Từ cuối tháng 9/2020 (21/9 - 30/9) sẽ có các chính sách quan trọng trong lĩnh vực: Giáo dục đào tạo, Bảo hiểm, Chứng khoán,... có hiệu lực thi hành. Các chính sách cụ thể gồm có:
Thông tư 22/2020/TT-BGDĐT quy định về đánh giá, xếp loại Đơn vị học tập có hiệu lực từ ngày 21/09/2020.
Theo đó, có 03 nhóm tiêu chí đánh giá Đơn vị học tập gồm:
Các tiêu chí về các điều kiện để xây dựng Đơn vị học tập (tối đa 30 điểm);
Các tiêu chí về kết quả học tập của thành viên (tối đa 30 điểm);
Các tiêu chí đánh giá hiệu quả, tác động của xây dựng Đơn vị học tập (tối đa 40 điểm).
Việc đánh giá, xếp loại Đơn vị học tập phải căn cứ vào kết quả đạt được của các nhóm tiêu chí nêu trên. Tổng số điểm tối đa cho tất cả các tiêu chí là 100.
Các Đơn vị học tập sau khi đánh giá được xếp loại như sau:
Loại tốt: Tổng số điểm đạt được từ 85 điểm đến 100 điểm;
Loại khá: Tổng số điểm đạt được từ 70 điểm đến dưới 85 điểm;
Loại trung bình: Tổng số điểm đạt được từ 50 điểm đến dưới 70 điểm;
Loại chưa đạt: Các trường hợp còn lại.
Đây là nội dung đáng chú ý tại Thông tư 23/2020/TT-BGDĐT sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy định tiêu chuẩn, quy trình biên soạn, chỉnh sửa sách giáo khoa; tiêu chuẩn tổ chức, cá nhân biên soạn sách giáo khoa; tổ chức và hoạt động của Hội đồng quốc gia thẩm định sách giáo khoa ban hành kèm theo Thông tư 33/2017/TT-BGDĐT, có hiệu lực từ ngày 21/09/2020.
Bộ GDĐT tiếp nhận hồ sơ thẩm định sách giáo khoa 02 lần/năm (Ảnh minh họa)
Cụ thể, theo khoản 3 Điều 1 Thông tư 23/2020/TT-BGDĐT sửa đổi, bổ sung khoản 2 Điều 20 Thông tư 33/2017/TT-BGDĐT quy định về trình tự giải quyết hồ sơ đề nghị thẩm định sách giáo khoa thì từ ngày 21/9/2020, BGDĐT sẽ tiếp nhận hồ sơ để tổ chức thẩm định sách giáo khoa nhiều nhất 02 đợt trong một năm; trong mỗi đợt thẩm định, một bản mẫu sách giáo khoa được thẩm định nhiều nhất 02 vòng, mỗi vòng nhiều nhất 05 ngày.
Đối với trường hợp chưa đáp ứng các quy định tại Điều 17 Thông tư 33/2017/TT-BGDĐT thì hồ sơ được gửi trả lại đơn vị đề nghị thẩm định sách giáo khoa trong hạn 20 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ.
Thông tư 09/2020/TT-BNNPTNT hướng dẫn xác nhận thiên tai, dịch bệnh trong thực hiện chính sách hỗ trợ bảo hiểm nông nghiệp có hiệu lực từ ngày 18/09/2020.
Theo đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã hướng dẫn chi tiết việc xác nhận thiên tai để xác định sự kiện bảo hiểm nông nghiệp như sau: Sử dụng nội dung về tình hình, diễn biến thiên tai trong báo cáo tổng hợp đợt thiên tai quy định tại điểm a khoản 2 Điều 8 Thông tư liên tịch 43/2015/TTLT-BNNPTNT-BKHĐT ngày 23/11/2015 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn thống kê, đánh giá thiệt hại do thiên tai gây ra là căn cứ để xác định sự kiện bảo hiểm.
Tổ chức, cá nhân sản xuất nông nghiệp hoặc doanh nghiệp bảo hiểm sử dụng báo cáo theo quy định trên của Ủy ban nhân dân cấp xã để xác định sự kiện bảo hiểm trong thực hiện chính sách hỗ trợ bảo hiểm nông nghiệp.
Thông tư 77/2020/TT-BTC hướng dẫn một số nội dung của Nghị định 81/2020/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 163/2018/NĐ-CP quy định về phát hành trái phiếu doanh nghiệp có hiệu lực từ ngày 28/09/2020.
Chế độ công bố thông tin của doanh nghiệp phát hành trái phiếu (Ảnh minh họa)
Theo đó, chế độ công bố thông tin của doanh nghiệp phát hành trái phiếu bao gồm:
Công bố thông tin trước đợt phát hành trái phiếu;
Công bố thông tin về kết quả phát hành trái phiếu;
Công bố thông tin định kỳ;
Công bố thông tin bất thường và công bố thông tin về trái phiếu chuyển đổi, trái phiếu kèm theo chứng quyền, mua lại trái phiếu trước hạn, hoán đổi trái phiếu.
Lưu ý: Doanh nghiệp phát hành trái phiếu trước ngày 01/9/2020 thực hiện chế độ công bố thông tin định kỳ, công bố thông tin bất thường và công bố thông tin về trái phiếu chuyển đổi, trái phiếu kèm theo chứng quyền, mua lại trái phiếu trước hạn, hoán đổi trái phiếu (nếu có) theo quy định tại Điều 5, Điều 6 Thông tư 77/2020/TT-BTC.
Địa chỉ: | 19 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh |
Điện thoại: | (028) 7302 2286 |
E-mail: | info@lawnet.vn |