Đây là một trong những nội dung đáng chú ý được đề xuất bổ sung tại Dự thảo Bộ luật Lao động sửa đổi đang được Bộ Lao động Thương binh và Xã hội xin ý kiến góp ý.
Ảnh minh họa
Theo đó, Dự thảo đưa ra 02 phương án thỏa thuận thử việc để lựa chọn.
Phương án 01: Khi giao kết hợp đồng lao động, các bên có thể thoả thuận nội dung thử việc ghi trong hợp đồng lao động.
Khi thời gian thử việc kết thúc mà người lao động tiếp tục làm việc cho người sử dụng lao động thì việc thử việc được xem là đạt yêu cầu.
Trong thời gian thử việc, người sử dụng lao động có cơ sở cho rằng người lao động không đạt yêu cầu thử việc theo quy định trong quy chế thì người sử dụng lao động có quyền hủy bỏ hợp đồng lao động nếu thông báo cho người lao động bằng văn bản trước 01 ngày làm việc.
Trong thời gian thử việc, người lao động nếu thấy không phù hợp với công việc được giao thì có quyền hủy bỏ hợp đồng lao động nếu thông báo cho người sử dụng lao động trước 01 ngày làm việc.
Phương án 02 (giữ như hiện hành): Người sử dụng lao động và người lao động có thể thoả thuận về thử việc. Nếu có thoả thuận về thử việc thì các bên giao kết hợp đồng thử việc. Nội dung của hợp đồng thử việc gồm các điểm a, b, c, d, đ, g, h Khoản 1 Điều 21 của Bộ luật Lao động 2012.
Về thời gian thử việc, bên cạnh việc giữ nguyên quy định hiện hành, Dự thảo bổ sung thêm thời gian thử việc đối với công việc của người quản lý doanh nghiệp theo luật doanh nghiệp, cụ thể không quá 06 tháng.
Đồng thời, Dự thảo cũng chỉ rõ, không áp dụng thử việc đối với người lao động giao kết hợp đồng lao động có thời hạn dưới 01 tháng.
Lưu ý: Thỏa thuận thử việc này nhằm mục đích kiểm tra sự phù hợp với công việc được người sử dụng lao động giao cho người lao động.
- Nguyễn Trinh -
- Từ khóa:
- Bộ luật lao động 2012