03/08/2022 16:28

Người bị tạm giữ, tạm giam có được giao dịch mua bán tài sản?

Người bị tạm giữ, tạm giam có được giao dịch mua bán tài sản?

Tạm giữ, tạm giam là những biện pháp cách ly bị can, bị cáo ra khỏi xã hội trong một thời hạn nhất định theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự. Vậy trong trường hợp đang bị tam giữ, tạm giam, bị can, bị cáo có thể tham gia vào các giao dịch dân sự mua bán tài sản hay không?

Điều 9 Luật thi hành tạm giữ, tạm giam 2015 của Việt Nam quy định về quyền và nghĩa vụ của người bị tạm giữ, tạm giam như sau:

“1. Người bị tạm giữ, người bị tạm giam có các quyền sau đây:

a) Được bảo vệ an toàn tính mạng, thân thể, tài sản, tôn trọng danh dự, nhân phẩm; được phổ biến các quyền và nghĩa vụ của mình, nội quy của cơ sở giam giữ;

b) Được thực hiện quyền bầu cử theo quy định của Luật bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân, quyền bỏ phiếu trưng cầu ý dân theo quy định của Luật trưng cầu ý dân;

c) Được bảo đảm chế độ ăn, ở, mặc, đồ dùng sinh hoạt cá nhân, chăm sóc y tế, sinh hoạt tinh thần, gửi, nhận thư, nhận quà, nhận sách, báo, tài liệu;

d) Được gặp thân nhân, người bào chữa, tiếp xúc lãnh sự;

đ) Được hướng dẫn, giải thích và bảo đảm thực hiện quyền tự bào chữa, nhờ người bào chữa, trợ giúp pháp lý;

e) Được gặp người đại diện hợp pháp để thực hiện giao dịch dân sự;

g) Được yêu cầu trả tự do khi hết thời hạn tạm giữ, thời hạn tạm giam;

h) Được khiếu nại, tố cáo hành vi vi phạm pháp luật;

i) Được bồi thường thiệt hại theo quy định của Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước nếu bị giam, giữ trái pháp luật;

k) Được hưởng các quyền khác của công dân nếu không bị hạn chế bởi Luật này và luật khác có liên quan, trừ trường hợp các quyền đó không thể thực hiện được do họ đang bị tạm giữ, tạm giam.

Người bị tạm giữ, người bị tạm giam có các nghĩa vụ sau đây:

a) Chấp hành quyết định, yêu cầu, hướng dẫn của cơ quan, người có thẩm quyền quản lý, thi hành tạm giữ, tạm giam;

b) Chấp hành nội quy của cơ sở giam giữ, quy định của Luật này và pháp luật có liên quan.”

Như vậy, pháp luật không hạn chế quyền được tham gia vào các giao dịch dân sự đối với người đang bị tam giữ, tạm giam. Người đang bị tạm giữ, tạm giam có thể trực tiếp tham gia vào các giao dịch mua bán tài sản hoặc ủy quyền cho một người khác mua bán tài sản.

Về vấn đề công chứng hợp đồng mua bán hoặc hợp đồng ủy quyền, Luật Công chứng 2014 quy định:

“Điều 44. Địa điểm công chứng

Việc công chứng phải được thực hiện tại trụ sở của tổ chức hành nghề công chứng, trừ các trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này.

Việc công chứng có thể được thực hiện ngoài trụ sở của tổ chức hành nghề công chứng trong trường hợp người yêu cầu công chứng là người già yếu, không thể đi lại được, người đang bị tạm giữ, tạm giam, đang thi hành án phạt tù hoặc có lý do chính đáng khác không thể đến trụ sở của tổ chức hành nghề công chứng.”

Theo quy định trên, ngoại trừ những trường hợp bị hạn chế quyền theo điểm k khoản 1 Điều 9 Luật thi hành tạm giữ, tạm giam 2015 thì người đang bị tạm giữ, tạm giam được phép gặp công chứng viên để công chứng hợp đồng tại nơi mình đang bị tạm giữ, tạm giam. Trình tự, thủ tục công chứng được quy định tại Luật Công chứng 2014.

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của LawNet. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email:info@lawnet.vn
Phương Uyên
1706


Vui lòng Đăng nhập để có thể tải về
Đăng nhập

  • Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh
    Điện thoại: (028) 7302 2286 (6 lines)
    E-mail: info@lawnet.vn
Chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: (028) 7302 2286
P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;