Hóa đơn VAT là gì? Hóa đơn VAT có được chứng thực hay không?

Thế nào hóa đơn VAT? Hóa đơn VAT có được chứng thực không?

Hóa đơn VAT là gì?

Căn cứ quy định tại khoản 1 Điều 3 Nghị định 123/2020/NĐ-CP, hóa đơn là chứng từ kế toán do tổ chức, cá nhân bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ lập, ghi nhận thông tin bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ. Hóa đơn được thể hiện theo hình thức hóa đơn điện tử hoặc hóa đơn do cơ quan thuế đặt in.

Như vậy, hóa đơn VAT hay còn gọi là hóa đơn GTGT (hóa đơn giá trị gia tăng) hay hóa đơn đỏ là một loại chứng từ do người bán lập, xuất cho người mua hàng hóa, dịch vụ để ghi nhận giá trị hàng hóa, dịch vụ đã bán/cung cấp để phục vụ cho việc kê khai, nộp thuế GTGT.

Hóa đơn VAT sử dụng cho các hoạt động nào?

Căn cứ quy định tại khoản 1 Điều 8 Nghị định 123/2020/NĐ-CP thì hóa đơn VAT (hóa đơn GTGT) là hóa đơn dành cho các tổ chức khai thuế GTGT theo phương pháp khấu trừ sử dụng cho các hoạt động:

- Bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ trong nội địa;

- Hoạt động vận tải quốc tế;

- Xuất vào khu phi thuế quan và các trường hợp được coi như xuất khẩu;

- Xuất khẩu hàng hóa, cung cấp dịch vụ ra nước ngoài.

Hóa đơn VAT có được chứng thực hay không?

Hóa đơn VAT là gì? Hóa đơn VAT có được chứng thực hay không? (Hình từ Internet)

Hóa đơn VAT có được chứng thực hay không?

Theo quy định tại Điều 2 Nghị định 23/2015/NĐ-CP về các loại chứng thực gồm:

- “Chứng thực bản sao từ bản chính” là việc cơ quan, tổ chức có thẩm quyền theo quy định tại Nghị định 23/2015/NĐ-CP căn cứ vào bản chính để chứng thực bản sao là đúng với bản chính.

Trong đó, bản chính là những giấy tờ, văn bản do cơ quan, tổ chức có thẩm quyền cấp lần đầu, cấp lại, cấp khi đăng ký lại; những giấy tờ, văn bản do cá nhân tự lập có xác nhận và đóng dấu của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền.

- “Chứng thực chữ ký” là việc cơ quan, tổ chức có thẩm quyền theo quy định tại Nghị định 23/2015/NĐ-CP chứng thực chữ ký trong giấy tờ, văn bản là chữ ký của người yêu cầu chứng thực.

- “Chứng thực hợp đồng, giao dịch” là việc cơ quan có thẩm quyền theo quy định tại Nghị định 23/2015/NĐ-CP chứng thực về thời gian, địa điểm giao kết hợp đồng, giao dịch; năng lực hành vi dân sự, ý chí tự nguyện, chữ ký hoặc dấu điểm chỉ của các bên tham gia hợp đồng, giao dịch.

Đồng thời, theo Điều 18 Nghị định 23/2015/NĐ-CP quy định các giấy tờ, văn bản làm cơ sở để chứng thực bản sao từ bản chính là:

+ Bản chính giấy tờ, văn bản do cơ quan, tổ chức có thẩm quyền cấp;

+ Bản chính giấy tờ, văn bản do cá nhân tự lập có xác nhận và đóng dấu của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền.

Mặt khác, tại Điều 22 Nghị định 23/2015/NĐ-CP, có những trường hợp bản chính giấy tờ, văn bản không được sử dụng làm cơ sở để chứng thực bản sao, bao gồm:

+ Bản chính bị tẩy xóa, sửa chữa, thêm, bớt nội dung không hợp lệ: Bản chính không được chỉnh sửa hay biến đổi nội dung một cách không hợp pháp.

+ Bản chính bị hư hỏng, cũ nát, không xác định được nội dung: Bản chính cần phải ở trạng thái tốt, không bị hỏng hoặc cũ nát để đảm bảo độ chính xác.

+ Bản chính đóng dấu mật của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền hoặc không đóng dấu mật nhưng ghi rõ không được sao chụp: Bản chính cần phải giữ nguyên dấu mật (nếu có) và không được chỉnh sửa hoặc sao chụp khi cấm.

+ Bản chính có nội dung trái pháp luật, đạo đức xã hội; tuyên truyền, kích động chiến tranh, chống chế độ xã hội chủ nghĩa Việt Nam; xuyên tạc lịch sử của dân tộc Việt Nam; xúc phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín của cá nhân, tổ chức; vi phạm quyền công dân: Bản chính không được chứa thông tin vi phạm pháp luật và đạo đức xã hội.

+ Bản chính do cơ quan, tổ chức có thẩm quyền của nước ngoài cấp, công chứng hoặc chứng nhận chưa được hợp pháp hóa lãnh sự: Nếu bản chính không tuân theo quy định về hợp pháp hóa lãnh sự, nó sẽ không được sử dụng để chứng thực bản sao.

+ Giấy tờ, văn bản do cá nhân tự lập nhưng không có xác nhận và đóng dấu của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền: Đối với giấy tờ do cá nhân tự lập, cần phải có xác nhận và đóng dấu của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền để được sử dụng làm cơ sở chứng thực.

Đồng thời, theo Công văn 9639/BCT-PC năm 2016 của Bộ Công Thương thì hóa đơn VAT không thuộc các giấy tờ được chứng thực theo Điều 18 Nghị định 23/2015/NĐ-CP.

Căn cứ những quy định trên, thì việc chứng thực bản sao từ bản chính là việc chứng thực các giấy tờ, văn bản do cơ quan, tổ chức có thẩm quyền cấp lần đầu, cấp lại, cấp khi đăng ký lại. Nếu là giấy tờ, văn bản do cá nhân tự lập thì phải có xác nhận và đóng dấu của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền.

Do đó, hóa đơn VAT không thỏa mãn các điều kiện trên nên sẽ không được chứng thực bản sao từ bản chính.

Hóa đơn VAT
Cùng chủ đề
Hỏi đáp Pháp luật
Hóa đơn VAT là gì? Hóa đơn VAT có được chứng thực hay không?
Tác giả:
Lượt xem: 20

Đăng ký tài khoản Lawnet

Đơn vị chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079
P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;