TÒA ÁN NHÂN DÂN TỈNH HẬU GIANG
BẢN ÁN 50/2022/DS-PT NGÀY 29/04/2022 VỀ TRANH CHẤP YÊU CẦU BỒI THƯỜNG THIỆT HẠI DO TÀI SẢN BỊ XÂM PHẠM
Ngày 29 tháng 4 năm 2022, tại trụ sở Tòa án nhân dân tỉnh Hậu Giang xét xử phúc thẩm công khai vụ án thụ lý số: 93/2021/TLPT-DS ngày 01 tháng 12 năm 2021 về “Tranh chấp bồi thường thiệt hại do tài sản bị xâm phạm”.
Do bản án dân sự sơ thẩm số 24/2021/DS-ST ngày 10 tháng 9 năm 2021 của Toà án nhân dân huyện C, tỉnh Hậu Giang bị kháng cáo.
Theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm số: 32/2022/QĐPT-DS ngày 01 tháng 3 năm 2022, Quyết định hoãn phiên tòa dân sự phúc thẩm số 40/2022/QĐ-PT ngày 30 tháng 3 năm 2022, giữa các đương sự:
1. Nguyên đơn: Ông Lê Văn G.
Địa chỉ: Ấp Thị Tr, thị trấn Ngã S, huyện C, tỉnh Hậu Giang. Người đại diện theo ủy quyền: Ông Lê Tuấn Kh.
Địa chỉ: Ấp Thị Tr, thị trấn Ngã S, huyện C, tỉnh Hậu Giang, có mặt.
2. Bị đơn:
1. Ông Nguyễn Thanh S.
2. Bà Bùi Thị Thúy Ng.
Cùng địa chỉ: Ấp Thị Tr, thị trấn Ngã S, huyện C, tỉnh Hậu Giang. Người đại diện theo ủy quyền của ông S: Ông Mai Quang Th.
Địa chỉ: Ấp Thị T, thị trấn Một N, huyện C A, tỉnh Hậu Giang, có mặt.
4. Người kháng cáo: Ông Lê Văn G là nguyên đơn trong vụ án.
NỘI DUNG VỤ ÁN
Theo bản án sơ thẩm và các tài liệu có trong hồ sơ thì nội dung vụ án như sau:
Trong đơn khởi kiện và quá trình tố tụng tại Tòa án, nguyên đơn trình bày như sau:
Vào mùa khô năm 2020, ông S và bà Ng có tập kết Robe tại phần đất của ông S và bà Ng. Để thuận tiện cho việc di chuyển ông S, bà Ng đã ban hết phần đê bao chống lũ. Đến khi mùa lũ đến đã không khắc phục lại như ban đầu, nên nữa đầu tháng 9 âm lịch nước lũ dâng tràn vào làm ngập ao nuôi Baba, ao cá Tra, cá Tai tượng. Gây thiệt hại 1.200 con Ba ba khoảng 3 con/kg, 1.500 con cá Tra và cá Tai Tượng. Tổng thiệt hại là 37.000.000đồng. Yêu cầu giải quyết buộc ông S, bà Ng bồi thường cho nguyên đơn số tiền bị thiệt hại trên.
Quá trình giải quyết vụ án và tại phiên tòa sơ thẩm bị đơn trình bày: Phần đất tập kết Robe thuộc quyền sử dụng của bị đơn. Quá trình tập kết không làm hư hỏng đê bao chống lũ. Việc nước lũ tràn vào ao của nguyên đơn không phải do bị đơn nên không đồng ý bồi thường theo yêu cầu của nguyên đơn.
Tại bản án sơ thẩm số 24/2021/DS-ST ngày 10 tháng 9 năm 2021 của Tòa án nhân dân huyện C, tỉnh Hậu Giang tuyên xử như sau:
Không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn.
