Bộ luật lao động 2019 chính thức có hiệu lực từ 01/01/2021, tức là tháng 1 này sẽ là tháng đầu tiên mà NLĐ được hưởng nhiều quyền lợi khi nhận lương theo tinh thần của Bộ luật này. Cụ thể như sau:
1. Được ủy quyền cho người khác nhận lương
Tại Khoản 1 Điều 94 Bộ luật lao động 2019 quy định “người lao động không thể nhận lương trực tiếp thì có thể trả lương cho người được người lao động ủy quyền hợp pháp”.
Trước đây, Điều 96 Bộ luật Lao động 2012 chỉ quy định “Người lao động được trả lương trực tiếp, đầy đủ và đúng thời hạn”.
Như vậy, việc ủy quyền cho người khác nhận lương là quy định mới được đề cập rõ ràng trong luật. Tuy nhiên việc ủy quyền này phải được hợp pháp, được NSDLĐ đồng ý bởi Luật chỉ quy định “có thể” trả lương cho người được NLĐ ủy quyền chứ không bắt buộc. Do đó, từ tháng 1 này, lương chồng có thể chuyển trực tiếp vào tài khoản của vợ (hoặc bồ nhí), vì luật không giới hạn đối tượng được ủy quyền.
2. Quy định nguyên tắc trả lương theo hướng có lợi cho NLĐ
Bộ luật lao động 2019 bổ sung thêm quy định người sử dụng lao động không được:
- Hạn chế hoặc can thiệp vào quyền tự quyết chi tiêu lương của người lao động
- Ép buộc người lao động chi tiêu lương vào việc mua hàng hóa, sử dụng dịch vụ của người sử dụng lao động hoặc của đơn vị khác mà người sử dụng lao động chỉ định.
(Căn cứ Khoản 2 Điều 94 Bộ luật lao động 2019)
3. NSDLĐ phải thông báo bảng kê trả lương cho người lao động
Tại Khoản 3 Điều 95 Bộ luật lao động 2019 quy định “Mỗi lần trả lương, người sử dụng lao động phải thông báo bảng kê trả lương cho người lao động, trong đó ghi rõ tiền lương, tiền lương làm thêm giờ, tiền lương làm việc vào ban đêm, nội dung và số tiền bị khấu trừ (nếu có)”.
So với Bộ Luật Lao động 2012 thì đây là quy định hoàn toàn mới, tạo điều kiện cho NLĐ theo dõi, kiểm tra toàn bộ các khoản tiền lương, tiền lương làm thêm giờ, tiền lương làm việc vào ban đêm, nội dung và số tiền bị khấu trừ nhằm đảm bảo tốt nhất quyền và lợi ích của hợp pháp của mình.
4. Nhận chậm lương 15 ngày trở lên thì NSDLĐ phải đền bù cho NLĐ
Đây là một trong những quyền lợi của NLĐ khi bị chậm trả lương, cụ thể được quy định tại Khoản 4 Điều 97 Bộ luật lao động 2019 như sau:
Điều 97. Kỳ hạn trả lương
….
4. Trường hợp vì lý do bất khả kháng mà người sử dụng lao động đã tìm mọi biện pháp khắc phục nhưng không thể trả lương đúng hạn thì không được chậm quá 30 ngày; nếu trả lương chậm từ 15 ngày trở lên thì người sử dụng lao động phải đền bù cho người lao động một khoản tiền ít nhất bằng số tiền lãi của số tiền trả chậm tính theo lãi suất huy động tiền gửi có kỳ hạn 01 tháng do ngân hàng nơi người sử dụng lao động mở tài khoản trả lương cho người lao động công bố tại thời điểm trả lương.
Việc NSDLĐ phải đền bù một khoản tiền cho NLĐ khi chậm trả lương là một quy định không mới. Tuy nhiên, tại BLLĐ 2019 có đề cập đến “tiền lãi của số tiền trả chậm tính theo lãi suất huy động tiền gửi có kỳ hạn 01 tháng do ngân hàng nơi người sử dụng lao động mở tài khoản trả lương cho người lao động công bố tại thời điểm trả lương”.
Trong khi đó, trước đây tại Điều 96 BLLĐ 2012 và Điểm b Khoản 2 Điều 24 Nghị định 05/2015/NĐ-CP quy định:
Nếu thời gian trả lương chậm từ 15 ngày trở lên thì phải trả thêm một khoản tiền ít nhất bằng số tiền trả chậm nhân với lãi suất trần huy động tiền gửi có kỳ hạn 01 tháng do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố tại thời điểm trả lương. Khi Ngân hàng Nhà nước Việt Nam không quy định trần lãi suất thì được tính theo lãi suất huy động tiền gửi có kỳ hạn 01 tháng của ngân hàng thương mại, nơi doanh nghiệp, cơ quan mở tài khoản giao dịch thông báo tại thời điểm trả lương.
5. NLĐ không phải trả phí mở tài khoản nếu trả lương qua ngân hàng
Tại Khoản 2 Điều 96 Bộ luật lao động 2019 quy định:
Điều 96. Hình thức trả lương
…
2. Lương được trả bằng tiền mặt hoặc trả qua tài khoản cá nhân của người lao động được mở tại ngân hàng.
Trường hợp trả lương qua tài khoản cá nhân của người lao động được mở tại ngân hàng thì người sử dụng lao động phải trả các loại phí liên quan đến việc mở tài khoản và chuyển tiền lương.
3. Chính phủ quy định chi tiết Điều này.
Trong khi đó, trước đây tại Khoản 2 Điều 94 Bộ luật lao động 2012 quy định “Trường hợp trả qua tài khoản ngân hàng, thì người sử dụng lao động phải thỏa thuận với người lao động về các loại phí liên quan đến việc mở, duy trì tài khoản”.
Như vậy, từ các dẫn chứng trên, có thể kết luận rằng từ 01/01/2021 NSDLĐ phải có trách nhiệm trả các loại phí liên quan đến việc mở tài khoản và chuyển tiền lương khi trả lương qua tài khoản cá nhân của người lao động được mở tại ngân hàng.
Trên đây là một số quyền lợi dành cho NLĐ khi Bộ luật lao động 2019 có hiệu lực, mà đặc biệt là tin vui này sẽ chính thức áp dụng cho tháng lương đầu tiên trong năm 2021 này.
Thu Ba