TÒA ÁN NHÂN DÂN TỈNH TÂY NINH
BẢN ÁN 109/2022/DS-PT NGÀY 29/06/2022 VỀ TRANH CHẤP YÊU CẦU BỒI THƯỜNG THIỆT HẠI DO TÀI SẢN BỊ XÂM PHẠM
Trong 02 ngày 22 và 29 tháng 6 năm 2022, tại trụ sở Tòa án nhân dân tỉnh Tây Ninh xét xử phúc thẩm công khai vụ án thụ lý số 75/2022/TLPT- DS ngày 18 tháng 4 năm 2022, về “Tranh chấp yêu cầu bồi thường thiệt hại do tài sản bị xâm phạm”.
Do Bản án Dân sự sơ thẩm số 16/2022/DS-ST ngày 10 tháng 3 năm 2022, của Tòa án nhân dân thành phố Tây Ninh, tỉnh Tây Ninh, bị kháng cáo.
Theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm số 111/2022/QĐPT-DS ngày 23 tháng 05 năm 2022 giữa:
1. Nguyên đơn: Ông Võ Văn C, sinh năm 1968; địa chỉ cư trú: số X, đường P, khu phố T, phường S, thành phố N, tỉnh Tây Ninh. Có mặt
Người đại diện hợp pháp của nguyên đơn: Ông Võ Thành L, sinh năm 1966; địa chỉ cư trú: khu phố T, phường S, thành phố N, tỉnh Tây Ninh (Văn bản ủy quyền ngày 11-11-2020). Vắng mặt.
Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nguyên đơn: Ông Phạm Lê D – Luật sư của Công ty Luật TNHH CTA Việt Nam, thuộc Đoàn Luật sư Thành phố M. Có mặt.
2. Bị đơn: Công ty Điện lực N; địa chỉ: số X, đường Cách mạng Tháng Tám, khu phố 2, phường 3, thành phố N, tỉnh N.
Người đại diện theo pháp luật: ông Nguyễn Tấn H, chức vụ: Giám đốc Công ty Điện lực N.
Người đại diện theo ủy quyền: ông Cao Minh T, sinh năm 1979 chức vụ: Chuyên viên pháp lý và ông Phạm Trung H, Đội phó Đội quản lý vận hành lưới điện cao thế Công ty Điện lực N (Văn bản quyền số 1052/UQ-PCTN ngày 13-6- 2022). Có mặt.
3- Người kháng cáo:
3.1. Ông Võ Văn C - nguyên đơn.
3.2. Công ty Điện lực N - bị đơn.
NỘI DUNG VỤ ÁN
Theo đơn khởi kiện ngày 16-7-2020, trong quá trình giải quyết vụ án và tại phiên tòa sơ thẩm, nguyên đơn - ông Võ Văn C và người đại diện cho nguyên đơn là ông Võ Thành L trình bày:
Đất ông Võ Văn C được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sau đây viết tắt là Giấy CNQSDĐ) diện tích 10.159,6 m2, thửa 56, tờ bản đồ số 11, loại đất trồng cây hàng năm, tọa lạc tại khu phố T, phường S, thành phố N, tỉnh N. Nguồn gốc đất là của ông nội của ông C là cụ Võ M, sau khi cụ Võ M chết để lại cho cha ông C là cụ Võ P canh tác. Năm 1998, Công ty Điện lực N (sau đây viết tắt là Công ty) kéo đường dây điện đi ngang đất của ông C diện tích 949 m2 (ngang 13 m, dài 73 m), nên cha ông C không canh tác được trên diện tích trên, Công ty có hứa đền bù nhưng không thực hiện. Năm 2000, ông C được ông Võ P tặng cho phần đất trên và được cấp Giấy CNQSDĐ năm 2010, ông sử dụng đất cho đến nay. Lúc Công ty kéo đường điện đi ngang đất, cha ông C trồng mì, đến năm 2003 chuyển sang trồng cao su, hiện nay cây cao su khoảng 19 năm tuổi. Công ty cho nhân viên đến rong nhánh cây cao su làm ảnh hưởng năng suất của cây và ông có yêu cầu giải quyết vụ việc tại Uỷ ban nhân dân phường S, thành phố N, tỉnh N, Công ty có hứa bồi thường nhưng vẫn không thực hiện. Hiện nay, dưới đường lưới điện có 75 cây tràm, không có trồng cây cao su.