Án phí dân sự sơ thẩm: Ông Lê Văn G phải nộp 1.850.000đồng. Chuyển 925.000đồng tiền tạm ứng án phí, theo biên lai thu tiền số 0007597 ngày 07 tháng 01 năm 2020 của Chi cục thi hành án dân sự huyện C, tỉnh Hậu Giang thành án phí. Ông Lê Văn G còn phải nộp thêm 925.000đồng.
Chi phí thẩm định và định giá: Ông Lê Văn G phải nộp 1.000.000đồng, ông Ghi đã nộp đủ và Tòa án đã chi trả thực tế.
Ngoài ra bản án còn tuyên về quyền yêu cầu thi hành án, quyền kháng cáo của đương sự.
Ngày 24 tháng 9 năm 2021, nguyên đơn ông Lê Văn G kháng cáo bản án sơ thẩm số 24/2021/DS-ST ngày 10 tháng 9 năm 2021 của Tòa án nhân dân huyện C, tỉnh Hậu Giang: Đề nghị Tòa án cấp phúc thẩm buộc bị đơn bồi thường thiệt hại số tiền 37.000.000đồng theo đúng đơn kiện.
Tại phiên tòa phúc thẩm, người đại diện theo ủy quyền của nguyên đơn vẫn giữ nguyên yêu cầu kháng cáo và cung cấp thêm chứng cứ về việc mua baba, đầu tôm và thức ăn.
Người đại diện theo ủy quyền của nguyên đơn trình bày: Bị đơn có hành vi trái pháp luật gây thiệt hại cho nguyên đơn, ban đê chống lũ nhưng không khắc phục lại như ban đầu. Thiệt hại của nguyên đơn có xác minh của phòng nông nghiệp (biên bản ngày 30/10/2020), nhà nguyên đơn cách nhà bị đơn hơn 30m. Gần nhà bị đơn cũng có người khác nuôi baba như nguyên đơn, khi lũ về nhưng họ không có bị thiệt hại, do rào chắn cao ráo, kiên cố, nguyên đơn khi nuôi thả có dừng tole dưới mương, trên bờ có rào lưới. Nguyên đơn có rào chắn nhưng vẫn bị thiệt hại do không được kiên cố như những hộ nuôi khác, nhưng nếu không ngập do lũ thì không có thiệt hại. Thiệt hại của nguyên đơn không có cơ quan chuyên môn xác định cụ thể bằng việc cân, đếm mà do nguyên đơn đánh giá dựa vào tình hình thức ăn. Thời điểm bị đơn ban đê chống lũ không có bị lập biên bản hay bị xử lý vi phạm.
Người đại diện theo ủy quyền của bị đơn trình bày: Đê chống lũ là do người dân tự xây đắp, thời điểm nước lũ tràn thì tràn vào nhiều vị trí, không phải chỉ tràn một vị trí chỗ phần đất bị đơn. Phần đất nguyên đơn là đất nông nghiệp nhưng sử dụng vào mục đích nuôi thủy sản…là sử dụng đất không đúng mục đích. Các căn cứ thiệt hại đều do nguyên đơn tự đưa ra, không có bằng chứng cự thể. Thiệt hại của nguyên đơn là do nguyên đơn không làm tốt công tác bảo vệ tài sản, do gần nhà bị đơn 10m vẫn có hai hầm nuôi baba của người khác nhưng họ không bị thiệt hại. Đề nghị không chấp nhận yêu cầu của nguyên đơn. Bị đơn không bị xử lý vi phạm hay bị lập biên bản gì về việc ban phá đê chống lũ.
Đại diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Hậu Giang phát biểu quan điểm từ giai đoạn thụ lý đến khi đưa vụ án ra xét xử Tòa án đã tiến hành đúng các quy định của pháp luật tố tụng dân sự. Về nội dung vụ án, đề nghị áp dụng khoản 1 Điều 308 của Bộ luật tố tụng dân sự, không chấp nhận kháng cáo của nguyên đơn, giữ nguyên bản án dân sự sơ thẩm của Tòa án nhân dân huyện C, tỉnh Hậu Giang.
NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN
Căn cứ vào các tài liệu, chứng cứ đã được xem xét và kết quả tranh tụng tại phiên tòa, Hội đồng xét xử nhận định:
[1] Sau khi xét xử sơ thẩm, nguyên đơn kháng cáo trong thời hạn luật định nên được xem xét theo trình tự phúc thẩm.
[2] Đối với kháng cáo của nguyên đơn, Hội đồng xét xử xét thấy:
[2.1] Nguyên đơn cho rằng bị đơn đã ban hết phần đê bao chống lũ để tập kết Robe thuận tiện nhưng không khắc phục lại như ban đầu làm nước lũ dâng tràn vào ao nuôi cá, baba của nguyên đơn gây thiệt hại nên phải bồi thường số tiền 37.000.000đồng. Đây là tranh chấp bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng.
Theo quy định tại khoản 5 Điều 275, Điều 584 Bộ luật dân sự 2015 và theo tinh thần của Nghị quyết số: 03/2006/NQ-HĐTP ngày 08 tháng 7 năm 2006 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao thì trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng chỉ phát sinh khi có đầy đủ các yếu tố: “Phải có thiệt hại xảy ra;
Phải có hành vi trái pháp luật; Phải có mối quan hệ nhân quả giữa thiệt hại xảy ra và hành vi trái pháp luật. Thiệt hại xảy ra phải là kết quả tất yếu của hành vi trái pháp luật và ngược lại hành vi trái pháp luật là nguyên nhân gây ra thiệt hại; Phải có lỗi cố ý hoặc lỗi vô ý của người gây thiệt hại”.
Xét thấy:
- Về thiệt hại xảy ra: Nguyên đơn yêu cầu bồi thường số lượng Baba, cá Tra, cá Tai tượng bị thiệt hại trong khi số lượng yêu cầu bồi thường chỉ là nguyên đơn ước lượng, thời điểm nguyên đơn cho rằng bị thiệt hại nhưng không có cân, đếm số lượng cụ thể còn lại khi đó. Theo hồ sơ thể hiện chỉ có biên bản xác minh thiệt hại do tràn đê ngày 30 tháng 10 năm 2020, biên bản này chỉ thể hiện ông Lê Văn G cung cấp thông tin, ngoài ra không thể hiện nội dung gì khác như sau khi xác minh thì sự việc như thế nào, không có kết luận gì về vấn đề ông G cung cấp, biên bản ký tên cũng không đầy đủ thành phần. Do vậy, biên bản này không đủ căn cứ chứng minh số lượng thiệt hại của nguyên đơn, chứng minh nguyên đơn có thiệt hại.
- Mặt khác, Nguyên đơn cho rằng bị đơn ban đê chống lũ để tập kết Robe nhưng không cung cấp được chứng cứ, chứng minh thời điểm bị đơn phá đê bao chống lũ là khi nào, không có chứng cứ thể hiện nguyên đơn phát hiện bị đơn phá đê. Tại phiên tòa sơ thẩm, nguyên đơn trình bày không chứng kiến việc bị đơn phá đê, đồng thời bị đơn không thừa nhận vấn đề này. Hơn nữa, theo trình bày của các đương sự thì phần đất đê bao chống lũ tại vị trí nhà ông S thuộc giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của gia đình ông S, phần đê bao này là do người dân tự xây để bảo vệ tài sản của cá nhân, không phải đê bao chống lũ do nhà nước quản lý. Khi sự việc xảy ra, phía bị đơn cũng có khắc phục việc tràn đê. Tuy nhiên, việc lũ lụt là hiện tượng thiên nhiên, nguyên đơn không chứng minh được việc nước tràn vào ao gây thiệt hại là do hành vi trái pháp luật hoặc do lỗi của bị đơn. Bị đơn không bị xử lý vi phạm hay bị lập biên bản gì về việc ban phá đê chống lũ.
