Phương thức thực hiện việc đánh giá kỹ năng nghề quốc gia hiện nay được quy định như thế nào? - Tú Vy (Đồng Nai)
Phương thức thực hiện việc đánh giá kỹ năng nghề quốc gia (Hình từ Internet)
Về vấn đề này, LawNet giải đáp như sau:
Phương thức thực hiện việc đánh giá kỹ năng nghề quốc gia theo Điều 20 Nghị định 31/2015/NĐ-CP (sửa đổi tại Nghị định 140/2018/NĐ-CP) như sau:
- Đối với mỗi bậc trình độ kỹ năng của một nghề, có một ban giám khảo do người đứng đầu tổ chức đánh giá kỹ năng nghề quyết định lựa chọn để thực hiện việc đánh giá kỹ năng nghề của người tham dự. Tiêu chuẩn, số lượng thành viên, thành phần và nhiệm vụ của ban giám khảo như sau:
+ Thành viên của ban giám khảo là những người đã được cấp thẻ đánh giá viên theo quy định tại Nghị định 31/2015/NĐ-CP;
+ Số lượng thành viên ban giám khảo tùy thuộc vào yêu cầu của từng bậc trình độ kỹ năng của mỗi nghề và số lượng người tham dự tại mỗi kỳ đánh giá kỹ năng nghề quốc gia để quyết định, nhưng ít nhất phải có từ 03 (ba) người trở lên:
+ Thành phần ban giám khảo gồm có trưởng ban và các thành viên. Cơ cấu thành phần của ban giám khảo phải bảo đảm có thành phần là người làm việc chính thức tại tổ chức đánh giá kỹ năng nghề; người của doanh nghiệp hoặc hội nghề nghiệp; người của cơ sở giáo dục nghề nghiệp, cơ sở giáo dục đại học hoặc tổ chức khoa học và công nghệ, Trong đó số người làm việc chính thức tại tổ chức đánh giá kỹ năng nghề, không vượt quá 1/3 (một phần ba) số lượng thành viên ban giám khảo;
+ Ban giám khảo có nhiệm vụ thực hiện việc đánh giá kiến thức chuyên môn, kỹ thuật; kỹ năng thực hành công việc và quy trình an toàn lao động, vệ sinh lao động cho người tham dự theo hướng dẫn của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và thực hiện các nhiệm vụ khác theo quy định tại Nghị định 31/2015/NĐ-CP.
- Đối với mỗi bậc trình độ kỹ năng của một nghề việc đánh giá kiến thức chuyên môn, kỹ thuật của người tham dự được thực hiện thông qua bài kiểm tra kiến thức theo một trong các hình thức sau đây:
+ Kiểm tra trắc nghiệm trên giấy hoặc trên máy tính với các câu hỏi đúng (sai);
+ Kiểm tra trắc nghiệm trên giấy hoặc trên máy tính với các câu hỏi đúng (sai) và câu hỏi có nhiều sự lựa chọn;
+ Kiểm tra trắc nghiệm trên giấy hoặc trên máy tính với các câu hỏi có nhiều sự lựa chọn;
+ Kiểm tra trắc nghiệm trên giấy hoặc trên máy tính với các câu hỏi nhiều sự lựa chọn kết hợp với kiểm tra viết trên giấy với các câu hỏi tự luận;
+ Kiểm tra viết trên giấy với các câu hỏi tự luận.
- Đối với mỗi bậc trình độ kỹ năng của một nghề việc đánh giá kỹ năng thực hành công việc và tuân thủ quy trình an toàn lao động, vệ sinh lao động của người tham dự được thực hiện thông qua bài kiểm tra thực hành theo một trong các hình thức sau đây:
+ Kiểm tra thực hiện công việc thông qua việc thao tác trên phương tiện, thiết bị, công cụ;
+ Kiểm tra thực hiện công việc thông qua việc tác nghiệp trên giấy để xử lý, giải quyết các tình huống;
+ Kiểm tra thực hiện công việc thông qua việc thao tác trên phương tiện, thiết bị, công cụ kết hợp với kiểm tra thực hiện công việc thông qua việc tác nghiệp trên giấy để xử lý, giải quyết các tình huống.
Theo Điều 21 Nghị định 31/2015/NĐ-CP thì việc đánh giá, cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia cho người tham dự được thực hiện như sau:
- Lập kế hoạch và chuẩn bị các điều kiện để tổ chức các kỳ đánh giá kỹ năng nghề quốc gia;
- Thực hiện đánh giá kiến thức chuyên môn, kỹ thuật; đánh giá kỹ năng thực hành công việc và quy trình an toàn lao động, vệ sinh lao động của người tham dự theo các bậc trình độ kỹ năng của từng nghề;
- Giám sát việc thực hiện đánh giá, cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia;
- Công nhận kết quả đánh giá, cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia cho người tham dự đạt yêu cầu.
Địa chỉ: | 19 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh |
Điện thoại: | (028) 7302 2286 |
E-mail: | info@lawnet.vn |