Ông Võ Văn C khởi kiện yêu cầu Công ty bồi thường thiệt hại do tài sản bị xâm phạm, cụ thể:
+ Tiền đền bù diện tích mặt bằng đất bị lấn chiếm ngang 13m x 73m = 949 m2, số tiền bồi thường là 250.000.000 đồng.
+ Số hoa màu (củ mì) bị thất thu từ năm 2002 đến nay là 18 năm, số tiền yêu cầu bồi thường là: 6000 kg củ mì/năm x 3.000 đồng/kg x 18 năm = 324.000.000 đồng.
+ Tổn thất vườn cao su là 50.000.000 đồng Tổng số tiền yêu cầu bồi thường là 624.000.000 đồng.
Quá trình giải quyết vụ án và tại phiên tòa sơ thẩm, người đại diện theo ủy quyền của bị đơn ông Cao Minh T trình bày:
Công trình lưới điện được đầu tư xây dựng năm 1998 và vận hành năm 2000, phục vụ cho mục đích an ninh, chính trị, trật tự an toàn xã hội và phát triển kinh tế - xã hội, nhu cầu sử dụng điện của các hộ dân thuộc các huyện B, C, T và một phần thị xã N (nay là thành phố N), tỉnh Tây Ninh. Đơn vị thi công công trình là Công ty xây dựng lưới điện 4 (nay là Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Xây lắp điện 4). Chủ đầu tư là Tổng Công ty điện lực Việt Nam (nay là Tập đoàn Điện lực Việt Nam). Khi thực hiện công trình thì UBND phường S, thị xã N có hỗ trợ lập danh sách các hộ dân có đất bị thu hồi hoặc bị thiệt hại về hoa màu, cây trái, công trình trên đất để chủ đầu tư chi trả bồi thường thiệt hại khi xây dựng công trình và có lập danh sách vào năm 2000.
Đối với hộ ông Võ Văn C thì tại thời điểm xây dựng công trình, đất của gia đình ông C đang chuẩn bị trồng mì nên không có thiệt hại xảy ra, không có chân trụ điện trên phần đất gia đình ông C nên địa phương không thống kê trong danh sách hộ dân bị thiệt hại và ngành điện không bồi thường cho ông C.
Mặt khác, theo Giấy CNQSDĐ cấp cho ông C thì mục đích sử dụng là trồng cây hàng năm, gia đình ông C trồng cao su là không đúng mục đích sử dụng đất. Khi cây cao su lớn, Công ty có thông báo cho ông C rong nhánh, tỉa cành nhưng ông C không cho, Công ty có nhờ địa phương hỗ trợ và cho nhân viên vào rong nhánh, tỉa cành, gia đình ông C ngăn cản. Công ty không đồng ý bồi thường theo yêu cầu của ông Võ Văn C.
Tuy nhiên, hiện nay ngành điện lực có chủ trương hỗ trợ người dân có mạng lưới điện đi qua, có trồng cây cao su nằm ngoài hành lang lưới điện 4m, có nguy cơ ngã đổ; nếu cưa hạ sát gốc cây cao su, Công ty sẽ hỗ trợ mỗi cây cao su là 500.000 đồng. Riêng đối với hộ ông C, theo Biên bản thẩm định tại chỗ do Tòa án nhân dân thành phố N, tỉnh N lập có 28 cây cao su, thì Công ty đồng ý hỗ trợ số tiền 506.000 đồng/cây cao su, tổng số tiền hỗ trợ là 14.168.000 đồng, ông C phải hạ sát gốc số cây cao su này.
Tại Bản án dân sự sơ thẩm số 16/2022/DS-ST ngày 10 tháng 3 năm 2022, của Tòa án nhân dân thành phố N, tỉnh Tây Ninh đã quyết định:
Căn cứ vào các Điều 584, 585, 588 và 589 của Bộ luật Dân sự; khoản 4 Điều 26 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH ngày 30 tháng 12 năm 2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định về án phí, lệ phí Tòa án;
1. Chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của ông Võ Văn C về việc “Tranh chấp bồi thường thiệt hại về tài sản” đối với Công ty Điện lực N.
