14/07/2022 15:15

Vay tiền không trả có bị truy tố trách nhiệm hình sự?

Vay tiền không trả có bị truy tố trách nhiệm hình sự?

Vay mượn tiền là giao dịch dân sự diễn ra hàng ngày trong cuộc sống. Vậy vay tiền nhưng không trả sẽ bị xử lý như thế nào theo quy định của pháp luật Việt Nam?

Khi diễn ra hoạt động cho vay, mượn tiền cũng là lúc hai bên đã xác lập một hợp đồng vay tài sản, vì hình thức của hợp đồng có thể bằng văn bản, bằng lời nói hoặc hành vi cụ thể.

Điều 463 Bộ luật Dân sự năm 2015 của Việt Nam quy định về hợp đồng vay tài sản như sau:

Hợp đồng vay tài sản là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên cho vay giao tài sản cho bên vay; khi đến hạn trả, bên vay phải hoàn trả cho bên cho vay tài sản cùng loại theo đúng số lượng, chất lượng và chỉ phải trả lãi nếu có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định.

Theo đó, bên vay phải có nghĩa vụ trả nợ, quy định cụ thể tại Điều 466 BLDS:

“1. Bên vay tài sản là tiền thì phải trả đủ tiền khi đến hạn; nếu tài sản là vật thì phải trả vật cùng loại đúng số lượng, chất lượng, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.

2. Trường hợp bên vay không thể trả vật thì có thể trả bằng tiền theo trị giá của vật đã vay tại địa điểm và thời điểm trả nợ, nếu được bên cho vay đồng ý. …”

Như vậy, đến hạn trả nợ thì bên vay phải trả đủ số tài sản đã mượn kèm theo lãi (nếu vay có lãi). Nếu đến hạn mà bên vay không trả, có hai trường  hợp chính như sau:

- Trường hợp 1: Bên vay không trả do chưa có khả năng chi trả, không có dấu hiệu bỏ trốn hay thủ đoạn gian dối để quỵt nợ. Trường hợp này sẽ giải quyết theo pháp luật dân sự. Bên cho vay có thể khởi kiện ra Tòa án để giải quyết tranh chấp.

- Trường hợp 2: Nếu bên vay nợ có dấu hiệu bỏ trốn hoặc có thủ đoạn gian dối nhằm chiếm đoạt tài sản thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”.

Điều 175 Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định về tội danh này như sau:

“1. Người nào thực hiện một trong những hành vi sau đây chiếm đoạt tài sản của người khác trị giá từ 4.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 4.000.000 đồng nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt hoặc đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các điều 168, 169, 170, 171, 172, 173, 174 và 290 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm hoặc tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại hoặc tài sản có giá trị đặc biệt về mặt tinh thần đối với người bị hại, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:

a) Vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng các hình thức hợp đồng rồi dùng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản đó hoặc đến thời hạn trả lại tài sản mặc dù có điều kiện, khả năng nhưng cố tình không trả;

b) Vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng các hình thức hợp đồng và đã sử dụng tài sản đó vào mục đích bất hợp pháp dẫn đến không có khả năng trả lại tài sản.

….”

Về xác tính tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự:

Phạt tù từ 02 năm đến 07 năm đối với các trường hợp: Có tổ chức; có tính chất chuyên nghiệp; chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng; lợi dụng chức vụ, quyền hạn hoặc lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức; dùng thủ đoạn xảo quyệt; tái phạm nguy hiểm.\

Phạt tù từ 05 năm đến 12 năm đối với các trường hợp: Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng; gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội.

Phạt tù từ 12 năm đến 20 năm khi chiếm đoạt tài sản trị giá 500.000.000 đồng trở lên.

Ngoài ra người phạm tội còn có thể bị áp dụng các hình phạt bổ sung: phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

Dưới đây là bản án trên thực tế về tội Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, mời bạn đọc cùng tham khảo:

Bản án về tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản số 273/2021/HSST có nội dung tóm tắt như sau:

Lê Bá C đến chơi nhà anh H. Sau đó C hỏi mượn xe máy của anh T, nói đi có việc một lúc tý quay lại trả. Anh T đồng ý và đưa chìa khóa chiếc xe mô tô cho C. C lấy xe và đi loanh quanh thành phố Thanh Hóa để hóng mát. Khi đi, C nảy sinh ý định cầm cố chiếc xe lấy tiền tiêu sài nên C đã mang xe đến khu vực cổng trường Đại học Hồng Đức cũ, thuộc phường Đ, thành phố H cầm cố xe cho một thanh niên không rõ tên, tuổi, địa chỉ lấy số tiền 10.000.000đ và gọi xe taxi đi chơi, tiêu sài hết số tiền trên. Anh T ngổi đợi mãi không thấy C mang xe quay lại trả, gọi điện cho C thì điện thoại không liên lạc được. Đến khoảng 18 giờ cùng ngày, anh T nhờ anh H chở đến nhà C để tìm nhưng không gặp được C, gia đình C cũng không biết Chung đi đâu. Đến nay C vẫn chưa trả lại xe cho anh T.

Tòa án nhân dân thành phố Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa nhận định bị cáo C lợi dụng mối quan hệ bạn bè, sự tin tưởng để chiếm đoạt tài sản của người khác nhằm mục đích lấy tiền tiêu sài cá nhân. Bị cáo có thêm tình tiết tăng nặng là có 01 tiền án chưa được xóa án tích, lần phạm tội này là tái phạm quy định tại điểm h khoản 1 Điều 52 Bộ luật hình sự.

Do đó Tòa án quyết định: Tuyên bố bị cáo Lê Bá C phạm tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”, xử phạt bị cáo 27 (hai mươi bảy) tháng tù.

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của LawNet. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email:info@lawnet.vn
Phương Uyên
710


Vui lòng Đăng nhập để có thể tải về
Đăng nhập

  • Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh
    Điện thoại: (028) 7302 2286 (6 lines)
    E-mail: info@lawnet.vn
Chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: (028) 7302 2286
P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;