09 quy định mới về lương, thưởng đối với người lao động từ 2021

Tiền lương luôn là vấn đề NLĐ đặc biệt quan tâm vì nó liên quan mật thiết đến quyền lợi của NLĐ. Với việc Bộ luật Lao động 2019 phát sinh hiệu lực, từ 2021 sẽ có nhiều quy định mới về lương, thưởng đối với người lao động chính thức được áp dụng.

Quy định mới về lương, thưởng đối với người lao động từ 2021

09 quy định mới về lương, thưởng đối với người lao động từ 2021 (Ảnh minh họa)

1. Mức lương tối thiểu được xác lập theo vùng, ấn định theo tháng, giờ

Theo quy định tại khoản 1 Điều 91 Bộ luật Lao động 2019:

Mức lương tối thiểu là mức lương thấp nhất được trả cho người lao động làm công việc giản đơn nhất trong điều kiện lao động bình thường nhằm bảo đảm mức sống tối thiểu của người lao động và gia đình họ, phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội.

Mức lương tối thiểu được xác lập theo vùng, ấn định theo tháng, giờ.

Mức lương tối thiểu được điều chỉnh dựa trên:

  • Mức sống tối thiểu của người lao động và gia đình họ;

  • Tương quan giữa mức lương tối thiểu và mức lương trên thị trường;

  • Chỉ số giá tiêu dùng, tốc độ tăng trưởng kinh tế;

  • Quan hệ cung, cầu lao động;

  • Việc làm và thất nghiệp;

  • Năng suất lao động;

  • Khả năng chi trả của doanh nghiệp.

Có thể thấy, Bộ luật Lao động 2019 đã quy định mức lương tối thiểu được xác lập theo vùng, ấn định theo tháng, giờ. Đồng thời đưa ra 07 yếu tố để xây dựng và điều chỉnh mức lương tối thiểu.

2. Không còn khái niệm “Mức lương tối thiểu ngành”

Hiện hành, tại khoản 3 Điều 91 Bộ luật Lao động 2012 quy định mức lương tối thiểu ngành được xác định thông qua thương lượng tập thể ngành, được ghi trong thỏa ước lao động tập thể ngành nhưng không được thấp hơn mức lương tối thiểu vùng do Chính phủ công bố. Tuy nhiên, Bộ luật Lao động 2019 đã bỏ đi quy định này. Vì vậy, từ 2021 sẽ không còn khái niệm “Mức lương tối thiểu ngành” theo Bộ luật Lao động.

3. Thêm thành viên của hội đồng tiền lương quốc gia

Theo khoản 2 Điều 92 Bộ luật Lao động 2019, Thủ tướng Chính phủ thành lập Hội đồng tiền lương quốc gia bao gồm các thành viên là đại diện của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, một số tổ chức đại diện người sử dụng lao động ở trung ương và chuyên gia độc lập. Theo quy định này thì từ 2021 Hội đồng tiền lương quốc gia sẽ có thể thêm thành viên là các chuyên gia độc lập.

4. Doanh nghiệp được tự quyết định chính sách tiền lương

Khoản 1 Điều 93 Bộ luật Lao động 2012 quy định trên cơ sở các nguyên tắc xây dựng thang lương, bảng lương và định mức lao động do Chính phủ quy định, người sử dụng lao động có trách nhiệm xây dựng thang lương, bảng lương, định mức lao động làm cơ sở để tuyển dụng, sử dụng lao động, thỏa thuận mức lương ghi trong hợp đồng lao động và trả lương cho người lao động.

Tuy nhiên, tại Bộ luật Lao động 2019 chỉ còn quy định người sử dụng lao động phải xây dựng thang lương, bảng lương và định mức lao động làm cơ sở để tuyển dụng, sử dụng lao động, thỏa thuận mức lương theo công việc hoặc chức danh ghi trong hợp đồng lao động và trả lương cho người lao động.

Như vậy, Bộ luật Lao động mới đã bỏ đi quy định dựa “trên cơ sở các nguyên tắc xây dựng thang lương, bảng lương và định mức lao động do Chính phủ quy định” mà cho doanh nghiệp tự quyết định chính sách tiền lương. Tuy nhiên, doanh nghiệp vẫn phải tham khảo ý kiến của tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở đối với nơi có tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở khi xây dựng thang lương, bảng lương và định mức lao động. Đồng thời, thang lương, bảng lương và mức lao động phải được công bố công khai tại nơi làm việc trước khi thực hiện.

