Bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng là gì và 05 điều cần lưu ý

Bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng là gì và 05 điều cần lưu ý
Nguyễn Như Mai

Thế nào là bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng? Bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng cần lưu ý điều gì? - Thanh Viên (Kiên Giang)

Về vấn đề này LawNet giải đáp như sau:

1. Thế nào là bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng?

Hiện nay pháp luật Việt Nam không quy định cụ thể thế nào là bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng, tuy nhiên có thể hiểu bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng là trách nhiệm bồi thường không phát sinh từ các quan hệ trong hợp đồng; 

Người nào có hành vi trái pháp luật xâm phạm đến tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản, quyền lợi hợp pháp của người khác mà gây thiệt hại thì phải bồi thường.

Bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng là gì và 05 điều cần lưu ý

Bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng là gì và 05 điều cần lưu ý (Hình từ Internet)

2. 05 điều cần lưu ý về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng theo Bộ luật Dân sự 2015

2.1. Căn cứ phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại

Điều 584 Bộ luật Dân sự 2015 quy định căn cứ phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng bao gồm:

- Người nào có hành vi xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp khác của người khác mà gây thiệt hại thì phải bồi thường, trừ trường hợp Bộ luật Dân sự 2015, luật khác có liên quan quy định khác.

- Người gây thiệt hại không phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong trường hợp thiệt hại phát sinh là do sự kiện bất khả kháng hoặc hoàn toàn do lỗi của bên bị thiệt hại, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc luật có quy định khác.

- Trường hợp tài sản gây thiệt hại thì chủ sở hữu, người chiếm hữu tài sản phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại, trừ trường hợp thiệt hại phát sinh do trường hợp sự kiện bất khả kháng hoặc hoàn toàn do lỗi của bên bị thiệt hại.

2.2. Nguyên tắc bồi thường thiệt hại

Nguyên tắc bồi thường thiệt hại quy định tại Điều 585 Bộ luật Dân sự 2015 và được hướng dẫn bởi Nghị quyết 02/2022/NQ-HĐTP, cụ thể:

- Thiệt hại thực tế phải được bồi thường toàn bộ và kịp thời. Các bên có thể thỏa thuận về mức bồi thường, hình thức bồi thường bằng tiền, bằng hiện vật hoặc thực hiện một công việc, phương thức bồi thường một lần hoặc nhiều lần, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.

- Người chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại có thể được giảm mức bồi thường nếu không có lỗi hoặc có lỗi vô ý và thiệt hại quá lớn so với khả năng kinh tế của mình.

- Khi mức bồi thường không còn phù hợp với thực tế thì bên bị thiệt hại hoặc bên gây thiệt hại có quyền yêu cầu Tòa án hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền khác thay đổi mức bồi thường.

- Khi bên bị thiệt hại có lỗi trong việc gây thiệt hại thì không được bồi thường phần thiệt hại do lỗi của mình gây ra.

- Bên có quyền, lợi ích bị xâm phạm không được bồi thường nếu thiệt hại xảy ra do không áp dụng các biện pháp cần thiết, hợp lý để ngăn chặn, hạn chế thiệt hại cho chính mình.

>> Xem thêm: Nguyên tắc bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng theo Bộ luật Dân sự

2.3. Năng lực chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng của cá nhân

Theo Điều 586 Bộ luật Dân sự 2015, năng lực chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng của cá nhân được quy định như sau:

- Người từ đủ mười tám tuổi trở lên gây thiệt hại thì phải tự bồi thường.

- Người chưa đủ mười lăm tuổi gây thiệt hại mà còn cha, mẹ thì cha, mẹ phải bồi thường toàn bộ thiệt hại; nếu tài sản của cha, mẹ không đủ để bồi thường mà con chưa thành niên gây thiệt hại có tài sản riêng thì lấy tài sản đó để bồi thường phần còn thiếu, trừ trường hợp quy định tại Điều 599 Bộ luật Dân sự 2015.

Người từ đủ mười lăm tuổi đến chưa đủ mười tám tuổi gây thiệt hại thì phải bồi thường bằng tài sản của mình; nếu không đủ tài sản để bồi thường thì cha, mẹ phải bồi thường phần còn thiếu bằng tài sản của mình.

- Người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi gây thiệt hại mà có người giám hộ thì người giám hộ đó được dùng tài sản của người được giám hộ để bồi thường; 

Nếu người được giám hộ không có tài sản hoặc không đủ tài sản để bồi thường thì người giám hộ phải bồi thường bằng tài sản của mình; nếu người giám hộ chứng minh được mình không có lỗi trong việc giám hộ thì không phải lấy tài sản của mình để bồi thường.

2.4. Thiệt hại do nhiều người cùng gây ra bồi thường thế nào?

Trường hợp nhiều người cùng gây thiệt hại thì những người đó phải liên đới bồi thường cho người bị thiệt hại. Trách nhiệm bồi thường của từng người cùng gây thiệt hại được xác định tương ứng với mức độ lỗi của mỗi người; nếu không xác định được mức độ lỗi thì họ phải bồi thường thiệt hại theo phần bằng nhau.

(Căn cứ Điều 587 Bộ luật Dân sự 2015)

2.5. Thời hiệu khởi kiện yêu cầu bồi thường thiệt hại

Căn cứ Điều 588 Bộ luật Dân sự 2015 và Điều 5 Nghị quyết 02/2022/NQ-HĐTP, thời hiệu khởi kiện yêu cầu bồi thường thiệt hại được quy định như sau:

Thời hiệu khởi kiện yêu cầu bồi thường thiệt hại là 03 năm, kể từ ngày người có quyền yêu cầu biết hoặc phải biết quyền, lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm.

- Việc bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng phát sinh trước hoặc sau ngày 01/01/2017 và đương sự khởi kiện từ ngày 01/01/2017, thì thời hiệu khởi kiện yêu cầu bồi thường thiệt hại đều là 03 năm, kể từ ngày người có quyền yêu cầu biết hoặc phải biết quyền, lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm.

- Thời điểm người có quyền yêu cầu biết quyền, lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm là khi họ nhận ra được hoặc có thể khẳng định được về việc quyền và lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm.

- Trường hợp người có quyền yêu cầu phải biết quyền, lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm là trong điều kiện, hoàn cảnh bình thường, nếu có thiệt hại xảy ra thì người đó biết quyền, lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm hoặc trường hợp pháp luật có quy định phải biết.

 

>> XEM BẢN TIẾNG ANH CỦA BÀI VIẾT NÀY TẠI ĐÂY

11997 lượt xem

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của LawNet. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email:info@lawnet.vn


Liên quan Văn bản
  • Địa chỉ: 19 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh
    Điện thoại: (028) 7302 2286
    E-mail: info@lawnet.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079
P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;