15/06/2022 17:36

Chuyển giao nghĩa vụ dân sự là gì? Hình thức và phương thức chuyển giao nghĩa vụ dân sự

Chuyển giao nghĩa vụ dân sự là gì? Hình thức và phương thức chuyển giao nghĩa vụ dân sự

Chuyển giao nghĩa vụ dân sự là gì? Muốn chuyển giao cần những điều kiện gì? Hình thức và phương thức thực hiện ra sao? Chúng ta hãy cùng tìm hiểu tất cả những vấn đề này trong bài viết dưới đây.

1. Chuyển giao nghĩa vụ dân sự là gì?

Điều 274 Bộ luật Dân sự năm 2015 của Việt Nam quy định: “Nghĩa vụ là việc mà theo đó, một hoặc nhiều chủ thể (sau đây gọi chung là bên có nghĩa vụ) phải chuyển giao vật, chuyển giao quyền, trả tiền hoặc giấy tờ có giá, thực hiện công việc hoặc không được thực hiện công việc nhất định vì lợi ích của một hoặc nhiều chủ thể khác (sau đây gọi chung là bên có quyền)”.

Chuyển giao nghĩa vụ dân sự là trường hợp người có nghĩa vụ không tự mình thực hiện nghĩa vụ đã giao kết mà chuyển giao cho người khác (bên thứ ba). Khi nghĩa vụ được chuyển giao thì bên nhận chuyển giao nghĩa vụ được gọi là người thế nghĩa vụ. Quan hệ nghĩa vụ giữa người có nghĩa vụ với người có quyền chấm dứt và phát sinh một quan hệ nghĩa vụ mới giữa người thế nghĩa vụ với người có quyền và người thế nghĩa vụ sẽ phải thực hiện nghĩa vụ với người có quyền.

Như vậy, về bản chất, sự chuyển giao nghĩa vụ dân sự là sự chuyển dịch nghĩa vụ pháp lý từ chủ thể chuyển sang chủ thể nhận. Chủ thể nhận nghĩa vụ chính là người thứ ba thay thế người có nghĩa vụ trước và trở thành bên có nghĩa vụ.

2. Điều kiện chuyển giao nghĩa vụ dân sự

Căn cứ vào Điều 370 Bộ luật Dân sự 2015, bên có nghĩa vụ có thể chuyển giao nghĩa vụ dân sự cho người thế nghĩa vụ chỉ khi được bên có quyền đồng ý, trừ trường hợp nghĩa vụ gắn liền với nhân thân của bên có nghĩa vụ hoặc pháp luật có quy định không được chuyển giao nghĩa vụ.

Luật pháp có quy định trên là bởi lẽ chuyển giao nghĩa vụ dân sự làm chấm dứt quan hệ giữa bên có nghĩa vụ ban đầu với bên có quyền và làm phát sinh nghĩa vụ của người nhận chuyển giao với bên có quyền đó. Điều này có thể mang lại nhiều rủi ro cho bên có quyền. Nếu bên thế nghĩa vụ không có khả năng thực hiện nghĩa vụ thì sẽ gây ảnh hưởng xấu trực tiếp đến bên có quyền.

Ngoài ra cần một điều kiện nữa khi thực hiện chuyển giao nghĩa vụ dân sự là nghĩa vụ được chuyển giao phải là nghĩa vụ có hiệu lực pháp lý và không thuộc những trường hợp pháp luật không cho phép chuyển giao nghĩa vụ.

Pháp luật không cho phép chuyển giao nghĩa vụ dân sự đối với những nghĩa vụ gắn với nhân thân của bên có nghĩa vụ hoặc trong trường hợp cụ thể pháp luật quy định không được chuyển giao như nghĩa vụ cấp dưỡng, nghĩa vụ thực hiện công việc trong hợp đồng dịch vụ hoặc nghĩa vụ do các bên thỏa thuận không được chuyển giao. Ví dụ như Luật Hôn nhân và gia đình 2014 quy định “Nghĩa vụ cấp dưỡng không thể thay thế bằng nghĩa vụ khác và không thể chuyển giao cho người khác.”

3. Hình thức chuyển giao nghĩa vụ dân sự

Bộ luật Dân sự năm 2015 không có quy định về hình thức chuyển giao nghĩa vụ.

