Hướng dẫn về căn cứ phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng

Cho tôi hỏi có hướng dẫn gì về căn cứ phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng không? – Ngọc Thảo (Phú Yên)

Hướng dẫn về căn cứ phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng

Hướng dẫn về căn cứ phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng (Hình từ internet)

1. Hướng dẫn về căn cứ phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng

Căn cứ phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng được quy định tại Điều 2 Nghị quyết 02/2022/NQ-HĐTP như sau:

(1) Trách nhiệm bồi thường thiệt hại đối với trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 584 của Bộ luật Dân sự phát sinh khi có đầy đủ các yếu tố sau đây:

- Có hành vi xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp khác của người khác;

- Có thiệt hại xảy ra là thiệt hại về vật chất, thiệt hại về tinh thần;

Thiệt hại về vật chất là tổn thất vật chất thực tế xác định được của chủ thể bị xâm phạm, bao gồm tổn thất về tài sản mà không khắc phục được; chi phí hợp lý để ngăn chặn, hạn chế, khắc phục thiệt hại; thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút do tài sản, sức khỏe, tính mạng, danh dự, nhân phẩm, uy tín, quyền và lợi ích hợp pháp khác bị xâm phạm.

Thiệt hại về tinh thần là tổn thất tinh thần do bị xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín, quyền và lợi ích nhân thân khác mà chủ thể bị xâm phạm hoặc người thân thích của họ phải chịu và cần phải được bồi thường một khoản tiền bù đắp tổn thất đó.

- Có mối quan hệ nhân quả giữa thiệt hại xảy ra và hành vi xâm phạm. Thiệt hại xảy ra phải là kết quả tất yếu của hành vi xâm phạm và ngược lại hành vi xâm phạm là nguyên nhân gây ra thiệt hại.

(2) Tài sản gây thiệt hại thì chủ sở hữu, người chiếm hữu tài sản phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại, trừ trường hợp hướng dẫn tại mục (3).

- Chủ sở hữu tài sản phải bồi thường thiệt hại do tài sản gây ra, trừ trường hợp người chiếm hữu tài sản đó phải chịu trách nhiệm bồi thường theo hướng dẫn tại điểm b khoản 2 Điều này.

Chủ sở hữu tài sản được xác định tại thời điểm tài sản gây thiệt hại theo quy định của pháp luật. Trường hợp tài sản đang được giao dịch thì phải xác định thời điểm chuyển giao quyền sở hữu để xác định chủ sở hữu tài sản gây thiệt hại.

Ví dụ: A bán nhà cho B, hợp đồng mua bán nhà đã được công chứng, B đã giao 80% tiền mua nhà cho A nhưng chưa nhận nhà thì nhà bị cháy, lan sang cháy nhà C gây thiệt hại. Theo quy định tại khoản 1 Điều 12 của Luật Nhà ở 2014 thì thời điểm chuyển giao quyền sở hữu là thời điểm bên mua đã thanh toán đủ tiền và nhận nhà, trừ trường hợp có thỏa thuận khác. Trường hợp này, B chưa thanh toán đủ tiền và chưa nhận bàn giao nhà nên A chưa chuyển giao quyền sở hữu nhà cho B. Vì vậy, A vẫn là chủ sở hữu hợp pháp đối với ngôi nhà và phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho C.

- Người chiếm hữu mà không phải là chủ sở hữu phải bồi thường thiệt hại nếu đang nắm giữ, chi phối trực tiếp hoặc gián tiếp tài sản như chủ thể có quyền đối với tài sản tại thời điểm gây thiệt hại.

Ví dụ: A là chủ sở hữu xe ô tô đã giao xe ô tô đó cho B. B lái xe ô tô tham gia giao thông đã gây tai nạn và gây thiệt hại thì cần phân biệt:

+ Nếu A thuê B lái xe ô tô và trả tiền công cho B, việc sử dụng xe ô tô là do A quyết định. Trong trường hợp này, A là người chiếm hữu, chi phối đối với xe ô tô. Do đó, A phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.