Buộc Công ty Điện lực N bồi thường cho ông Võ Văn C số tiền 21.668.000 đồng; ông C có trách nhiệm cưa sát gốc 28 cây cao su và 75 cây tràm trên phần đất diện tích 10.159,6 m2 thửa đất số 56, tờ bản đồ số 11, đất tọa lạc tại ấp T, xã S, thị xã N (nay là khu phố T, phường S, thành phố N) tỉnh Tây Ninh, do UBND thị xã N (nay là thành phố N) cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số BA 178440 ngày 05-5-2010 cho ông Võ Văn C đứng tên dưới mạng lưới điện đi qua.
Ngoài ra, bản án còn tuyên về án phí, chi phí tố tụng khác và quyền kháng cáo theo quy định của pháp luật.
Ngày 23 tháng 3 năm 2022, ông Võ Văn C có đơn kháng cáo, yêu cầu Tòa án cấp phúc thẩm chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của ông.
Ngày 25 tháng 3 năm 2022, Công ty Điện lực N kháng cáo, không đồng ý bồi thường 75 cây tràm.
Tại phiên tòa phúc thẩm:
* Ông Võ Văn C giữ nguyên yêu cầu khởi kiện, yêu cầu kháng cáo.
* Người bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của ông Võ Văn C trình bày quan điểm: đề nghị Hội đồng xét xử chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của ông Võ Văn C, buộc Công ty Điện lực N bồi thường thiệt hại về tài sản cho ông C là 624.000.000 đồng.
- Trong trường hợp Hội đồng xét xử không chấp nhận yêu cầu bồi thường thiệt hại về đất với số tiền 234.000.000 đồng: đề nghị Hội đồng xét xử căn cứ vào điểm d khoản 2 Điều 5 quy định một số chính sách bồi thường, hỗ trợ tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất trên địa bàn tỉnh Tây Ninh ban hành kèm theo Quyết định số 17/2015/QĐ-UBND ngày 02-4-2015 của Ủy ban nhân dân tỉnh Tây Ninh; Quyết định số 39/2015/QĐ-UBND ngày 27-7-2015 của Ủy ban nhân dân tỉnh Tây Ninh về điều chỉnh, bổ sung điểm d khoản 2 Điều 5 Quy định ban hành kèm theo Quyết định số 17/QĐ-UBND, ngày 02-4-2015 nêu trên. Căn cứ vào Bảng giá đất để làm căn cứ tính tiền sử dụng đất, tiền thuê đất và tiền bồi thường về đất trong quá trình quản lý, sử dụng đất đai trên địa bàn tỉnh Tây Ninh ban hành kèm theo Quyết định số 35/2020/QĐ-UBND ngày 01-9-2020 của Ủy ban nhân dân tỉnh Tây Ninh, thì vị trí đất của ông Võ Văn C được xác định ở xã loại 1 có giá 136.000 đồng/m2. Theo Bản vẽ của Công ty đo đạc bản đồ Miền Nam có trong hồ sơ vụ án thì phần diện tích đất dưới đường điện đi qua thửa đất của ông C bao gồm hành lang an toàn lưới điện là 504,1 m2. Số tiền ông C phải được bồi thường là (136.000 đồng/ m2 x 504,1 m2 x 30% ) = 20.467.000 đồng (làm tròn số).
- Đối với thiệt hại về hoa màu từ năm 2002 đến nay, ông C chỉ yêu cầu 18 năm với số tiền thiệt hại là 324.000.000 đồng là có căn cứ. Đối với thiệt hại về cây cao su và cây tràm, cấp sơ thẩm buộc Công ty bồi thường cho ông C 21.668.000 đồng là chưa xem xét công sức của ông C. Mức bồi thường khoản thiệt hại này theo yêu cầu của ông C là 50.000.000 đồng là hợp lý. Đề nghị Hội đồng xét xử xem xét.
- Về nghĩa vụ chịu án phí dân sự: ông Võ Văn C có hoàn cảnh kinh tế gặp khó khăn, có đơn xin miễn, giảm tiền án phí, được Ủy ban nhân dân phường S, N, tỉnh Tây Ninh xác nhận, trong trường hợp ông C có nghĩa vụ chịu án phí dân sự, đề nghị Hội đồng xét xử xem xét miễn, giảm tiền án phí cho ông C.
