Thủ tục trả lại tiền đặt để bảo đảm của bị can, bị cáo được pháp luật quy định như thế nào? - Thúy Vi (Cần Thơ)
Thủ tục trả lại tiền đặt để bảo đảm của bị can, bị cáo (Hình từ Internet)
Về vấn đề này, LawNet giải đáp như sau:
Thủ tục trả lại tiền đặt để bảo đảm của bị can, bị cáo theo Điều 12 Thông tư liên tịch 06/2018/TTLT-BCA-BQP-BTC-VKSNDTC-TANDTC như sau:
- Thủ tục trả lại tiền đã đặt để bảo đảm đang do Kho bạc Nhà nước quản lý tại tài khoản tạm giữ được thực hiện như sau:
+ Sau khi nhận được quyết định hủy bỏ quyết định áp dụng biện pháp đặt tiền để bảo đảm trong các trường hợp quy định tại các điểm a, c, d và đ khoản 1 Điều 10 Thông tư liên tịch 06/2018/TTLT-BCA-BQP-BTC-VKSNDTC-TANDTC, người được trả lại tiền phải gửi cho chủ tài khoản tạm giữ là Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát (trong giai đoạn điều tra, truy tố) hoặc Tòa án nhân dân xét xử sơ thẩm (trong giai đoạn xét xử) đơn đề nghị trả lại tiền đã đặt để bảo đảm kèm theo bản photo giấy chứng minh nhân dân, thẻ căn cước công dân hoặc hộ chiếu và quyết định hủy bỏ quyết định áp dụng biện pháp đặt tiền để bảo đảm;
+ Trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ khi nhận được đơn đề nghị và các tài liệu khác có liên quan theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 12 Thông tư liên tịch 06/2018/TTLT-BCA-BQP-BTC-VKSNDTC-TANDTC, cơ quan là chủ tài khoản tạm giữ có trách nhiệm lập hồ sơ đề nghị Kho bạc Nhà nước trả lại tiền đã đặt để bảo đảm và giao hồ sơ cho người làm đơn đề nghị để nộp cho Kho bạc Nhà nước làm thủ tục nhận lại tiền.
Hồ sơ đề nghị gửi Kho bạc Nhà nước gồm có: quyết định hủy bỏ quyết định áp dụng biện pháp đặt tiền để bảo đảm và 02 liên Giấy rút tiền mặt từ tài khoản tiền gửi (theo mẫu của Bộ Tài chính hướng dẫn chế độ kế toán ngân sách nhà nước và hoạt động nghiệp vụ Kho bạc Nhà nước);
+ Căn cứ vào hồ sơ đề nghị, Kho bạc Nhà nước làm thủ tục trả lại tiền đã đặt để bảo đảm theo quy định của pháp luật hiện hành;
+ Sau khi trả lại tiền đã đặt để bảo đảm, Kho bạc Nhà nước lưu 01 liên Giấy rút tiền mặt từ tài khoản tiền gửi và chuyển 01 liên Giấy rút tiền mặt từ tài khoản tiền gửi cho đơn vị mở tài khoản tạm giữ.
Đơn vị mở tài khoản tạm giữ sẽ rà soát, tổng hợp gửi cho cơ quan đã ra quyết định hủy bỏ quyết định áp dụng biện pháp đặt tiền để bảo đảm để đơn vị này lưu vào hồ sơ vụ án.
Trường hợp vụ án đang trong giai đoạn điều tra thì sau khi nhận được 01 liên Giấy rút tiền mặt từ tài khoản tiền gửi, Viện kiểm sát chuyển ngay cho Cơ quan điều tra đang tiến hành tố tụng đối với vụ án để lưu vào hồ sơ.
