Xử lý nghiêm trường hợp nhập cảnh trái phép gây nguy cơ bùng dịch dịp cuối năm

Gần đây, các trường hợp nhập cảnh trái phép về Việt Nam bị phát hiện mắc Covid-19 đã làm dấy lên lo ngại có thể khiến dịch bệnh bùng phát trong cộng đồng thời điểm cuối năm. Pháp luật hiện hành quy định xử lý nghiêm đối với các trường hợp này.

nhập cảnh trái phép gây nguy cơ bùng dịch, Nghị định 117/2020/NĐ-CP

Xử lý nghiêm trường hợp nhập cảnh trái phép gây nguy cơ bùng dịch dịp cuối năm (Ảnh minh họa)

Trước đó, tối 26/12, Bộ Y tế công bố nước ta có thêm 1 ca mắc mới COVID-19 là nam, 32 tuổi, quốc tịch Việt Nam, có địa chỉ tại xã Nhơn Phú, huyện Mang Thít, tỉnh Vĩnh Long. Đây là BN1440 là trường hợp từ Myanmar nhập cảnh trái phép qua đường mòn lối mở vào 2h sáng ngày 24/12 và về nhà tại Vĩnh Long. Kết quả xét nghiệm ngày 26/12 của Viện Pasteur TP. Hồ Chí Minh bệnh nhân dương tính với SARS-CoV-2. Liên quan BN1440, trường hợp nam thanh niên ở TP.HCM vừa có kết quả dương tính với SARS-CoV-2 là N.Q.H., 23 tuổi, quốc tịch Việt Nam, trú ở chung cư Sư Vạn Hạnh, phường 9, quận 5, TP.HCM. Trước đó, người này sống với BN1440 tại Myanmar, sau đó, cùng nhập cảnh trái phép về Việt Nam qua đường mòn, lối mở. Từ vụ việc trên, tình trạnh nhập cảnh trái phép đã làm dấy lên lo ngại nguy cơ bùng phát dịch cuối năm cũng như gia tăng gánh nặng cho công tác chống dịch khu vực dọc các tuyến biên giới.

Xét hành vi vi phạm của các đối tượng, căn cứ quy định pháp luật hiện hành các đối tượng này có thể bị xử lý dưới các hình thức như sau:

1. Xử phạt vi phạm hành chính

Xét hành vi BN1440 ta thấy người này có các hành vi: (1) hành vi nhập cảnh trái phép về nước; (2) hành vi cố tình không khai báo y tế.

(1) Về hành vi nhập cảnh trái phép:

Theo quy định tại khoản 3 Điều 17 Nghị định 167/2013/NĐ-CP phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với các đối tượng có hành vi qua lại biên giới quốc gia mà không làm thủ tục xuất cảnh, nhập cảnh theo quy định.

(2) Về hành vi cố tình không khai báo y tế:

Ngày 28/09/2020, Chính phủ đã ban hành Nghị định 117/2020/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế, áp dụng từ 15/11/2020. Theo đó, tại Điều 11 Nghị định 117/2020/NĐ-CP quy định phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với đối tượng có hành vi từ chối hoặc trốn tránh việc áp dụng biện pháp cách ly y tế, cưỡng chế cách ly y tế của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Trường hợp từ chối hoặc trốn tránh việc áp dụng quyết định cách ly y tế, cưỡng chế cách ly y tế của cơ quan nhà nước có thẩm quyền đối với người mắc bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A đối tượng kiểm dịch y tế biên giới mắc bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A hoặc khi cơ quan nhà nước có thẩm quyền yêu cầu sẽ bị phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng. So với quy định trước đây mức phạt đối với hành vi này đã tăng lên gấp đôi. Ngoài ra, người có hành vi vi phạm quy định về cách ly còn có thể bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung là buộc thực hiện việc cách ly y tế, cưỡng chế cách ly y tế.