* Đại diện Công ty Điện lực N (ông Cao Minh T và ông Phạm Trung H) trình bày, giữ nguyên yêu cầu kháng cáo, lý do Bản án sơ thẩm buộc Công ty Điện lực N bồi thường cho ông 75 cây tràm, số tiền 7.500.000 đồng là không đúng. Vì 75 cây tràm ông C trồng dưới lưới điện 110 KV là vi phạm nghiêm trọng, ông C có nghĩa vụ chặt bỏ mà không được bồi thường. Mặt khác, công trình lưới điện này đã được xây dựng và vận hành đã hơn 20 năm, tại thời điểm đó chưa có quy định bồi thường hạn chế quyền sử dụng đất; đất ông C hiện nay được cấp Giấy CNQSDĐ là do cha ông C đứng tên chủ sử dụng tại thời điểm Công trình lưới điện thi công và không bị thu hồi; trong Giấy CNQSDĐ là đất trồng cây hàng năm, ông C trồng cây lâu năm là vi phạm.
Đối với 28 cây cao su khoảng 19 năm tuổi ông C trồng sát hành lang an toàn lưới điện, để tránh nguy cơ ngã đổ vào lưới điện gây thiệt hại cho Nhà nước, nếu ông C đồng ý chặt bỏ thì Công ty sẽ hỗ trợ giá mỗi cây 506.000 đồng.
* Ông Võ Văn C trình bày, đồng ý nhận tiền bồi thường 28 cây cao su theo đề nghị của Công ty và có trách nhiệm cưa hạ sát gốc 28 cây cao su này.
Ý kiến của Đại diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Tây Ninh:
Về tố tụng: việc tuân theo pháp luật tố tụng của Thẩm phán, Hội đồng xét xử, Thư ký phiên tòa kể từ khi thụ lý vụ án cho đến trước thời điểm Hội đồng xét xử nghị án đã thực hiện đúng quy định của pháp luật. Việc chấp hành pháp luật của người tham gia tố tụng thực hiện đúng quy định của pháp luật.
Về nội dung: đề nghị Hội đồng xét xử căn cứ khoản 2 Điều 308; Điều 309 của Bộ luật Tố tụng dân sự. Không chấp nhận kháng cáo của nguyên đơn; không chấp nhận đề nghị của người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nguyên đơn; chấp nhận kháng cáo của bị đơn; sửa bản án sơ thẩm về bồi thường thiệt hại 75 cây tràm theo hướng Công ty Điện lực N không có trách nhiệm bồi thường cho ông Võ Văn C.
NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN
Căn cứ vào các tài liệu, chứng cứ đã được xem xét tại phiên tòa; căn cứ vào kết quả tranh tụng tại phiên tòa, ý kiến của Kiểm sát viên, Hội đồng xét xử nhận định như sau:
[1] Về thủ tục tố tụng:
[1.1] Các bên đương sự kháng cáo bản án sơ thẩm trong thời hạn luật định, phù hợp với quy định tại Điều 272 và Điều 273 của Bộ luật Tố tụng dân sự, nên được xem xét theo thủ tục phúc thẩm.
[1.2] Tại phiên tòa, ông Võ Thành L là người đại diện theo ủy quyền của nguyên đơn vắng mặt. Tuy nhiên, nguyên đơn – ông Võ Văn C trình bày không tiếp tục ủy quyền cho ông Nguyễn Thành L làm đại diện cho ông tại phiên tòa phúc thẩm. Do đó, căn cứ vào Điều 89 của Bộ luật Tố tụng dân sự, việc ủy quyền tham gia tố tụng giữa ông Võ Văn C và ông Võ Thành L theo văn bản ủy quyền lập ngày 11-11-2020 chấm dứt.
