Những ngày gần đây, bão lũ hoành hành tại các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên gây ra nhiều thiệt hại cho doanh nghiệp. Vậy sau cơn bão, để bắt kịp với nhịp độ sản xuất, doanh nghiệp có được quyền yêu cầu NLĐ làm thêm giờ không?
- Nghỉ làm do bão lũ, người lao động vẫn được trả lương
- Doanh nghiệp có được sa thải người lao động khi đi làm muộn quá nhiều?
Sau bão, DN có được quyền yêu cầu NLĐ làm thêm giờ không? (Ảnh minh họa)
Không chỉ người dân mà doanh nghiệp cũng chịu thiệt hại do bão lũ: công xưởng bị tàn phá, hoạt động sản xuất kinh doanh bị gián đoạn, chuỗi cung ứng giữa doanh nghiệp với đối tác bị đình trệ, … Để khắc phục tình trạng này, nhiều doanh nghiệp hiện nay có xu hướng yêu cầu NLĐ làm thêm giờ để bắt kịp với nhịp độ sản xuất, kinh doanh. Tuy nhiên, việc DN yêu cầu NLĐ làm thêm giờ cần phải tuân thủ đúng quy định của pháp luật hiện hành.
Theo đó, khoản 2 Điều 106 Bộ luật Lao động 2012 quy định về điều kiện làm thêm giờ như sau:
2. Người sử dụng lao động được sử dụng người lao động làm thêm giờ khi đáp ứng đủ các điều kiện sau đây:
a) Được sự đồng ý của người lao động;
b) Bảo đảm số giờ làm thêm của người lao động không quá 50% số giờ làm việc bình thường trong 01 ngày, trường hợp áp dụng quy định làm việc theo tuần thì tổng số giờ làm việc bình thường và số giờ làm thêm không quá 12 giờ trong 01 ngày; không quá 30 giờ trong 01 tháng và tổng số không quá 200 giờ trong 01 năm, trừ một số trường hợp đặc biệt do Chính phủ quy định thì được làm thêm giờ không quá 300 giờ trong 01 năm;
c) Sau mỗi đợt làm thêm giờ nhiều ngày liên tục trong tháng, người sử dụng lao động phải bố trí để người lao động được nghỉ bù cho số thời gian đã không được nghỉ.
Dựa vào quy định trên, công ty chỉ được yêu cầu NLĐ làm thêm giờ khi được NLĐ đồng ý, phải bảo đảm số giờ làm thêm đúng quy định và bố trí cho NLĐ được nghỉ bù. Ngoài ra, việc tổ chức làm thêm từ trên 200 giờ đến 300 giờ trong một năm được Chính phủ quy định tại Điều 4 Nghị định 45/2013/NĐ-CP, cụ thể chỉ có 03 trường hợp sau được tổ chức làm thêm từ 200 đến 300 giờ:
-
Sản xuất, gia công xuất khẩu sản phẩm là hàng dệt, may, da, giày, chế biến nông, lâm, thủy sản;
-
Sản xuất, cung cấp điện, viễn thông, lọc dầu; cấp, thoát nước;
-
Các trường hợp khác phải giải quyết công việc cấp bách, không thể trì hoãn.
Mức lương mà NLĐ được hưởng trong trường hợp làm thêm giờ được quy định tại Điều 97 Bộ luật Lao động 2012 như sau:
Điều 97. Tiền lương làm thêm giờ, làm việc vào ban đêm
1. Người lao động làm thêm giờ được trả lương tính theo đơn giá tiền lương hoặc tiền lương theo công việc đang làm như sau:
a) Vào ngày thường, ít nhất bằng 150%;
b) Vào ngày nghỉ hằng tuần, ít nhất bằng 200%;
c) Vào ngày nghỉ lễ, ngày nghỉ có hưởng lương, ít nhất bằng 300% chưa kể tiền lương ngày lễ, ngày nghỉ có hưởng lương đối với người lao động hưởng lương ngày.
2. Người lao động làm việc vào ban đêm, thì được trả thêm ít nhất bằng 30% tiền lương tính theo đơn giá tiền lương hoặc tiền lương theo công việc của ngày làm việc bình thường.
3. Người lao động làm thêm giờ vào ban đêm thì ngoài việc trả lương theo quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này, người lao động còn được trả thêm 20% tiền lương tính theo đơn giá tiền lương hoặc tiền lương theo công việc làm vào ban ngày.
Tuy nhiên, đối với 02 trường hợp đặc biệt dưới đây thì công ty, doanh nghiệp có quyền yêu cầu NLĐ làm thêm giờ vào bất kỳ ngày nào và NLĐ không được từ chối:
-
Thực hiện lệnh động viên, huy động bảo đảm nhiệm vụ quốc phòng, an ninh trong tình trạng khẩn cấp về quốc phòng, an ninh theo quy định của pháp luật;
-
Thực hiện các công việc nhằm bảo vệ tính mạng con người, tài sản của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong phòng ngừa và khắc phục hậu quả thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh và thảm họa.
Đến ngày 01/01/2021 khi Bộ luật Lao động 2019 có hiệu lực, những quy định về làm thêm giờ của Bộ luật Lao động 2012 cơ bản được giữ nguyên, trừ 02 sự thay đổi sau:
-
Tăng giới hạn số giờ làm thêm của người lao động trong 01 tháng từ không quá 30 giờ/tháng lên không quá 40 giờ/tháng;
-
Khi NSDLĐ yêu cầu NLĐ làm thêm giờ trong trường hợp đặc biệt là thực hiện các công việc nhằm bảo vệ tính mạng con người, tài sản của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong phòng ngừa và khắc phục hậu quả thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh và thảm họa, thì NLĐ có thể từ chối nếu có nguy cơ ảnh hưởng đến tính mạng, sức khỏe của NLĐ theo quy định của pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động.
Như vậy, sau đợt bão lũ, nếu không thuộc trường hợp đặc biệt thì NSDLĐ chỉ được yêu cầu NLĐ làm bù khi thỏa mãn 03 điều kiện quy định tại khoản 2 Điều 106 Bộ luật Lao động 2012. Trên đây là những quy định về làm thêm giờ mà NLĐ cần nắm để bảo vệ quyền lợi của mình.
Phương Thanh