Theo trình bày của đương sự tại phiên tòa thì phần đất giữa gia đình nguyên đơn và bị đơn cách nhau gần 60m, ở giữa vẫn có những hộ dân khác nuôi thủy sản, tuy nhiên, họ không bị thiệt hại do rào chắn tốt và chắc chắn. Điều này, một phần nào chứng minh nguyên đơn nuôi thủy sản nhưng không làm tốt các biện pháp bảo vệ, rào chắn để giữ gìn tài sản, trong khi hàng năm vẫn có lũ dâng lên.
Những căn cứ nguyên đơn đưa ra đều là lời trình bày một phía của nguyên đơn. Do vậy, Tòa án cấp sơ thẩm không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn là có căn cứ.
[2.2] Tại phiên tòa phúc thẩm, nguyên đơn cung cấp thêm tài liệu, chứng cứ là hình ảnh, văn bản giải trình, xác nhận mua bán thức ăn cho nguyên đơn, cung cấp giống baba, xác nhận bán thức ăn là đầu tôm cho nguyên đơn. Tuy nhiên, những chứng cứ này không chứng minh được cho yêu cầu kháng cáo của nguyên đơn.
Từ những cơ sở trên, không có căn cứ chấp nhận kháng cáo của nguyên đơn.
[3] Chấp nhận đề nghị của đại diện Viện kiểm sát tại phiên tòa, giữ nguyên bản án sơ thẩm.
[4] Về án phí dân sự phúc thẩm: Nguyên đơn phải chịu theo quy định là 300.000đồng.
Vì các lẽ trên;
QUYẾT ĐỊNH
Căn cứ khoản 1 Điều 308 của Bộ luật tố tụng dân sự; Điều 584, 585, 590, 592 Bộ luật dân sự 2015; Nghị quyết số 03/2006/NQ-HĐTP ngày 08/7/2006 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao; Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30 tháng 12 năm 2016 của Ủy ban thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án.
Không chấp nhận kháng cáo Nguyên đơn ông Lê Văn G. Giữ nguyên bản án dân sự sơ thẩm số 24/2021/DS-ST ngày 10 tháng 09 năm 2021 của Tòa án nhân dân huyện C, tỉnh Hậu Giang.
Tuyên xử:
1. Không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn.
2. Án phí dân sự sơ thẩm: Ông Lê Văn G phải nộp 1.850.000đồng. Chuyển 925.000đồng tiền tạm ứng án phí, theo biên lai thu tiền số 0007597 ngày 07 tháng 01 năm 2020 của Chi cục thi hành án dân sự huyện C, tỉnh Hậu Giang thành án phí. Ông Lê Văn G còn phải nộp thêm 925.000đồng.
3. Chi phí thẩm định và định giá: Ông Lê Văn G phải nộp 1.000.000đồng, ông G đã nộp đủ và Tòa án đã chi trả thực tế.
4. Về án phí dân sự phúc thẩm: Nguyên đơn phải chịu 300.000đồng. Được khấu trừ vào số tiền tạm ứng án phí đã nộp 300.000đồng theo biên lai thu số 0010009 ngày 07 tháng 10 năm 2021 của Chi cục Thi hành án dân sự huyện C, tỉnh Hậu Giang thành án phí.
5. Trường hợp bản án, quyết định được thi hành theo quy định tại Điều 2 Luật thi hành án dân sự thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thỏa thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi 5 hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các điều 6, 7 và 9 Luật thi hành án dân sự; thời hiệu thi hành án được thực hiện theo quy định tại Điều 30 Luật thi hành án dân sự.
Bản án phúc thẩm có hiệu lực kể từ ngày tuyên án, ngày 29/4/2022
Bản án về tranh chấp yêu cầu bồi thường thiệt hại do tài sản bị xâm phạm số 50/2022/DS-PT
Số hiệu: | 50/2022/DS-PT |
Cấp xét xử: | Phúc thẩm |
Cơ quan ban hành: | Tòa án nhân dân Hậu Giang |
Lĩnh vực: | Dân sự |
Ngày ban hành: | 29/04/2022 |
Vui lòng Đăng nhập để có thể tải về