[2] Về nội dung:
Ông Võ Văn C khởi kiện yêu cầu Công ty thường thiệt hại về tài sản gồm: diện tích mặt bằng đất bị lấn chiếm là 949 m2 (ngang 13m , dài 73m) tương đương số tiền 250.000.000 đồng; số hoa màu (củ mì) bị thất thu 18 năm từ năm 2002 đến 2020 là 324.000.000 đồng (6000 kg củ mì/năm x 3.000 đồng/kg x 18 năm =324.000.000 đồng); tổn thất vườn cao su là 50.000.000 đồng. Tổng số tiền yêu cầu bồi thường là 624.000.000 đồng. Công ty không đồng ý bồi thường theo yêu cầu khởi kiện của ông C.
[3] Xét yêu cầu kháng cáo của ông Võ văn C.
[3.1] Công trình đường dây 110KV Tây Ninh – Tân Hưng được đầu tư xây dựng năm 1998 và hoàn thành đóng điện đưa vào vận hành năm 2000, nhằm cung cấp điện tại các huyện C, B, T và một phần khu vực thị xã N (nay là thành phố N), tỉnh Tây Ninh. Công trình lưới điện này có đi qua phần trên không đất của Ông C, qua đo đạc thực tế có diện tích 504,1m2 tại thửa 56, tờ bản đồ số 11, tọa lạc tại khu phố T, phường S, thành phố N, tỉnh Tây Ninh. Khi thi công, Chủ đầu tư xây dựng công trình là Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã yêu cầu Ủy ban nhân dân xã S, thị xã N (nay là phường S, thành phố N), tỉnh Tây Ninh hỗ trợ, thống kê, lập danh sách các hộ dân có đất bị thu hồi hoặc bị thiệt hại về hoa màu, cây trái, công trình trên đất để Chủ đầu tư chi trả bồi thường thiệt hại. Thời điểm thi công công trình, phần diện tích đất 504,1 m2 này do cha ông C là cụ Vũ P sử dụng và được nhà nước cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, mục đích sử dụng đất là trồng cây hàng năm, nhưng thực tế cụ Vũ Pcũng chưa canh tác trồng hoa màu gì trên đất. Đến năm 2003, gia đình ông C trồng cây cao su.
[3.2] Trong đơn khởi kiện ông Võ Văn C yêu cầu Công ty phải bồi thường cho ông diện tích mặt bằng bị lấn chiếm 949 m2 với số tiền 250.000.000 đồng; thực tế thẩm định là 504,1 m2 tại thửa 56, tờ bản đồ số 11; phần diện tích đất này không bị Nhà nước thu hồi, không bị lấn chiếm, lưới điện đi trên không; đất vẫn do gia đình ông C quản lý, sử dụng, nên chủ đầu tư không phải bồi thường. Đất gia đình ông C được Nhà nước cấp mục đích sử dụng là trồng cây hàng năm, việc ông C trồng cây cao su (là loại cây lâu năm) là sử dụng không đúng mục đích sử dụng đất. Tòa án cấp sơ thẩm không chấp nhận yêu cầu của ông C về bồi thường tiền đất bị lấn chiếm là có căn cứ.
[3.3] Đối với yêu cầu bồi thường thiệt hại số hoa màu (cây mì) bị thất thu từ năm 2002 đến nay là 18 năm với số tiền 324.000.000 đồng (6000 kg củ mì/năm x 3.000 đồng/kg x 18 năm = 324.000.000 đồng). Thấy rằng, tại phiên tòa phúc thẩm ông C trình bày, từ khi có lưới điện đi qua, nên diện tích đất 504,1 m2 dưới đường dây điện, gia đình ông không trồng hoa màu được, bỏ đất hoang. Lời trình bày này là không có cơ sở. Bởi lẽ, đường dây điện đi trên không, phần độ võng thấp nhất cách mặt đất là 9,8m, do đó phần diện tích đất phía dưới lưới điện, gia đình ông C canh tác trồng cầy hoa màu hàng năm sẽ không bị ảnh hưởng gì. Mặt khác, trong suốt quá trình giải quyết tại Tòa án cấp sơ thẩm và tại phiên tòa phúc thẩm, ông C cũng không đưa ra được tài liệu, chứng cứ chứng minh thiệt hại sản lượng từ cây mì do bị ảnh hưởng bởi lưới điện đi qua, nên không có căn cứ chấp nhận. Tòa án cấp sơ thẩm không chấp nhận yêu cầu này của ông C là có căn cứ, đúng pháp luật.