Tuy nhiên, nhằm tránh những nguy cơ có thể dẫn đến những rủi ro liên quan đến quyền lợi của các bên trong chuyển giao nghĩa vụ dân sự, những nội dung chuyển giao và cách thức, trình tự chuyển giao nên được trình bày đầy đủ trong văn bản thỏa thuận giữa các bên.

Đối với trường hợp mà nội dung hoặc đối tượng của nghĩa vụ chuyển giao có tính chất phức tạp, dễ xảy ra tranh chấp hay đối tượng của nghĩa vụ là những tài sản do Nhà nước quản lý, kiểm soát thì việc chuyển giao nghĩa vụ cần phải được thể hiện bằng văn bản, có công chứng hoặc chứng thực, đăng ký hoặc phải xin phép.

4. Chuyển giao nghĩa vụ có biện pháp bảo đảm

Điều 371 Bộ luật Dân sự quy định:

“Trường hợp nghĩa vụ có biện pháp bảo đảm được chuyển giao thì biện pháp bảo đảm đó chấm dứt, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.”

Biện pháp bảo đảm là loại trách nhiệm đặc biệt, là biện pháp do các bên thỏa thuận hoặc pháp luật quy định mà theo đó bên bảo đảm dùng tài sản hoặc công việc mình có khả năng thực hiện được để bảo đảm cho việc thực hiện nghĩa vụ dân sự.

Đối tượng của các biện pháp bảo đảm thường là tài sản thuộc sở hữu của bên có nghĩa vụ (bên bảo đảm) nên khi nghĩa vụ được chuyển giao thì tài sản bảo đảm không còn thuộc sở hữu của bên bảo đảm nữa. Do đó, nếu không có sự đồng ý của chủ sở hữu tài sản thì sẽ không xử lý được tài sản bảo đảm khi bên có nghĩa vụ không thực hiện nghĩa vụ

Việc chuyển giao nghĩa vụ cho bên thế nghĩa vụ sẽ làm quan hệ nghĩa vụ ban đầu chấm dứt, bên thế nghĩa vụ trở thành bên có nghĩa vụ trong quan hệ nghĩa vụ mới với bên có quyền. Mặt khác, việc chuyển giao nghĩa vụ phải có sự đồng ý của bên có quyền, khi đó bên có quyền tự lựa chọn rủi ro cho chính mình trong việc chấp nhận bên thứ ba thực hiện nghĩa vụ. Do đó, khi kèm theo biện pháp bảo đảm trong quan hệ nghĩa vụ trước đó thì khi chuyển giao cho bên thứ ba biện pháp bảo đảm này phải chấm dứt nếu không có sự thỏa thuận khác.

5. Phương thức chuyển giao nghĩa vụ dân sự

5.1. Chuyển giao nghĩa vụ dân sự theo thỏa thuận

Trước hết pháp luật dân sự luôn tôn trọng quyền tự do thỏa thuận của các bên, miễn là không trái với quy định của pháp luật.

Do đó sẽ không có chuyển giao nghĩa vụ theo thỏa thuận nếu người thế nghĩa vụ không đồng ý về việc này, họ sẽ không trở thành người có nghĩa vụ đối với người có quyền nếu họ không đồng ý.

5.2. Chuyển giao nghĩa vụ theo pháp luật

Pháp luật có quy định về trường hợp chuyển giao nghĩa vụ mà không cần phải có sự thỏa thuận của các bên.

Cụ thể khi khi cá nhân chết, nghĩa vụ về tài sản của cá nhân không đương nhiên chấm dứt và vấn đề xác định người thế nghĩa vụ được đặt ra.

Điều 614 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định: “Kể từ thời điểm mở thừa kế, những người thừa kế có các quyền, nghĩa vụ tài sản do người chết để lại”

Như vậy, khi những người thừa kế nhận di sản thừa kế thì phải có trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ tài sản trong phạm vi di sản mà người chết để lại. Việc chuyển giao nghĩa vụ trong trường hợp này không cần có sự ưng thuận của những người liên quan.

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của LawNet. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email:info@lawnet.vn
Phương Uyên
4237


Vui lòng Đăng nhập để có thể tải về
Đăng nhập

  • Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh
    Điện thoại: (028) 7302 2286 (6 lines)
    E-mail: info@lawnet.vn
Chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: (028) 7302 2286
P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;