Theo quy định tại điểm d khoản 1 Điều 3 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012, một người thực hiện nhiều hành vi vi phạm hành chính thì bị xử phạt về từng hành vi vi phạm. Như vậy, trường hợp BN1440 có thể bị xử phạt hành chính về hành vi nhập cảnh trái phép với mức phạt tiền đến 5.000.000 đồng và cả hành vi cố tình không khai báo y tế với mức phạt tiền lên đến 20.000.000 đồng.

2. Truy cứu trách nhiệm hình sự

Trường hợp hành vi nhập cảnh trái phép gây nguy cơ bùng dịch còn có thể bị xem xét truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 240 Bộ luật hình sự 2015 về Tội làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người.

Cụ thể, tại Điều 240 quy định:

1. Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây, làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng hoặc bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:

a) Đưa ra hoặc cho phép đưa ra khỏi vùng có dịch bệnh động vật, thực vật, sản phẩm động vật, thực vật hoặc vật phẩm khác có khả năng lây truyền dịch bệnh nguy hiểm cho người, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác;

b) Đưa vào hoặc cho phép đưa vào lãnh thổ Việt Nam động vật, thực vật hoặc sản phẩm động vật, thực vật bị nhiễm bệnh hoặc mang mầm bệnh nguy hiểm có khả năng lây truyền cho người;

c) Hành vi khác làm lây lan dịch bệnh nguy hiểm cho người.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm:

a) Dẫn đến phải công bố dịch thuộc thẩm quyền của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh hoặc Bộ trưởng Bộ Y tế;

b) Làm chết người.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 12 năm:

a) Dẫn đến phải công bố dịch thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ;

b) Làm chết 02 người trở lên.

4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

Để xác định trường hợp có “hành vi khác làm lây lan dịch bệnh nguy hiểm cho người”, ngày 30/03/2020 Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao đã ban hành Công văn 45/TANDTC-PC năm 2020. Trong đó, xác định hành vi khác làm lây lan dịch bệnh nguy hiểm cho người quy định tại điểm c khoản 1 Điều 240 Bộ luật Hình sự 2015 bao gồm:

  • Trốn khỏi nơi cách ly;

  • Không tuân thủ quy định về cách ly;

  • Từ chối, trốn tránh việc áp dụng biện pháp cách ly, cưỡng chế cách ly;

  • Không khai báo y tế, khai báo không đầy đủ hoặc khai báo gian dối.

Đồng thời, tại Công văn 45/TANDTC-PC, Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao cũng yêu cầu áp dụng hình phạt nghiêm khắc đối với trường hợp phạm tội gây hậu quả nghiêm trọng (như làm lây lan dịch bệnh cho từ 02 người trở lên, làm chết người...).

Căn cứ quy định này đối tượng có hành vi nhập cảnh trái phép gây nguy cơ bùng dịch có thể bị phạt tù với mức tối đa đến 12 năm trong trường hợp dẫn đến phải công bố dịch thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ hoặc làm chết 02 người trở lên.

Có thể thấy, pháp luật hiện hành quy định xử phạt rất nặng người không tuân thủ quy định cách ly nói chung và nhập cảnh trái phép gây nguy cơ bùng dịch nói riêng. Với tính chất nguy hiểm của dịch Covid-19 như chúng ta đã thấy cùng với thời điểm giáp Tết như hiện nay, mỗi cá nhân cần có ý thức tự giác cũng như phát giác các trường hợp vi phạm có nguy cơ làm lây lan dịch bệnh để bảo vệ sức khỏe cho mình và cộng đồng.

Thùy Trâm

>> XEM BẢN TIẾNG ANH CỦA BÀI VIẾT NÀY TẠI ĐÂY

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của LawNet. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email: info@lawnet.vn
679 lượt xem
Liên quan Văn bản
  • Địa chỉ: 19 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh
    Điện thoại: (028) 7302 2286
    E-mail: info@lawnet.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079
P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;