[3.4] Đối với thiệt hại về 28 cây cao su trồng gần sát hành lang an toàn lưới điện, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nguyên đơn trình bày, cấp sơ thẩm buộc Công ty bồi thường cho ông C 28 cây cao su trồng vào năm 2003, với số tiền 14.168.000 đồng là chưa xem xét công sức của ông C. Xét thấy, quá trình giải quyết tại Tòa án cấp sơ thẩm, bị đơn không có yêu cầu phản tố, yêu cầu ông C cưa hạ sát gốc 28 cây cao su này, chỉ đưa ra chủ trương của ngành điện, nếu hộ ông C đồng ý hạ sát gốc 28 cây cao su này, Công ty sẽ bồi thường cho ông C mỗi cây giá 506.000 đồng với tổng số tiền bồi thường là 14.168.000 đồng; ông C không đồng ý, cấp sơ thẩm buộc Công ty bồi thường cho ông C và buộc ông C chặt bỏ 28 cây cao su là vượt quá yêu cầu của các đương sự. Tuy nhiên, tại cấp phúc thẩm, Công ty và ông C tự nguyện thỏa thuận, Công ty bồi thường cho ông C 14.168.000 đồng, ông C có trách nhiệm cưa hạ sát gốc 28 cây cao su khoảng 19 năm tuổi trồng gần sát hành lang an toàn lưới điện. Thỏa thuận này là phù hợp, cần ghi nhận.
[4] Xét kháng cáo của Công ty Điện lực N.
Ông C không có khởi kiện yêu cầu bồi thường cây tràm trồng trong diện tích đất 504,1 m2, dưới lưới điện, nhưng sau khi thẩm định thấy dưới lưới điện có 75 cây tràm và cho rằng 75 cây tràm này là hoa màu bị ảnh hưởng bởi lưới điện nên buộc Công ty bồi thường là không có căn cứ. Tuy nhiên, cây tràm là loại cây lâu năm, không phải cây hàng năm, việc ông C trồng 75 cây tràm dưới lưới điện, khi cây phát triển cao lớn, có thể ảnh hưởng đến an toàn lưới điện. Việc buộc ông C phải hủy bỏ hoặc di dời 75 cây tràm này ra khỏi hành lang an toàn lưới điện sẽ được giải quyết bằng vụ án khác khi Công ty có yêu cầu.
[5] Tại phiên tòa phúc thẩm, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nguyên đơn yêu cầu xem xét giải quyết buộc Công ty bồi thường cho ông Cúc về hạn chế quyền sử dụng đất diện tích là 504,1 m2 với giá 136.000 đồng/m2, theo Điều 49 của Luật Đất đai; Quyết định số 17/2015/UBND ngày 02/4/2015; Quyết định số 35/2020/QĐ –UBND ngày 01-9-2020 của UBND tỉnh Tây Ninh, số tiền cụ thể là 20.467.000 đồng (136.000 đồng/ m2 x 504,1 m2 x 30% = 20.467.000 đồng). Yêu cầu này ông Võ Văn C chưa khởi kiện, cấp sơ thẩm chưa giải quyết nên cấp phúc thẩm không có căn cứ giải quyết.
[6] Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nguyên đơn đề nghị Hội đồng xét xử xem xét miễn, giảm tiền án phí cho nguyên đơn, do nguyên đơn có hoàn cảnh kinh tế khó khăn, có đơn xin miễn, giảm tiền án phí, được Ủy ban nhân dân phường S, thành phố N, tỉnh Tây Ninh xác nhận. Xét thấy:
- Tại điểm đ khoản 1 Điều 12 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 quy định: “ Trẻ em; cá nhân thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo; người cao tuổi; người có công với cách mạng; đồng bào dân tộc thiểu số ở các xã có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; thân nhân liệt sĩ được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận gia đình liệt sĩ” là đối tượng được xem xét giảm tiền án phí, lệ phí Tòa án.
- Tại khoản 1 Điều 13 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 quy định: “Người gặp sự kiện bất khả kháng dẫn đến không có tài sản để nộp tạm ứng án phí, án phí, tạm ứng lệ phí Tòa án, lệ phí Tòa án có xác nhận của Ủy ban nhân dân cấp xã nơi người đó cư trú thì được giảm 50% mức tạm ứng án phí, án phí, tạm ứng lệ phí Tòa án, lệ phí Tòa án mà người đó phải nộp”.