5. Người lao động được ủy quyền cho người khác nhận lương

Ngoài nguyên tắc người sử dụng lao động phải trả lương trực tiếp, đầy đủ, đúng hạn cho người lao động, Bộ luật Lao động 2019 bổ sung quy định cho phép trường hợp người lao động không thể nhận lương trực tiếp thì người sử dụng lao động có thể trả lương cho người được người lao động ủy quyền hợp pháp.

Tuy nhiên, người lao động cần lưu ý chỉ ủy quyền trong trường hợp không thể nhận lương trực tiếp và việc có chấp nhận ủy quyền của người lao động hay không sẽ do doanh nghiệp quyết định.

6. Người sử dụng lao động sẽ chịu phí mở tài khoản và chuyển tiền lương nếu trả lương qua tài khoản

Khác với Bộ luật Lao động 2012 khi quy định trường hợp trả qua tài khoản ngân hàng, thì người sử dụng lao động phải thỏa thuận với người lao động về các loại phí liên quan đến việc mở, duy trì tài khoản, Bộ luật Lao động 2019 quy định rõ tại khoản 2 Điều 96 phí mở tài khoản và chuyển tiền lương sẽ do người sử dụng lao động trả.

7. Sửa đổi, bổ sung quy định về tiền lương ngừng việc cho người lao động

Cụ thể, nếu vì sự cố về điện, nước mà không do lỗi của người sử dụng lao động hoặc do thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh nguy hiểm, địch họa, di dời địa điểm hoạt động theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoặc vì lý do kinh tế thì hai bên thỏa thuận về tiền lương ngừng việc như sau:

  • Trường hợp ngừng việc từ 14 ngày làm việc trở xuống thì tiền lương ngừng việc được thỏa thuận không thấp hơn mức lương tối thiểu;

  • Trường hợp phải ngừng việc trên 14 ngày làm việc thì tiền lương ngừng việc do hai bên thỏa thuận nhưng phải bảo đảm tiền lương ngừng việc trong 14 ngày đầu tiên không thấp hơn mức lương tối thiểu.

Theo đó, Bộ luật Lao động 2019 đã bổ sung quy định tiền lương ngừng việc trong 14 ngày đầu tiên không thấp hơn mức lương tối thiểu. Từ ngày 15 trở đi (nếu có) tiền lương ngừng việc do hai bên thỏa thuận.

8. Người lao động được tạm ứng tiền lương mà không bị tính lãi

Theo đó, Bộ luật Lao động 2019 quy định người lao động được tạm ứng tiền lương theo điều kiện do hai bên thỏa thuận và không bị tính lãi.

Người sử dụng lao động phải cho người lao động tạm ứng tiền lương tương ứng với số ngày người lao động tạm thời nghỉ việc để thực hiện nghĩa vụ công dân từ 01 tuần trở lên nhưng tối đa không quá 01 tháng tiền lương theo hợp đồng lao động và người lao động phải hoàn trả số tiền đã tạm ứng.

Người lao động nhập ngũ theo quy định của Luật Nghĩa vụ quân sự thì không được tạm ứng tiền lương.

Khi nghỉ hằng năm, người lao động được tạm ứng một khoản tiền ít nhất bằng tiền lương của những ngày nghỉ.

9. Thưởng có thể bằng tiền, tài sản hoặc tinh thần

Bộ luật Lao động 2019 không còn quy định “tiền thưởng” mà thay vào đó là “thưởng”. Theo đó, thưởng là số tiền hoặc tài sản hoặc bằng các hình thức khác mà người sử dụng lao động thưởng cho người lao động căn cứ vào kết quả sản xuất, kinh doanh, mức độ hoàn thành công việc của người lao động. Như vậy, từ 2021 người lao động có thể được thưởng bằng nhiều hình thức khác nhau không chỉ bằng tiền như hiện nay.

Thùy Trâm

>> XEM BẢN TIẾNG ANH CỦA BÀI VIẾT NÀY TẠI ĐÂY

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của LawNet. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email: info@lawnet.vn
3319 lượt xem
Liên quan Văn bản
  • Địa chỉ: 19 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh
    Điện thoại: (028) 7302 2286
    E-mail: info@lawnet.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079
P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;