Những chính sách quan trọng về giáo dục có hiệu lực từ tháng 9/2020

Trong tháng 9 này sẽ có nhiều chính sách quan trọng trong lĩnh vực giáo dục có hiệu lực như quy định về thời gian nghỉ hè của giáo viên; định mức giờ chuẩn giảng dạy; đánh giá, xếp loại Đơn vị học tập;... Những chính sách có nội dung cụ thể như sau:

Chính sách giáo dục

Chính sách giáo dục quan trọng có hiệu lực từ tháng 9/2020 (Ảnh minh họa)

1. Giáo viên phổ thông được nghỉ hè 08 tuần

Theo đó, tại Điều 3 Nghị định 84/2020/NĐ-CP quy định về thời gian nghỉ hè của nhà giáo như sau:

  • Thời gian nghỉ hè hằng năm của giáo viên cơ sở giáo dục mầm non, cơ sở giáo dục phổ thông, trường chuyên biệt là 08 tuần, bao gồm cả nghỉ phép hằng năm;

  • Thời gian nghỉ hè hàng năm của giáo viên trường trung cấp và giảng viên trường cao đẳng là 06 tuần, bao gồm cả nghỉ phép hằng năm;

  • Thời gian nghỉ hè hàng năm của giảng viên cơ sở giáo dục đại học được thực hiện theo quy chế tổ chức và hoạt động của cơ sở giáo dục đại học.

Trong trường hợp đột xuất, khẩn cấp để phòng chống thiên tai, dịch bệnh hoặc trường hợp cấp bách, thời gian nghỉ hè của nhà giáo cơ sở giáo dục mầm non, cơ sở giáo dục phổ thông, trường chuyên biệt, trường trung cấp và trường cao đẳng do Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quyết định theo thẩm quyền.

2. Giảng viên phải đảm bảo tối thiểu 100 giờ giảng trực tiếp trên lớp trong năm

Theo quy định tại khoản 4 Điều 3 Thông tư 20/2020/TT-BGDĐT, định mức giờ chuẩn giảng dạy của giảng viên trong một năm học được quy định từ 200 đến 350 giờ chuẩn giảng dạy (tương đương từ 600 đến 1.050 giờ hành chính).

Trong đó, giờ chuẩn giảng dạy trực tiếp trên lớp (hoặc giảng dạy trực tuyến) phải đảm bảo tối thiểu 50% định mức quy định.

Thủ trưởng cơ sở giáo dục đại học căn cứ mục tiêu, chiến lược phát triển của đơn vị; đặc thù của môn học, ngành học và điều kiện cụ thể của đơn vị để quyết định định mức giờ chuẩn giảng dạy của giảng viên trong một năm học cho phù hợp.

Như vậy, định mức giờ chuẩn giảng dạy của giảng viên trong một năm giảng dạy trực tiếp trên lớp phải đảm bảo tối thiểu 100 giờ/năm.

Định mức giờ chuẩn giảng dạy trong trường hợp đặc biệt được xác định như sau:

  • Giảng viên trong thời gian tập sự, thử việc chỉ thực hiện tối đa 50% định mức giờ chuẩn giảng dạy, đồng thời được miễn giảm nhiệm vụ nghiên cứu khoa học để dành thòi gian tham gia dự giờ, trợ giảng và tham gia thực tập, thực tế.

  • Giảng viên trong thời gian nghỉ hưởng trợ cấp bảo hiểm xã hội, nghỉ theo các quy định của Bộ luật Lao động hiện hành được miễn giảm định mức giờ chuẩn giảng dạy theo tỷ lệ tương ứng với thời gian nghỉ.

3. Bổ sung 06 thủ tục hành chính mới lĩnh vực giáo dục và đào tạo

Theo Quyết định 2284/QĐ-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo được ban hành ngày 10/8/2020 đã bổ sung 06 thủ tục hành chính mới lĩnh vực giáo dục và đào tạo như sau:

- Thủ tục hành chính cấp trung ương:

  • Chuyển đổi cơ sở giáo dục mầm non tư thục do cơ quan đại diện ngoại giao nước ngoài, tổ chức quốc tế liên chính phủ đề nghị sang cơ sở giáo dục mầm non tư thục hoạt động không vì lợi nhuận;

  • Chuyển đổi cơ sở giáo dục phổ thông tư thục do cơ quan đại diện ngoại giao nước ngoài, tổ chức quốc tế liên chính phủ đề nghị sang cơ sở giáo dục phổ thông tư thục hoạt động không vì lợi nhuận.

- Thủ tục hành chính cấp tỉnh:

  • Chuyển đổi nhà trẻ, trường mẫu giáo, trường mầm non tư thục do nhà đầu tư nước ngoài đầu tư sang nhà trẻ, trường mẫu giáo, trường mầm non tư thục hoạt động không vì lợi nhuận;

  • Chuyển đổi trường trung học phổ thông tư thục, trường phổ thông tư thục có nhiều cấp học có cấp học cao nhất là trung học phổ thông do nhà đầu tư trong nước đầu tư; trường phổ thông tư thục do nhà đầu tư nước ngoài đầu tư sang trường phổ thông tư thục hoạt động không vì lợi nhuận.

- Thủ tục hành chính cấp huyện:

  • Chuyển đổi nhà trẻ, trường mẫu giáo, trường mầm non tư thục do nhà đầu tư trong nước đầu tư sang nhà trẻ, trường mẫu giáo, trường mầm non tư thục hoạt động không vì lợi nhuận;

  • Chuyển đổi trường tiểu học tư thục, trường trung học cơ sở tư thục và trường phổ thông tư thục có nhiều cấp học có cấp học cao nhất là trung học cơ sở do nhà đầu tư trong nước đầu tư sang trường phổ thông tư thục hoạt động không vì lợi nhuận.

4. Quy định về đánh giá, xếp loại Đơn vị học tập

Việc đánh giá, xếp loại Đơn vị học tập phải căn cứ vào kết quả đạt được của các tiêu chí quy định tại Điều 5 của Thông tư 22/2020/TT-BGDĐT.

Việc đánh giá, xếp loại Đơn vị học tập theo phương thức chấm điểm. Tổng số điểm tối đa cho tất cả các tiêu chí là 100.

Đánh giá xếp loại được xác định như sau:

  • Loại tốt: Tổng số điểm đạt được từ 85 điểm đến 100 điểm;

  • Loại khá: Tổng số điểm đạt được từ 70 điểm đến dưới 85 điểm;

  • Loại trung bình: Tổng số điểm đạt được từ 50 điểm đến dưới 70 điểm;

  • Loại chưa đạt: Các trường hợp còn lại.

Trên đây là những điểm mới quan trọng trong lĩnh vực giáo dục sẽ hiệu lực từ tháng 9/2020 được Ban Biên tập THƯ KÝ LUẬT gửi đến Quý Khách hàng và Thành viên. Hy vọng những thông tin này là cần thiết và giúp ích được cho công việc của Quý Khách hàng và Thành viên.

Thùy Trâm

>> XEM BẢN TIẾNG ANH CỦA BÀI VIẾT NÀY TẠI ĐÂY

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của LawNet. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email: info@lawnet.vn
1685 lượt xem
Liên quan Văn bản
  • Địa chỉ: 19 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh
    Điện thoại: (028) 7302 2286
    E-mail: info@lawnet.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079
P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;