Học sinh có trách nhiệm học tập pháp luật hay không?
Học sinh có trách nhiệm học tập pháp luật hay không?
Căn cứ theo quy định tại Điều 2 Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật 2012 về quyền được thông tin về pháp luật và trách nhiệm tìm hiểu, học tập pháp luật của công dân như sau:
Quyền được thông tin về pháp luật và trách nhiệm tìm hiểu, học tập pháp luật của công dân
1. Công dân có quyền được thông tin về pháp luật và có trách nhiệm chủ động tìm hiểu, học tập pháp luật.
2. Nhà nước bảo đảm, tạo điều kiện cho công dân thực hiện quyền được thông tin về pháp luật
Như vậy, đối chiếu quy định trên thì nói rất rõ rằng công dân (trong đó bao gồm tất cả người dân có cả học sinh) đều có quyền được thông tin về pháp luật và có trách nhiệm chủ động tìm hiểu, học tập pháp luật.
Học sinh có trách nhiệm học tập pháp luật hay không? (Hình từ Internet)
5 nguyên tắc trong công tác phổ biến giáo dục pháp luật là gì?
Căn cứ theo Điều 5 Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật 2012 quy định về các nguyên tắc phổ biến, giáo dục pháp luật như sau:
Nguyên tắc 1. Chính xác, đầy đủ, rõ ràng, dễ hiểu, thiết thực.
Nguyên tắc 2. Kịp thời, thường xuyên, có trọng tâm, trọng điểm.
Nguyên tắc 3. Đa dạng các hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật, phù hợp với nhu cầu, lứa tuổi, trình độ của đối tượng được phổ biến, giáo dục pháp luật và truyền thống, phong tục, tập quán tốt đẹp của dân tộc.
Nguyên tắc 4. Gắn với việc thi hành pháp luật, thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh của đất nước, của địa phương và đời sống hằng ngày của người dân.
Nguyên tắc 5. Phối hợp chặt chẽ giữa cơ quan, tổ chức, gia đình và xã hội.
Cơ quan nhà nước quản lý về phổ biến giáo dục pháp luật ra sao?
Căn cứ theo quy định tại Điều 6 Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật 2012 thì việc cơ quan nhà nước quản lý về phổ biến giáo dục pháp luật như sau:
* Đối với nội dung quản lý nhà nước về phổ biến, giáo dục pháp luật bao gồm:
- Xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật, chương trình, kế hoạch về phổ biến, giáo dục pháp luật;
- Chỉ đạo, hướng dẫn và tổ chức thực hiện công tác phổ biến, giáo dục pháp luật;
- Bồi dưỡng kiến thức pháp luật, nghiệp vụ phổ biến, giáo dục pháp luật;
- Xây dựng và quản lý cơ sở dữ liệu quốc gia về pháp luật;
- Thống kê, tổng kết về phổ biến, giáo dục pháp luật;
- Thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và xử lý vi phạm trong phổ biến, giáo dục pháp luật;
- Hợp tác quốc tế về phổ biến, giáo dục pháp luật.
* Đối với cơ quan quản lý nhà nước về phổ biến, giáo dục pháp luật bao gồm:
- Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về phổ biến, giáo dục pháp luật;
- Bộ Tư pháp chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về phổ biến, giáo dục pháp luật; chủ trì xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành chương trình, kế hoạch dài hạn, trung hạn về phổ biến, giáo dục pháp luật; chủ trì xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về pháp luật;
- Bộ, cơ quan ngang bộ trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm phối hợp với Bộ Tư pháp thực hiện quản lý nhà nước về phổ biến, giáo dục pháp luật;
- Uỷ ban nhân dân các cấp có trách nhiệm thực hiện quản lý nhà nước về phổ biến, giáo dục pháp luật tại địa phương.
Chi tiết 8 hình thức phổ biến giáo dục pháp luật hiện nay?
Căn cư theo quy định tại Điều 11 Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật 2012 thì 8 hình thức phổ biến giáo dục pháp luật hiện nay gồm:
[1] Họp báo, thông cáo báo chí.
[2] Phổ biến pháp luật trực tiếp; tư vấn, hướng dẫn tìm hiểu pháp luật; cung cấp thông tin, tài liệu pháp luật.
[3] Thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, loa truyền thanh, internet, pa-nô, áp-phích, tranh cổ động; đăng tải trên Công báo; đăng tải thông tin pháp luật trên trang thông tin điện tử; niêm yết tại trụ sở, bảng tin của cơ quan, tổ chức, khu dân cư.
[4] Tổ chức thi tìm hiểu pháp luật.
[5] Thông qua công tác xét xử, xử lý vi phạm hành chính, hoạt động tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân và hoạt động khác của các cơ quan trong bộ máy nhà nước; thông qua hoạt động trợ giúp pháp lý, hòa giải ở cơ sở.
[6] Lồng ghép trong hoạt động văn hóa, văn nghệ, sinh hoạt của tổ chức chính trị và các đoàn thể, câu lạc bộ, tủ sách pháp luật và các thiết chế văn hóa khác ở cơ sở.
[7] Thông qua chương trình giáo dục pháp luật trong các cơ sở giáo dục của hệ thống giáo dục quốc dân.
[8] Các hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật khác phù hợp với từng đối tượng cụ thể mà các cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền có thể áp dụng để bảo đảm cho công tác phổ biến, giáo dục pháp luật đem lại hiệu quả.