- Thủ tục trả lại tiền đã đặt để bảo đảm đang do cơ quan tài chính có thẩm quyền trong Quân đội quản lý được thực hiện như sau:
+ Sau khi có quyết định hủy bỏ quyết định biện pháp đặt tiền bảo đảm trong các trường hợp quy định tại các điểm a, c, d và đ khoản 1 Điều 10 Thông tư liên tịch 06/2018/TTLT-BCA-BQP-BTC-VKSNDTC-TANDTC, bị can, bị cáo hoặc người được ủy quyền của họ, người thân thích của bị can, bị cáo, người đại diện của họ phải có văn bản đề nghị cơ quan đang tiến hành tố tụng đối với vụ án lập hồ sơ đề nghị trả lại tiền đã đặt để bảo đảm;
+ Trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ khi nhận được văn bản đề nghị theo quy định tại điểm a khoản 2 Điều 12 Thông tư liên tịch 06/2018/TTLT-BCA-BQP-BTC-VKSNDTC-TANDTC, cơ quan tiếp nhận đề nghị phải lập hồ sơ đề nghị cơ quan tài chính trong Quân đội trả lại tiền đã đặt để bảo đảm.
Hồ sơ đề nghị gửi cơ quan tài chính trong Quân đội gồm có: văn bản đề nghị lập hồ sơ của bị can, bị cáo hoặc người được bị can, bị cáo ủy quyền, người thân thích của bị can, bị cáo, người đại diện của bị can, bị cáo là người dưới 18 tuổi, người có nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất; quyết định hủy bỏ quyết định áp dụng biện pháp đặt tiền để bảo đảm và Biên bản nộp tiền được đặt để bảo đảm quy định tại điểm b khoản 2 Điều 8 Thông tư liên tịch 06/2018/TTLT-BCA-BQP-BTC-VKSNDTC-TANDTC.
Hồ sơ đề nghị được giao cho người được trả lại tiền theo quyết định hủy bỏ quyết định áp dụng biện pháp đặt tiền để bảo đảm để làm thủ tục nhận lại tiền.
+ Căn cứ vào hồ sơ đề nghị, cơ quan tài chính trong Quân đội làm thủ tục trả lại tiền đã được đặt để bảo đảm theo quy định của pháp luật hiện hành;
+ Khi trả lại tiền được đặt để bảo đảm, cơ quan tài chính trong Quân đội phải lập biên bản có chữ ký của bên trả và bên nhận. Biên bản được lập thành 03 bản, bên trả giữ 01 bản, bên nhận giữ 01 bản và 01 bản được gửi cho cơ quan đã ra quyết định hủy bỏ quyết định áp dụng biện pháp đặt tiền để bảo đảm để lưu vào hồ sơ vụ án.
Trường hợp vụ án đang trong giai đoạn điều tra thì sau khi nhận được biên bản trả lại tiền cho bị can, Viện kiểm sát chuyển ngay cho Cơ quan điều tra đang tiến hành tố tụng đối với vụ án để lưu vào hồ sơ.
Mức tiền đặt để bảo đảm cho bị can, bị cáo theo Điều 4 Thông tư liên tịch 06/2018/TTLT-BCA-BQP-BTC-VKSNDTC-TANDTC như sau:
- Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án quyết định mức tiền cụ thể mà bị can, bị cáo phải đặt để bảo đảm, nhưng không dưới:
+ Ba mươi triệu đồng đối với tội phạm ít nghiêm trọng;
+ Một trăm triệu đồng đối với tội phạm nghiêm trọng;
+ Hai trăm triệu đồng đối với tội phạm rất nghiêm trọng;
+ Ba trăm triệu đồng đối với tội phạm đặc biệt nghiêm trọng.
- Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án có thể quyết định mức tiền phải đặt để bảo đảm thấp hơn nhưng không dưới một phần hai (1/2) mức tương ứng quy định tại khoản 1 Điều 4 Thông tư liên tịch 06/2018/TTLT-BCA-BQP-BTC-VKSNDTC-TANDTC trong các trường hợp sau đây:
+ Bị can, bị cáo là thương binh, bệnh binh, là người được tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, Anh hùng lao động, Nhà giáo nhân dân, Thầy thuốc nhân dân hoặc được tặng Huân chương, Huy chương kháng chiến, các danh hiệu Dũng sĩ trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, là con đẻ, con nuôi hợp pháp của liệt sĩ, bà mẹ Việt Nam anh hùng, của gia đình được tặng bằng “Gia đình có công với nước”;
+ Bị can, bị cáo là người dưới 18 tuổi, người có nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất.
Địa chỉ: | 19 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh |
Điện thoại: | (028) 7302 2286 |
E-mail: | info@lawnet.vn |