04/07/2022 14:57

Phạm vi ủy quyền và vượt quá phạm vi ủy quyền

Phạm vi ủy quyền và vượt quá phạm vi ủy quyền

Trên thực tế, không phải lúc nào một cá nhân cũng có thể trực tiếp tham gia vào một quan hệ hợp đồng vì nhiều lý do khác nhau. Khi đó chúng có thể nhờ một người khác nhân danh mình để thực hiện những công việc nhất định thông qua hợp đồng ủy quyền. Người được ủy quyền chỉ có thể thực hiện công việc giới hạn trong phạm vi ủy quyền. Vậy khi người được ủy quyền vượt quá phạm vi ủy quyền thì sẽ xử lý như thế nào?

1. Quy định về hợp đồng ủy quyền

Điều 562 Bộ luật Dân sự năm 2015 của Việt Nam quy định về hợp đồng ủy quyền:

“Hợp đồng ủy quyền là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên được ủy quyền có nghĩa vụ thực hiện công việc nhân danh bên ủy quyền, bên ủy quyền chỉ phải trả thù lao nếu có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định.”

Về phạm vi ủy quyền, phạm vi ủy quyền là một phần trong phạm vi đại diện nói chung được quy định tại Điều 141 BLDS. Nói đến phạm vi ủy quyền tức là chỉ xem xét phần phạm vi đại diện trong loại hình đại diện theo ủy quyền. Phạm vi ủy quyền được thể hiện rõ ràng trong nội dung ủy quyền, nó là giới hạn mà người được ủy quyền hành động để đem lại quyền và nghĩa vụ cho bên ủy quyền

Thời hạn ủy quyền do các bên thỏa thuận hoặc do pháp luật quy định; nếu không có thỏa thuận và pháp luật không có quy định thì hợp đồng ủy quyền có hiệu lực 01 năm, kể từ ngày xác lập việc ủy quyền.

2. Vượt quá phạm vi ủy quyền

Đại diện vượt quá phạm vi ủy quyền là việc người được ủy quyền thực hiện hành vi pháp lý vượt quá phạm vi ủy quyền được cho phép.

Điều 143 BLDS năm 2015 quy định về hậu quả của giao dịch dân sự do người đại diện xác lập, thực hiện vượt quá phạm vi đại diện như sau:

Giao dịch dân sự do người đại diện xác lập, thực hiện vượt quá phạm vi đại diện không làm phát sinh quyền, nghĩa vụ của người được đại diện đối với phần giao dịch được thực hiện vượt quá phạm vi đại diện, trừ trường hợp:

- Người được đại diện đồng ý;

- Người được đại diện biết mà không phản đối trong một thời hạn hợp lý;

- Người được đại diện có lỗi dẫn đến việc người đã giao dịch không biết hoặc không thể biết về việc người đã xác lập, thực hiện giao dịch dân sự với mình vượt quá phạm vi đại diện.

Trường hợp giao dịch dân sự do người đại diện xác lập, thực hiện vượt quá phạm vi đại diện không làm phát sinh quyền, nghĩa vụ của người được đại diện đối với phần giao dịch được xác lập, thực hiện vượt quá phạm vi đại diện thì người đại diện phải thực hiện nghĩa vụ đối với người đã giao dịch với mình về phần giao dịch vượt quá phạm vi đại diện, trừ trường hợp người đã giao dịch biết hoặc phải biết về việc vượt quá phạm vi đại diện mà vẫn giao dịch.

Người đã giao dịch với người đại diện có quyền đơn phương chấm dứt thực hiện hoặc hủy bỏ giao dịch dân sự đối với phần vượt quá phạm vi đại diện hoặc toàn bộ giao dịch dân sự và yêu cầu bồi thường thiệt hại, trừ trường hợp người đó biết hoặc phải biết về việc vượt quá phạm vi đại diện mà vẫn giao dịch hoặc trường hợp quy định tại điểm a khoản 1 Điều này.

Trường hợp người đại diện và người giao dịch với người đại diện cố ý xác lập, thực hiện giao dịch dân sự vượt quá phạm vi đại diện mà gây thiệt hại cho người được đại diện thì phải chịu trách nhiệm liên đới bồi thường thiệt hại.

Mời bạn đọc tham khảo bản án liên quan đến vấn đề vượt quá phạm vi ủy quyền dưới đây:

Bản án về tranh chấp hợp đồng ủy quyền số 726/2019/DS-PT

Cụ Đ T Đ và Bà N N A có xác lập hợp đồng ủy quyền. Do hai bên phát sinh tranh chấp, cụ Đ  yêu cầu Tòa án hủy hợp đồng ủy quyền xác lập giữa cụ và bà A.Tại phiên tòa sơ thẩm, người đại diện theo ủy quyền của cụ Đ T Đ là ông N Đ T thay đổi yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn từ việc xin hủy bỏ hợp đồng ủy quyền sang việc yêu cầu tòa án tuyên bố hợp đồng ủy quyền được xác lập giữa cụ Đ T Đ với Bà N N A ngày 04/3/2011 tại Văn phòng công chứng A B Thành phố Hồ Chí Minh bị vô hiệu do vi phạm điều cấm của luật.

Tại phiên tòa phúc thẩm, Tòa án nhân dân thành phố Hồ Chí Minh nhận định: Tại phiên tòa sơ thẩm người đại diện theo ủy quyền của nguyên đơn không xuất trình được văn bản có chữ ký tên của cụ Đ T Đ về việc thay đổi nội dung, yêu cầu khởi kiện. Trong khi đó; Theo phạm vi của hợp đồng ủy quyền ghi ngày 10/5/2016 tại Văn phòng công chứng GĐ thì ông N Đ T chỉ được quyền thay mặt, nhân danh cụ Đ T Đ tham gia tố tụng giải quyết tranh chấp về việc tranh chấp hợp đồng ủy quyền theo đơn khởi kiện nêu trên; Điều này xác định giới hạn ủy quyền tham gia giải quyết tranh chấp về viêc hủy bỏ hợp đồng ủy quyền giữa cụ Đ T Đ với Bà N N A. Việc người đại diện theo ủy quyền của nguyên đơn tự ý thay đổi yêu cầu khởi kiện tại phiên tòa sơ thẩm khi không được đồng ý của cụ Đ T Đ là thực thi nhiệm vụ không đúng và vượt quá phạm vi ủy quyền.

Tòa án phúc thẩm quyết định hủy toàn bộ bản án sơ thẩm. Giao toàn bộ hồ sơ vụ án về Tòa án cấp sơ thẩm xét xử lại theo thủ tục chung.

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của LawNet. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email:info@lawnet.vn
Phương Uyên
3373


Vui lòng Đăng nhập để có thể tải về
Đăng nhập

  • Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh
    Điện thoại: (028) 7302 2286 (6 lines)
    E-mail: info@lawnet.vn
Chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: (028) 7302 2286
P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;