*Chi tiết về hình thức: Họp báo, thông cáo báo chí về văn bản quy phạm pháp luật như sau: (Điều 12 Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật 2012)
- Văn phòng Chủ tịch nước chủ trì phối hợp với Văn phòng Quốc hội, cơ quan chủ trì soạn thảo tổ chức họp báo và ra thông cáo báo chí về luật, pháp lệnh, nghị quyết chứa đựng quy phạm pháp luật của Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội sau khi Chủ tịch nước ký lệnh công bố.
- Hằng tháng, Bộ Tư pháp chủ trì phối hợp với Văn phòng Chính phủ và cơ quan chủ trì soạn thảo ra thông cáo báo chí về văn bản quy phạm pháp luật do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành.
- Nội dung của thông cáo báo chí nêu rõ sự cần thiết, mục đích ban hành và nội dung chủ yếu của văn bản quy phạm pháp luật.
*Chi tiết về hình thức: Đăng tải thông tin pháp luật trên trang thông tin điện tử như sau: (Điều 13 Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật 2012)
- Các thông tin pháp luật sau đây phải được đăng tải trên trang thông tin điện tử của bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Kiểm toán Nhà nước, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và cơ quan trung ương của tổ chức chính trị - xã hội, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh:
+ Văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến lĩnh vực hoạt động của cơ quan, tổ chức;
+ Văn bản quy phạm pháp luật do cơ quan ban hành hoặc do cơ quan, tổ chức phối hợp ban hành;
+ Các thủ tục hành chính liên quan trực tiếp đến người dân, doanh nghiệp thuộc trách nhiệm của cơ quan, tổ chức;
+ Dự thảo văn bản quy phạm pháp luật được công bố để lấy ý kiến theo quy định của pháp luật.
- Ngoài ra còn khuyến khích các cơ quan, tổ chức đăng tải trên trang thông tin điện tử các thông tin khác về hoạt động xây dựng và thực hiện pháp luật, hỏi - đáp pháp luật cần thiết cho người dân.
*Chi tiết về hình thức: Phổ biến, giáo dục pháp luật trên các phương tiện thông tin đại chúng (Điều 14 Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật 2012)
Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam, Báo Nhân dân, báo của các cơ quan bảo vệ pháp luật, báo và đài phát thanh, đài truyền hình cấp tỉnh xây dựng chương trình, chuyên trang, chuyên mục về pháp luật; đa dạng hóa các hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật để phổ biến các quy định của pháp luật, tình hình thi hành pháp luật và các thông tin khác về pháp luật.
*Chi tiết về hình thức: Tư vấn, hướng dẫn tìm hiểu pháp luật, cung cấp thông tin, tài liệu pháp luật (Điều 15 Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật 2012)
- Cơ quan, tổ chức, cá nhân đang xem xét, giải quyết vụ việc của công dân có trách nhiệm giải thích, cung cấp các quy định của pháp luật có liên quan trực tiếp đến vụ việc đang giải quyết hoặc hướng dẫn tìm kiếm, tra cứu trên cơ sở dữ liệu quốc gia về pháp luật khi công dân đó có yêu cầu.
- Nhà nước có chính sách khuyến khích tổ chức tư vấn pháp luật, các tổ chức dịch vụ pháp lý khác, cơ sở đào tạo và cơ sở nghiên cứu chuyên ngành luật thực hiện việc tư vấn, hướng dẫn tìm hiểu pháp luật, cung cấp thông tin, tài liệu pháp luật miễn phí cho nhân dân.
*Chi tiết về hình thức: Phổ biến, giáo dục pháp luật thông qua công tác xét xử, xử lý vi phạm hành chính, hoạt động tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo (Điều 16 Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật 2012)
- Tòa án nhân dân các cấp thông qua công tác xét xử tại trụ sở, lựa chọn các vụ án thích hợp có tính giáo dục cao để tổ chức xét xử lưu động nhằm phổ biến, giáo dục pháp luật cho người tham dự phiên tòa và nhân dân.
- Cơ quan nhà nước có thẩm quyền thông qua việc xử lý vi phạm hành chính, hoạt động tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, tổ chức đối thoại với người dân để kết hợp phổ biến, giáo dục pháp luật.
- Điều kiện dự tuyển học trường trung học phổ thông dân tộc nội trú là gì?
- Hiệu trưởng trường trung cấp có nhiệm kỳ bao nhiêu năm?
- Chế độ giảm định mức tiết dạy với giáo viên phổ thông kiêm nhiệm công tác Đảng trong nhà trường?
- Tiêu chuẩn cơ sở vật chất của Trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên thế nào?
- Điều kiện thành lập văn phòng đại diện giáo dục nước ngoài tại Việt Nam là gì?
- Vật liệu polime là gì? Vật liệu polime được học trong chương trình lớp mấy?
- Top bàn luận về việc học sinh đi học muộn? Ngữ liệu trong Ngữ văn lớp 9 phải đảm bảo tiêu chí nào?
- Chỉ thị toàn dân kháng chiến ra đời khi nào? Học sinh lớp 9 được xem là cấp mấy?
- Top 05 mẫu viết đoạn văn nêu tình cảm, cảm xúc đối với một người mà em yêu quý ngắn gọn, cảm xúc môn Tiếng Việt lớp 3?
- Tác động của trật tự thế giới hai cực Ianta đối với Việt Nam là gì? Trật tự thế giới được học trong môn Lịch sử lớp 12 đúng không?