp sơ thẩm tuyên bố: xác định phần nhà và đất của ông H, bà C là di sản thừa kế chưa chia được phân chia thừa kế theo pháp luật cho hàng thừa kế thứ nhất.

Không đồng ý với bản án sơ thẩm, anh L có kháng cáo yêu cầu hủy toàn bộ bản án. Anh L cho rằng, khi cha mẹ anh còn sống nhân ngày giỗ cha mẹ có nói với mọi người là sau khi ông bà chết sẽ giao toàn bộ tài sản cho ông là con trai trưởng để thờ cúng ông bà tổ tiên nên đề nghị xem xét việc cha mẹ đã lập di chúc miệng. 

Tòa án cấp phúc thẩm nhận định : theo quy định tại khoản 2 Điều 629 Bộ luật dân sự thì sau 03 tháng kể từ thời điểm di chúc miệng mà người lập di chúc còn sống, còn minh mẫn thì di chúc miệng mặc nhiên bị hủy bỏ. Đồng thời, điều kiện để di chúc miệng có tính hợp pháp được quy định tại khoản 5 Điều 630 Bộ luật dân sự. Đối chiếu với những quy định trên và lời trình bày của bảy người con còn lại đều khẳng định trước khi chết cha mẹ không hề di chúc miệng định đoạt tài sản nên có căn cứ để xác định ông Trần H và bà Nguyễn Thị C trước khi chết không có lập di chúc định đoạt tài sản nên di sản của ông Trần H và bà Nguyễn Thị C được chia thừa kế theo pháp luật.

Do đó, Không chấp nhận kháng cáo của anh L.

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của LawNet. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email:info@lawnet.vn
Như Ý
515


Vui lòng Đăng nhập để có thể tải về
Đăng nhập

  • Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh
    Điện thoại: (028) 7302 2286 (6 lines)
    E-mail: info@lawnet.vn
Chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: (028) 7302 2286
P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;