Căn cứ vào các quy định trên, ông C không thuộc đối tượng được miễn, giảm án phí. Do đó, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nguyên đơn đề nghị Hội đồng xét xử xem xét miễn, giảm tiền án phí cho nguyên đơn là không có căn cứ.
[7] Từ những phân tích trên, Hội đồng xét xử chấp nhận một phần kháng cáo của ông Võ Văn C; chấp nhận kháng cáo của Công ty Điện lực N; chấp nhận một phần đề nghị của người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của ông C; chấp nhận một phần đề nghị của Kiểm sát viên; sửa bản án sơ thẩm.
[8] Về án phí: căn cứ khoản 1 Điều 147; khoản 2 Điều 148 của Bộ luật Tố tụng dân sự; khoản 4 Điều 26; khoản 2 Điều 29 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14, ngày 30-12-2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án.
Do sửa bản án sơ thẩm, nên các bên đương sự không phải chịu tiền án phí dân sự phúc thẩm. Điều chỉnh lại án phí dân sự sơ thẩm.
[9] Về chi phí tố tụng: căn cứ Điều 157 và Điều 165 Bộ luật Tố tụng dân sự: ông Võ Văn C phải chịu 20.800.000 (hai mươi triệu tám trăm nghìn) đồng tiền chi phí xem xét, thẩm định tại chỗ; chi phí thẩm định, định giá tài sản. Ghi nhận ông C đã nộp xong.
Vì các lẽ trên,
QUYẾT ĐỊNH
Căn cứ khoản 2 Điều 308; khoản 1 Điều 309 của Bộ luật Tố tụng dân sự;
Chấp nhận một phần kháng cáo của ông Võ Văn C.
Chấp nhận kháng cáo của Công ty Điện lực N.
Sửa Bản án dân sự sơ thẩm số 16/2022/DS-ST ngày 10 tháng 3 năm 2022 của Tòa án nhân dân thành phố N, tỉnh Tây Ninh.
Căn cứ Điều 27 của Luật Đất đai năm 1993; Điều 94, 157 của Luật Đất đai năm 2013; Điều 190; Điều 584; Điều 589 của Bộ luật Dân sự; khoản 1 Điều 147; khoản 2 Điều 148 của Bộ luật Tố tụng dân sự; khoản 4 Điều 26; khoản 2 Điều 29 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30-12-2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án;
1. Không chấp nhận yêu cầu cầu khởi kiện “Tranh chấp bồi thường thiệt hại do tài sản bị xâm phạm” của ông Võ Văn C đối với Công ty Điện lực N về bồi thường diện tích đất bị lấn chiếm (theo đo đạc thực tế 504,1 m2) số tiền là 250.000.000 đồng và thiệt hại số hoa màu (cây mì) bị thất thu 18 năm (từ năm 2002 đến năm 2020) với số tiền 324.000.000 đồng. Tổng cộng là 574.000.000 (năm trăm bảy mươi bốn nghìn) đồng.
2. Công nhận sự tự nguyện thỏa thuận của ông Võ Văn C và Công ty Điện lực N về bồi thường tổn thất hàng cây cao su trồng gần sát hành lang an toàn lưới điện.
- Công ty Điện lực N có trách nhiệm bồi thường cho ông Võ Văn C 28 (hai mươi tám) cây cao su trồng vào năm 2003, gần sát hành lang an toàn lưới điện qua đất của ông C (theo đo đạc thực tế diện tích 504,1 m2, thửa số 56, tờ bản đồ số 11, đất tọa lạc tại khu phố T, phường S, thành phố N, tỉnh N; đã được cấp Giấy CNQSD đất số BA 178440 ngày 05-5-2010, cấp cho ông Võ Văn C đứng tên chủ sử dụng) số tiền 14.168.000 (mười bốn triệu một trăm sáu mươi tám nghìn) đồng.
- Ông Võ Văn C có trách nhiệm cưa, hạ sát gốc 28 (hai mươi tám) cây cao su gần sát hành lang an toàn lưới điện nói trên.