+ Nếu A giao xe ô tô cho B thông qua hợp đồng cho thuê tài sản hợp pháp, việc sử dụng xe ô tô là do B quyết định. Trong trường hợp này, B là người chiếm hữu, chi phối đối với xe ô tô. Do đó, B phải bồi thường thiệt hại, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.

(3) Người gây thiệt hại, chủ sở hữu tài sản, người chiếm hữu tài sản không phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong trường hợp thiệt hại phát sinh là do sự kiện bất khả kháng hoặc hoàn toàn do lỗi của người bị thiệt hại, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc luật có quy định khác.

- Sự kiện bất khả kháng là sự kiện xảy ra một cách khách quan không thể lường trước được và không thể khắc phục được mặc dù đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết và khả năng cho phép.

Ví dụ 1: Nhà của A được xây dựng, đang sử dụng bình thường và không có dấu hiệu hư hỏng. Một cơn lốc xoáy bất chợt, không được dự báo trước đã cuốn mái nhà của A vào người đi đường gây thiệt hại. Trường hợp này là sự kiện bất khả kháng nên A không phải chịu trách nhiệm bồi thường.

Ví dụ 2: Có thông tin bão, A đã tiến hành các biện pháp phòng chống bão theo hướng dẫn của cơ quan chức năng địa phương. Tuy nhiên, cơn bão quá mạnh đã làm tốc mái nhà của A và gây thiệt hại cho người đi đường. Trường hợp này là sự kiện bất khả kháng nên A không phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại.

- Lỗi hoàn toàn do người bị thiệt hại là toàn bộ thiệt hại xảy ra đều do lỗi của người bị thiệt hại, người gây thiệt hại không có lỗi.

Ví dụ: A lái xe ô tô (thuộc sở hữu của mình) theo đúng quy định của Luật Giao thông đường bộ, C lao vào xe ô tô của A đang đi trên đường để tự tử. Trường hợp này, A không phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại do lỗi hoàn toàn của C.

2. Hướng dẫn xác định tuổi của người gây thiệt hại

Việc xác định tuổi của người gây thiệt hại được hướng dẫn tại Điều 4 Nghị quyết 02/2022/NQ-HĐTP như sau:

Tuổi của người gây thiệt hại được tính tại thời điểm gây thiệt hại. Trường hợp không xác định được chính xác tuổi của người gây thiệt hại thì ngày, tháng, năm sinh của họ được xác định như sau:

- Trường hợp xác định được tháng nhưng không xác định được ngày thì lấy ngày cuối cùng của tháng đó làm ngày sinh;

- Trường hợp xác định được quý nhưng không xác định được ngày, tháng thì lấy ngày cuối cùng của tháng cuối cùng trong quý đó làm ngày, tháng sinh;

- Trường hợp xác định được nửa của năm nhưng không xác định được ngày, tháng thì lấy ngày cuối cùng của tháng cuối cùng trong nửa năm đó làm ngày, tháng sinh;

- Trường hợp xác định được năm nhưng không xác định được ngày, tháng thì lấy ngày cuối cùng của tháng cuối cùng trong năm đó làm ngày, tháng sinh;

- Trường hợp không xác định được năm sinh thì phải tiến hành giám định để xác định tuổi.

Trường hợp kết quả giám định tuổi chỉ xác định được khoảng độ tuổi của người gây thiệt hại thì Tòa án lấy tuổi thấp nhất trong khoảng độ tuổi đã xác định được để xác định tuổi của họ.

Ví dụ: Kết luận giám định M có độ tuổi trong khoảng từ 13 tuổi 6 tháng đến 14 tuổi 2 tháng thì xác định tuổi của M là 13 tuổi 6 tháng.

Diễm My

>> XEM BẢN TIẾNG ANH CỦA BÀI VIẾT NÀY TẠI ĐÂY

1461 lượt xem

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của LawNet. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email:info@lawnet.vn


Liên quan Văn bản
  • Địa chỉ: 19 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh
    Điện thoại: (028) 7302 2286
    E-mail: info@lawnet.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079
P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;