NLĐ nghỉ việc khi vẫn còn nợ tiền công ty: DN nên làm gì?

Rất nhiều trường hợp thực tế đã xảy ra khi người lao động chấm dứt hợp đồng lao động với công ty nhưng vẫn còn đang nợ tiền của công ty do tạm ứng lương, vay tiền công ty tiêu dùng, giữ công tác phí,… Vậy trong những trường hợp này doanh nghiệp nên làm gì?

nghỉ việc khi vẫn còn nợ tiền công ty

NLĐ nghỉ việc khi vẫn còn nợ tiền công ty: DN nên làm gì? (Ảnh minh họa)

1. Người lao động xin nghỉ, doanh nghiệp có quyền không chấp thuận?

Căn cứ pháp luật lao động hiện hành, người lao động được quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng nếu thuộc một trong các trường hợp được quy định tại khoản 1 Điều 37 Bộ luật Lao động 2012, bao gồm:

  • Không được bố trí theo đúng công việc, địa điểm làm việc hoặc không được bảo đảm điều kiện làm việc đã thỏa thuận trong hợp đồng lao động;

  • Không được trả lương đầy đủ hoặc trả lương không đúng thời hạn đã thỏa thuận trong hợp đồng lao động;

  • Bị ngược đãi, quấy rối tình dục, cưỡng bức lao động;

  • Bản thân hoặc gia đình có hoàn cảnh khó khăn không thể tiếp tục thực hiện hợp đồng lao động;

  • Được bầu làm nhiệm vụ chuyên trách ở cơ quan dân cử hoặc được bổ nhiệm giữ chức vụ trong bộ máy nhà nước;

  • Lao động nữ mang thai phải nghỉ việc theo chỉ định của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền;

  • Người lao động bị ốm đau, tai nạn đã điều trị 90 ngày liên tục đối với người làm việc theo hợp đồng lao động xác định thời hạn và một phần tư thời hạn hợp đồng đối với người làm việc theo hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn dưới 12 tháng mà khả năng lao động chưa được hồi phục

Đồng thời người lao động phải thực hiện báo trước theo thời hạn quy định tại khoản 2 Điều 37 Bộ luật Lao động 2012.

Như vậy, trong mọi trường hợp người lao động đã thực hiện thông báo trước một thời hạn đúng quy định và thuộc một trong các trường hợp được đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động thì doanh nghiệp bắt buộc phải cho người lao động đó nghỉ việc.

2. Người lao động nghỉ việc khi vẫn còn nợ tiền doanh nghiệp: Xử lý như thế nào?

Với trường hợp khi kết thúc hợp đồng lao động, người lao động đó còn nợ doanh nghiệp một khoản tiền chưa trả thì doanh nghiệp được áp dụng khoản 2 Điều 47 Bộ luật Lao động 2012 để yêu cầu người lao động thực hiện nghĩa vụ trả nợ của mình đối với doanh nghiệp sau khi chấm dứt hợp đồng lao động. Theo đó:

Trong thời hạn 07 ngày làm việc, kể từ ngày chấm dứt hợp đồng lao động, hai bên có trách nhiệm thanh toán đầy đủ các khoản có liên quan đến quyền lợi của mỗi bên; trường hợp đặc biệt, có thể kéo dài nhưng không được quá 30 ngày.

Như vậy, sau khi chấm dứt hợp đồng lao động, doanh nghiệp và người lao động đó có thêm tối đa là 30 ngày để hoàn thiện thanh toán nợ và các khoản khác có liên quan đến quyền lợi của mỗi bên. Trong thời gian này, người lao động cũng phải hoàn trả cho doanh nghiệp những khoản như công tác phí còn thừa, tiền thu từ khách hàng, tạm ứng lương và các khoản tạm ứng khác hoặc các khoản vay khác mà người lao động đã nhận từ doanh nghiệp.

Quá thời hạn trên mà người lao động chưa thực hiện nghĩa vụ trả nợ của mình doanh nghiệp có thể lựa chọn giải quyết vụ việc quan 2 hướng sau:

- Giải quyết theo hướng Dân sự: Doanh nghiệp tiến hành khởi kiện người lao động ra Tòa để yêu cầu Tòa án giải quyết buộc người lao động đó phải thực hiện nghĩa vụ trả nợ đối với doanh nghiệp theo quy định tại Điều 466 Bộ luật Dân sự 2015.

- Giải quyết theo hướng Hình sự: Nếu doanh nghiệp có đủ cơ sở để cho rằng người lao động này đang có hành vi cố ý nhằm trốn tránh việc thực hiện nghĩa trả nợ đối với doanh nghiệp, thì doanh nghiệp có thể làm Đơn tố giác tội phạm gửi đến Cơ quan công an hoặc Viện kiểm sát nhân dân nơi gần nhất để cơ quan chức năng điều tra, làm rõ và xử lý theo quy định của pháp luật, đồng thời thu hồi tài sản hợp pháp cho doanh nghiệp, theo quy định tại Điều 175 Bộ luật Hình sự hiện hành về Tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản.

Đức Thảo

>> XEM BẢN TIẾNG ANH CỦA BÀI VIẾT NÀY TẠI ĐÂY

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của LawNet. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email: info@lawnet.vn
7150 lượt xem
Liên quan Văn bản
  • Địa chỉ: 19 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh
    Điện thoại: (028) 7302 2286
    E-mail: info@lawnet.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079
P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;