3. Công ty Điện lực N không có trách nhiệm bồi thường 75 cây tràm trồng trong diện tích đất của ông Võ Văn C dưới lưới điện (theo đo đạc thực tế diện tích 504,1 m2, thửa số 56, tờ bản đồ số 11, đất tọa lạc tại khu phố T, phường S, thành phố N, tỉnh N; đã được cấp Giấy CNQSD đất số BA 178440 ngày 05-5-2010, cấp cho ông Võ Văn C đứng tên chủ sử dụng) số tiền 7.500.000 (bảy triệu năm trăm nghìn) đồng. Việc buộc ông Võ Văn C phải hủy bỏ hoặc di dời 75 (bảy mươi lăm) cây tràm này ra khỏi diện tích đất dưới lưới điện nêu trên sẽ được giải quyết bằng vụ án khác khi Công ty Điện lực N có yêu cầu.
(Kèm theo sơ đồ hiện trạng sử dụng đất do Công ty TNHH Trắc địa và Bản đồ Miền Nam đo đạc ngày 08-12-2020)
4. Kể từ ngày ông C có đơn yêu cầu thi hành án, Công ty Điện lực N chưa thi hành số tiền nêu trên, thì hàng tháng còn phải trả cho ông C số tiền lãi đối với số tiền chậm trả tương ứng với thời gian chậm trả theo quy định tại Khoản 2 Điều 468 của Bộ luật Dân sự.
5. Về án phí: căn cứ khoản 1 Điều 147; khoản 2 Điều 148 của Bộ luật Tố tụng dân sự; khoản 4 Điều 26; khoản 2 Điều 29 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14, ngày 30-12-2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án.
5.1. Án phí dân sự sơ thẩm.
- Công ty Điện lực N phải chịu 708.400 (bảy trăm lẻ tám nghìn bốn trăm) đồng.
- Ông Võ Văn C phải chịu 26.960.000 đồng; được khấu trừ vào số tiền tạm ứng án phí đã nộp 14.480.000 đồng, theo biên lai thu số 0000339 ngày 27-7-2020 của Chi cục Thi hành án dân sự thành phố N, tỉnh N; ông C còn phải nộp 12.480.000 (mười hai triệu bốn trăm tám mươi nghìn) đồng tiền án phí.
5.2. Án phí dân sự phúc thẩm Ông Võ Văn C và Công ty Điện lực N không phải chịu án phí dân sự phúc thẩm.
- Ông Võ Văn C được nhận lại 300.000 (ba trăm nghìn) đồng tiền tạm ứng án phí dân sự phúc thẩm đã nộp tại Biên lai thu số 0000877 ngày 25-3-2022 của Chi cục Thi hành án dân sự thành phố N, tỉnh N.
- Công ty Điện lực N được nhận lại 300.000 (ba trăm nghìn) đồng tiền tạm ứng án phí dân sự phúc thẩm đã nộp tại Biên lai thu số 0000878 ngày 25-3-2022 của Chi cục Thi hành án dân sự thành phố N, tỉnh N.
6. Về chi phí tố tụng: căn cứ Điều 157 và Điều 165 Bộ Luật tố tụng dân sự: Ông Võ Văn C phải chịu 20.800.000 (hai mươi triệu tám trăm nghìn) đồng tiền chi phí xem xét, thẩm định tại chỗ; chi phí thẩm định, định giá tài sản. Ghi nhận ông C đã nộp xong.
7. Trường hợp bản án được thi hành theo quy định tại Điều 2 của Luật Thi hành án dân sự, thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thỏa thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các điều 6, 7 và 9 của Luật Thi hành án dân sự; thời hiệu thi hành án được thực hiện theo quy định tại Điều 30 của Luật Thi hành án dân sự.
8. Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án.
Bản án về tranh chấp yêu cầu bồi thường thiệt hại do tài sản bị xâm phạm số 109/2022/DS-PT
Số hiệu: | 109/2022/DS-PT |
Cấp xét xử: | Phúc thẩm |
Cơ quan ban hành: | Tòa án nhân dân Tây Ninh |
Lĩnh vực: | Dân sự |
Ngày ban hành: | 29/06/2022 |
Vui lòng Đăng nhập để có thể tải về