Hướng dẫn xác định thiệt hại về sức khỏe, tính mạng về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng là nội dung tại Nghị quyết 02/2022/NQ-HĐTP ngày 06/9/2022.
Hướng dẫn xác định thiệt hại về sức khỏe, tính mạng trong bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng (Hình từ Internet)
Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao ban hành Nghị quyết 02/2022/NQ-HĐTP hướng dẫn áp dụng quy định của Bộ luật Dân sự về trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng.
Theo đó, việc xác định thiệt hại về sức khỏe, tính mạng trong bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng được hướng dẫn như sau:
- Chi phí hợp lý cho việc cứu chữa, bồi dưỡng, phục hồi sức khỏe và chức năng bị mất, bị giảm sút của người bị thiệt hại bao gồm:
+ Chi phí khám bệnh, chữa bệnh theo quy định của pháp luật về khám bệnh, chữa bệnh cho người bị thiệt hại; thuê phương tiện đưa người bị thiệt hại đến cơ sở khám chữa bệnh và trở về nơi ở;
+ Chi phí bồi dưỡng sức khỏe cho người bị thiệt hại được xác định là 01 ngày lương tối thiểu vùng tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh cho 01 ngày khám bệnh, chữa bệnh theo số ngày trong hồ sơ bệnh án;
+ Chi phí phục hồi sức khỏe và chức năng bị mất, bị giảm sút là các chi phí cho việc phục hồi, hỗ trợ, thay thế một phần chức năng của cơ thể bị mất hoặc bị giảm sút của người bị thiệt hại.
- Thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút của người bị thiệt hại được xác định như sau:
+ Trường hợp người bị thiệt hại có thu nhập ổn định từ tiền lương, tiền công thì được xác định theo mức tiền lương, tiền công của người bị thiệt hại trong khoảng thời gian tiền lương, tiền công bị mất hoặc bị giảm sút;
+ Trường hợp người bị thiệt hại có thu nhập không ổn định từ tiền lương, tiền công được xác định căn cứ vào mức tiền lương, tiền công trung bình của 03 tháng liền kề trước thời điểm thiệt hại xảy ra.
Trường hợp không xác định được 03 tháng lương liền kề trước thời điểm thiệt hại xảy ra thì căn cứ vào thu nhập trung bình của lao động cùng loại tại địa phương trong khoảng thời gian thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút.
Nếu không xác định được thu nhập trung bình của lao động cùng loại tại địa phương thì thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút được bồi thường là 01 ngày lương tối thiểu vùng tại nơi người bị thiệt hại cư trú cho 01 ngày bị thiệt hại.
Ngày lương tối thiểu vùng được xác định là 01 tháng lương tối thiểu vùng do Nhà nước quy định chia cho 26 ngày.
- Chi phí hợp lý và phần thu nhập thực tế bị mất của người chăm sóc người bị thiệt hại theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 590 Bộ luật Dân sự được xác định như sau:
+ Chi phí hợp lý cho người chăm sóc người bị thiệt hại trong thời gian điều trị bao gồm: tiền tàu, xe đi lại, tiền thuê nhà trọ theo giá trung bình ở địa phương nơi người bị thiệt hại điều trị (nếu có);
+ Thu nhập thực tế bị mất của người chăm sóc người bị thiệt hại trong thời gian điều trị được xác định theo hướng dẫn tại khoản 2 Điều 8 Nghị quyết 02/2022/NQ-HĐTP;
+ Trường hợp người bị thiệt hại mất khả năng lao động và phải có người thường xuyên chăm sóc thì chi phí hợp lý cho việc chăm sóc người bị thiệt hại được xác định là 01 ngày lương tối thiểu vùng tại nơi người bị thiệt hại cư trú cho 01 ngày chăm sóc người bị thiệt hại.
Thiệt hại do tính mạng bị xâm phạm theo quy định tại các điểm a, b và c khoản 1 Điều 591 Bộ luật Dân sự được xác định như sau:
- Thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm theo quy định tại Điều 590 Bộ luật Dân sự, được hướng dẫn tại Điều 7 Nghị quyết 02/2022/NQ-HĐTP, được tính từ thời điểm người bị thiệt hại bị xâm phạm sức khỏe cho đến thời điểm người đó chết.
- Chi phí hợp lý cho việc mai táng đối với các khoản tiền: mua quan tài; chi phí hỏa táng, chôn cất; các vật dụng cần thiết cho việc khâm liệm, khăn tang, hương, nến, hoa, thuê xe tang và các khoản chi khác phục vụ cho việc chôn cất hoặc hỏa táng nạn nhân theo phong tục, tập quán địa phương.
Không chấp nhận yêu cầu bồi thường chi phí cúng tế, lễ bái, ăn uống, xây mộ, bốc mộ.
- Tiền cấp dưỡng cho những người mà người bị thiệt hại có nghĩa vụ cấp dưỡng hoặc nuôi dưỡng trước khi chết được xác định như sau:
+ Mức cấp dưỡng căn cứ vào thu nhập, khả năng thực tế của người có nghĩa vụ cấp dưỡng và nhu cầu thiết yếu của người được cấp dưỡng, nhưng không thấp hơn 01 tháng lương tối thiểu vùng tại nơi người được cấp dưỡng đang cư trú cho mỗi tháng;
+ Thời điểm cấp dưỡng được tính từ thời điểm người bị thiệt hại bị xâm phạm về sức khỏe;
+ Đối tượng được bồi thường tiền cấp dưỡng là những người mà người bị thiệt hại có nghĩa vụ cấp dưỡng theo quy định của pháp luật hôn nhân và gia đình.
Nghị quyết 02/2022/NQ-HĐTP có hiệu lực từ 01/01/2023, thay thế Nghị quyết 03/2006/NQ-HĐTP.
Quốc Đạt
Địa chỉ: | 19 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh |
Điện thoại: | (028) 7302 2286 |
E-mail: | info@lawnet.vn |